.

Hào khí Biển Đông

.

Gần đây, khi nghe những bài hát, vần thơ viết về chủ đề biển đảo, ca ngợi vẻ đẹp Tổ quốc cũng như tôn vinh hình ảnh người lính Hải quân sát cánh cùng ngư dân ngày đêm bám biển, mọi người đều cảm thấy vô cùng xúc động. Bởi qua những gì đã và đang diễn ra trên Biển Đông, người nghệ sĩ đã gửi vào tác phẩm của mình cả trái tim và tình yêu dành cho Tổ quốc.

Một trong những tác phẩm về biển đảo do Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng sáng tác.
Một trong những tác phẩm về biển đảo do Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng sáng tác.

Tiếng nói từ trái tim

Có mặt tại lễ phát động sáng tác chủ đề “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng hướng về biển đảo quê hương” do Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 15-7, tôi thật sự bất ngờ trước một lượng lớn tác phẩm thơ, văn, nhạc, họa chất lượng, có nội dung về biển đảo được các anh chị sáng tác hơn 2 tháng qua, đặc biệt, ở mảng ca khúc.

Tại buổi lễ phát động, nhạc sĩ Nguyễn Đức cất cao giọng hát cùng nhạc sĩ Thái Phú, Trần Dũng trong ca khúc “Thiêng liêng Việt Nam” (sáng tác Nguyễn Đức-Trần Dũng) với những ca từ sâu lắng và đanh thép: “Biển của mẹ tôi ngàn năm còn đó/Dù sóng cuộn bão tố phong ba/Bao thế hệ một thời ngã xuống tiếp sức bên nhau giữ lấy biển khơi này…/Tổ quốc thiêng liêng không đánh đổi bằng lời, không đánh đổi biển trời bằng chuyện viển vông/Tổ quốc thiêng liêng, biển trời thiêng liêng. Ngàn đời hai tiếng Việt Nam…”.

Có lẽ, khi nghe ca khúc này, mọi người sẽ nghĩ ngay đến câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn AP và Reuters : “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Điều này thể hiện sự nhạy bén của người nhạc sĩ trong việc nắm bắt cảm xúc cũng như liên tục cập nhật tình hình Biển Đông để có hướng sáng tác phù hợp.

Thông tin từ Hội Âm nhạc TP. Đà Nẵng, trong vòng 2 tháng qua, Đà Nẵng đã có thêm 30 ca khúc mới sáng tác về Hoàng Sa-Trường Sa. Nhạc sĩ Thái Phú, tác giả của hai ca khúc Hoa biển xanh, Hoàng Sa-Trường Sa máu thịt Việt Nam, cho hay: “Trong giai đoạn cả nước đang từng giờ, từng phút đấu tranh không mệt mỏi bằng biện pháp hòa bình trước sự ngang ngược của Trung Quốc thì chúng tôi, những người lính trên mặt trận văn hóa, tư tưởng cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình khơi dậy lòng tự hào dân tộc, cùng cất cao lời ca tiếng hát quyết tâm bảo vệ vững chắc biển trời Tổ quốc thân yêu”.

Tổ quốc nhìn từ biển

Không phải đến bây giờ, giới văn nghệ sĩ mới đẩy mạnh phong trào sáng tác về chủ đề biển, đảo. Cách đây hơn 3 năm, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến lần đầu đăng tải trên Báo Thanh niên đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ độc giả, nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng. Thời điểm ấy (5-2011), tàu hải giám Trung Quốc cũng gây hấn bằng cách quấy nhiễu tàu thăm dò dầu khí PetroVietnam và cắt cáp ngầm của tàu này trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bài thơ như làm bùng lên ngọn sóng thi ca yêu nước, trở thành “hiện tượng” khi viết về Biển Đông, cứa vào tim người rỉ máu: “Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân”. Bài thơ sau đó đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc, phổ biến rộng khắp.

Nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng, cho rằng những sáng tác văn học-nghệ thuật về Hoàng Sa-Trường Sa thời gian qua là “sự phẫn nộ của lương tri” trước những gì đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra trên Biển Đông. Ông đơn cử, “Bài thơ nhỏ tôi dâng lên Tổ quốc” của nhà thơ Nguyễn Kim Huy với những câu thơ toát lên hào khí Biển Đông trong những ngày này: “Tổ quốc lại một lần như con tàu trong bão tố dập dềnh/Những mũi tên đồng lần nữa phải giương lên/Sẵn sàng cho Tổ quốc/Thánh Gióng còn ngồi yên giữa chín nong cơm mười nong cà/Những ngư dân kiểm ngư cảnh sát biển đã đường đường xung trận/Chín mươi triệu dân nén lòng căm hận…”.

Cũng theo nhà thơ Bùi Công Minh, tạp chí Non Nước thuộc Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng thời gian qua trở thành kênh quảng bá, tuyên truyền những tác phẩm như thế. Không chỉ đăng tải tác phẩm do văn nghệ sĩ Đà Nẵng sáng tác, trên tạp chí còn xuất hiện tác phẩm thơ, văn về biển đảo ở nhiều địa phương khác. Ví dụ, trong số Non Nước 199 phát hành tháng 6-2014 đăng tải một số bài thơ như “Chúng tôi vẫn ra khơi trên biển Tổ quốc mình” của Lê Anh Phong (Quảng Bình) hay “Tổ quốc Lạc Long” của Nguyễn Thánh Ngã (Lâm Đồng): “Ở nơi ấy/ có giọt máu Hoàng Sa/ vươn ngón tay bấu vào thềm lục địa/bóng lũ giặc chập chờn/giàn khoan như vòi đĩa/hút máu xương ngàn đời trầm tích quê cha”.

Hơn một tháng qua, Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng cũng đã phát động phong trào sáng tác hướng về biển đảo. Bằng tài năng, nỗ lực và tình yêu dành cho đất nước, các họa sĩ đã đóng góp nhiều tác phẩm có chất lượng, nội dung phong phú. Theo họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng, mỗi tác phẩm của người họa sĩ đều ẩn chứa trong đó vẻ đẹp của biển trời quê hương, hình ảnh cột mốc chủ quyền, người lính Hải quân hay từng đoàn thuyền vẫn giong buồm ra khơi đánh cá…

“Hoàng Sa-Trường Sa máu thịt Việt Nam, ánh sáng ngời chân lý bao ngàn năm. Dẫu biết là hy sinh là gian khổ xương máu đỏ rực Biển Đông. Giữ vững biển đất trời ngàn đời Tổ quốc Việt Nam”, những ca từ trong “Hoàng Sa-Trường Sa máu thịt Việt Nam” của nhạc sĩ Thái Phú vang lên trong lễ phát động sáng tác về biển đảo dường như nói lên nhiều điều. Đó không chỉ là tình yêu, lòng tin của người nghệ sĩ vào chân lý ngàn đời, mà còn là sự chia sẻ, động viên tinh thần các chiến sĩ đang ngày đêm thực thi pháp luật trên biển.

Ngày 25-7, tại Trung tâm Quản lý di sản thành phố Đà Nẵng (78 Lê Duẩn), Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng tổ chức Triển lãm mỹ thuật mang tên “Hướng về Biển Đông”, tập hợp gần 60 tác phẩm có nội dung về biển, đảo quê hương. Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha cho biết, ngay khi triển lãm kết thúc, toàn bộ số tranh này sẽ được Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng hiến tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, phục vụ công tác trưng bày, thưởng lãm của người dân và du khách khi đến Đà Nẵng.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.