.

Cứu cánh là tình thương

.

Với chứng tự kỷ (TK), ngoài các phương pháp can thiệp thuần túy về chuyên môn thì tình thương yêu của cả người điều trị lẫn người thân của trẻ sẽ quyết định việc trẻ có khỏi bệnh hay không.

Dạy trẻ TK cách phát âm qua hình ảnh tại Trung tâm Hướng Dương. Ảnh:V.T.L
Dạy trẻ TK cách phát âm qua hình ảnh tại Trung tâm Hướng Dương. Ảnh:V.T.L

Nhiệt tâm vì trẻ

Cô Thái Thị Hồng Nguyên, kỹ thuật viên (KTV) phục hồi chức năng (PHCN) của Trung tâm Hướng Dương đang sắp xếp lại các loại đồ chơi trẻ con thì một người mẹ trẻ cùng một cháu bé khoảng 4 tuổi bước vào. Người mẹ giới thiệu cháu tên là N.D.H. ở phường Hòa Thuận Đông, đến trung tâm để xin điều trị chứng TK. Sau thủ tục nhanh gọn, người mẹ định quay về thì H. khóc như mưa, nằng nặc đòi mẹ đưa về. Cô và mẹ phải mất 3 ngày tìm mọi cách dỗ dành H. mới quen dần với môi trường mới.

Cô Nguyên mang ra chiếc ô-tô bằng gỗ, bày H. lấy các mảnh ghép bằng gỗ ra chơi rồi lại đặt vào chỗ cũ trong xe. Chăm sóc trẻ bằng tình thương của một người mẹ, cô dần dà được H. tin tưởng. Mấy lần mẹ đưa H. đi cắt tóc nhưng cháu không chịu, phải điện thoại nhờ cô Nguyên nói giúp, H. mới nghe lời. Sau 2 năm, H. khỏe hẳn lên, được vô lớp 1 đúng độ tuổi, trong khi phần lớn những trẻ TK khác cha mẹ chấp nhận cho con trễ 1 năm để điều trị. Nay H. đã lên lớp 3, thỉnh thoảng cô điện thoại hỏi thăm H. học hành như thế nào để tư vấn cho mẹ cháu cách chăm sóc con hiệu quả.

Trung tâm Hướng Dương là cơ sở tư nhân đầu tiên ở Đà Nẵng nhằm giúp phụ huynh phát hiện sớm và can thiệp sớm trẻ bị chứng TK, thành lập năm 2009 trên đường Phạm Văn Nghị, nay chuyển xuống số 134 đường 3 tháng 2. Phụ trách trung tâm, cử nhân chuyên ngành PHCN Nguyễn Chất chia sẻ: “Trung tâm phát triển theo mô hình kết hợp giữa y tế và giáo dục đặc biệt với phương châm: Khi làm việc với một đứa trẻ bạn hãy làm với tất cả sự nhiệt tâm, vì đứa trẻ đó có gương mặt, có tên, có suy nghĩ và có trái tim”.

Hiểu trẻ mới yêu trẻ

Một trong những biểu hiện của chứng TK là trẻ chậm phát triển ngôn ngữ. KTV Lê Kim Hoàng, Phó trưởng khoa PHCN nhi Bệnh viện PHCN Đà Nẵng kể, có trẻ đến chỉ nói được một “từ” duy nhất là ò ó o như gà gáy. Trẻ 20 tháng tuổi bình thường đã nói được từ đơn, nhưng trẻ TK không nói được, chỉ dùng cử chỉ; như muốn uống nước thì cầm tay ba mẹ chỉ bình nước. Các cô dùng phương pháp ngôn ngữ trị liệu dạy cháu nói qua hình ảnh, trò chơi. Ví như với chủ đề giao thông cháu chỉ biết nói một từ đơn là xe, giờ cô dạy thêm xe đạp, xe máy, xe ô-tô… Cô và mẹ đều xác định là phải kiên nhẫn. Có cháu, cô phải bỏ ra 3 tháng để dạy cháu nói được mỗi một từ “cho”.

Với phương pháp giáo dục được học bài bản từ y khoa chuyên nghiệp, các KTV luôn làm cho các bà mẹ phải “ghen tỵ” một cách tâm phục khẩu phục khi họ hiểu được tâm sinh lý của chính con mình.

Cô Võ Thị Minh Giang, KTV khoa PHCN nhi Bệnh viện PHCN Đà Nẵng, có lần được một cháu đã học lớp 1, hỏi: “Cô ơi, có bạn trong lớp nói là con bị khùng. Khùng là gì hả cô?”. Trong trường hợp này, kinh nghiệm của cô Giang là phải dẫn giải cho trẻ như thế nào đó để tránh trẻ bị sốc. Khùng là xử sự không giống như những người chung quanh – cô giải thích. Con có nói chuyện một mình không? Có. Con có chơi với bạn bè không? Không… Vậy là con khác với mọi người rồi, khùng là vậy đó con. Trẻ TK mỗi cháu một bệnh trạng, nhiều khi phải “tâm tình” một cô một cháu mới hiểu cháu để dạy dỗ, chăm sóc cháu tốt được.

Cứu cánh là tình thương

Ở Đà Nẵng, trẻ TK được phát hiện nhiều từ năm 2006. BS Lê Văn Sơn, Trưởng khoa PHCN Bệnh viện Đà Nẵng cho hay: “Trước do chưa có nghiên cứu chuyên sâu nên trẻ TK không được quan tâm, chăm sóc. Nay đã có khoa chuyên môn, chúng tôi khuyên KTV và người nhà nên ôm ấp, vuốt ve trẻ, “nói chuyện” với trẻ bằng mắt trẻ dù trẻ không muốn nhìn mình. Phương pháp này đơn giản nhưng rất hiệu quả”.

Cử nhân PHCN Đặng Thị Thủy Tiên công tác ở khoa này giải thích thêm: “Trẻ TK kém tập trung, tránh nhìn vào mắt người đối diện, mình phải biết cách “dẫn dụ” trẻ. Đưa các đồ chơi có âm thanh, màu sắc vào gần mắt mình, trẻ thế nào cũng nhìn theo và mình sẽ có cơ hội “nói chuyện” với trẻ bằng mắt”.

KTV Huỳnh Thị Hà Thanh cùng khoa nhớ mãi một cháu trai 4 tuổi lần đầu đến bệnh viện khóc đúng một tuần, mẹ phải ngồi bên dỗ dành. Cô biết trẻ TK chậm về ngôn ngữ, nhưng điệu bộ, hình ảnh thì bắt chước nhanh. Cô cho cháu chơi trò hát đồng dao như Chi chi chành chành, Kéo cưa lừa xẻ… Những bài hát thiếu nhi như Bà ơi bà cháu yêu bà lắm, cô vừa hát vừa làm điệu bộ cho cháu bắt chước theo. Sau một tuần gần gũi cô, cháu được mẹ đưa tới là tự giác vào ghế ngồi, không khóc nữa. Cô cầm tay cháu là cháu nắm tay cô đưa lên áp vào má mình một cách trìu mến. Sau một năm, từ lúc chỉ nói một từ đơn, không nhận rõ màu sắc, cháu đã nói được câu dài và phân biệt màu rõ ràng.

Tình thương yêu của cộng đồng đã giúp trẻ TK vượt qua nỗi đau. Ở Đà Nẵng, việc trẻ bị chất độc da cam, trẻ khiếm thị, khiếm thính... lên sân khấu không còn là chuyện lạ, nhưng trẻ TK thì mãi đến ngày 1-6-2010 mới lần đầu tiên biết cảm giác làm “diễn viên” như thế nào. BS Hồ Minh Cảnh, Trưởng khoa PHCN nhi Bệnh viện PHCN Đà Nẵng không quên được hình ảnh đáng yêu của các cháu lần đó: “Các cháu xúng xính trong trang phục đẹp, nôn nóng được ra sân khấu. Trẻ TK nặng chỉ biết múa, trẻ bị nhẹ được các cô dạy hát, dạy múa. Đan xen vào đó là các tiết mục của phụ huynh. Lần đó, cả DRT và DVTV đều đến đưa tin, các em xem lại trên truyền hình và cảm thấy ấm lòng khi được mọi người thương yêu, chăm sóc”.

Mỗi một cháu vượt qua ngưỡng cửa TK để bước ra hòa nhập cộng đồng là một  sự kỳ diệu của tình thương con người.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.