.

Thuốc Đông y cho sản phụ

.

Đông y hiện đại không còn là những kinh nghiệm truyền miệng mà đã có những nghiên cứu khoa học đối với các phương thuốc chuyên dùng cho sản phụ sau sinh nhằm hạn chế những biến chứng nguy hiểm, kích thích ăn ngon, ngủ ngon, điều hòa sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa I  Huỳnh Thị Xuân trong giờ khám bệnh. Ảnh:  Q.T
Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Thị Xuân trong giờ khám bệnh. Ảnh: Q.T

Từ những bài thuốc dân gian…

Phụ nữ sau khi sinh sức khỏe suy giảm, các hệ thống tim, phổi, ruột, dạ dày, tiết niệu, cơ quan sinh dục, sự trao đổi chất đều có sự thay đổi, thậm chí có nhiều trường hợp còn gặp biến chứng sau sinh. Ông bà ta khuyên: sau sinh cần tránh gió lạnh, không ăn thức ăn sống, lạnh, rắn, thức ăn quá giàu mỡ và đạm để phòng đầy bụng khó tiêu, và cần giữ tinh thần thoải mái thanh thản. Trong dân gian cũng lưu truyền bài thuốc giúp bổ khí dưỡng huyết cho sản phụ đó là món gà mái tơ hầm tam thất hoặc móng giò heo ninh nhừ với đu đủ xanh.

Không phải ngẫu nhiên mà các bà các mẹ cứ sau sinh là tiến hành ngay việc xông hơ. Theo Bác sĩ chuyên khoa I  Huỳnh Thị Xuân (Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng), “tiền sản sinh nhiệt, hậu sản sinh hàn”, phụ nữ khi mang thai thường nóng, sau sinh thường thiên về hàn, khí huyết hư nhược nên gây ra những chứng bệnh như nhức mỏi toàn thân, ăn ngủ kém, da dẻ khô sạm. Các bà các mẹ đã dùng thảo dược có tính ấm nóng như gừng, sả, long não để xông hơ thì những triệu chứng này cải thiện nhiều nên đã được phụ nữ sau sinh áp dụng từ đó đến nay.

Ngoài những bài thuốc, phương pháp dân gian giúp sản phụ hoạt huyết thì một trong những vấn đề mà sản phụ lo lắng và hay gặp phải nhất là thiếu sữa. Theo lương y Phan Công Tuấn (Bệnh viện YHCT Đà Nẵng), sữa là do huyết hóa sinh, dựa vào khí mà vận hành. Vì vậy, sữa có nhiều hay ít đều có quan hệ rất mật thiết với khí huyết người mẹ. Tỳ vị hư nhược, khí huyết sinh hóa kém hoặc can khí uất kết, khí cơ bất thông, kinh mạch vận hành trở trệ… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng thiếu sữa.

Để điều trị triệu chứng này, ông bà ta cũng để lại nhiều bài thuốc rất hay. Đó là: (1) móng giò lợn 2 cái, thông thảo 10g, lá sung 20g, gạo nếp 50g, cho tất cả vào nấu thành cháo ăn. (2) đu đủ non 1 - 2 quả, gạo nếp 50 -100g, hầm cháo ăn.

Bài thuốc này đã được các bác sĩ, lương y tại Bệnh viện YHCT Đà Nẵng tư vấn cho sản phụ sử dụng và mang lại hiệu quả cao. Chị Lê Thị Hiền (trú tại 270/28 đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh Khê) chia sẻ: “Sau khi sinh xong, khắp cơ thể tôi bị nổi mề đay, ngứa ngáy toàn thân, sữa thì lại không có nên tôi đã đến bệnh viện YHCT để bốc thuốc. Không ngờ nhờ những bài thuốc dân gian đơn giản này mà chỉ sau một tháng cơ thể tôi đã bình thường trở lại, sữa rất nhiều”. Chị Hiền cũng cho biết thêm rằng, trước đó vợ chồng chị cưới nhau 7 năm vẫn chưa có con, sau 2 tháng uống thuốc Đông y tại Bệnh viện YHCT (vì nghĩ thuốc được chiết xuất từ thảo dược thì không có tác dụng phụ) chị đã may mắn đậu thai.

… đến những nghiên cứu lâm sàng hiện đại

Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền công dụng thần kỳ của cây chè vằng đối với sản phụ sau sinh. Tuy nhiên, phải đến khi có bài “Nghiên cứu tác dụng chống nhiễm khuẩn của cây Chè vằng mọc ở Quảng Nam - Đà Nẵng” của dược sĩ Trương Thị Ngọc Liên (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý Dược – Sở Y tế Đà Nẵng) thì lợi ích khoa học của cây chè vằng mới được mọi người công nhận rộng rãi.

Dược sĩ Liên kể, ngày chị còn nhỏ đã thấy các bà các mẹ cứ đến gần ngày sinh là lấy cây chè vằng chặt ngắn, phơi khô, sắc uống sau sinh. Theo các bà mẹ, uống nước chè vằng có tác dụng mau khô sản dịch, giúp sản phụ ăn ngon miệng. Khi chị làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang, thuốc kháng sinh lúc đó rất hiếm nên đã cùng người bạn nghĩ ra cách dùng lá chè vằng sắc cho bệnh nhân uống thì thấy chè vằng có tác dụng tương đương kháng sinh.

Qua theo dõi điều trị 254 ca sản phụ ở bệnh viện Hòa Vang, dược sĩ Liên đã ghi lại tác dụng của chè vằng trong nghiên cứu của mình: “Không dùng thuốc kháng sinh mà chỉ dùng chè vằng trong trường hợp đẻ thường, giảm 50% thuốc kháng sinh trong trường hợp đẻ khó, góp phần chống nhiễm khuẩn, chóng phục hồi sức khỏe, kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, không ảnh hưởng đến tiết sữa”.

Ngoài ra, cây chè vằng trong nghiên cứu của dược sĩ Liên còn có công dụng chống viêm cấp tính, viêm mãn tính, làm teo tuyến ức trên các mô hình thực nghiệm trên chuột. Thêm vào đó là một số tác dụng sinh học khác như: làm lành vết thương, hạ sốt, bảo vệ niêm mạc, tăng tiết dịch mật, giảm nhu động ruột của chế phẩm cao cồn và cao nước bằng đường uống và đường tiêm.

Tác dụng của cây chè vằng trong y học vậy đã rõ, nhưng nay nếu hỏi một sản phụ nào đó có dùng cây chè vằng sau sinh hay không thì họ hầu như không biết. Thời buổi “Tây gần hơn ta” nên cho dù một số bà mẹ đã từng dùng cây chè vằng rất hiệu quả sau khi sinh, giờ đây khi lo chuyện sinh nở cho con gái/con dâu vẫn cứ thuốc Tây mà dùng bởi Đông y chưa đủ mạnh, thuốc kháng sinh nhiều và rẻ lại tiện dùng hơn nên cây thuốc nam này vẫn không có chỗ đứng.

Tuy nhiên, nếu thuốc Tây y dễ gây ra tác dụng phụ thì Đông y hầu như không có tác dụng phụ nào. Đã đến lúc người dân nói chung, sản phụ nói riêng phải chăng nên quay về với “cây nhà lá vườn”, vừa bảo đảm sức khỏe lại không làm phung phí nguồn dược liệu quý của quốc gia.

Bác sĩ Huỳnh Thị Xuân chia sẻ một số phương thức xông hơ đơn giản cho sản phụ:

Xông muối: Giã nghệ tươi lấy nước thoa khắp mặt, rang muối lấy hơi xông lên cho khô nước nghệ. Một ngày làm từ 5-7 lần sẽ khiến da dẻ mịn màng.

Xông nước: Dùng hành củ, sả, muối sống đập dập nấu nước xông. Sau đó lau lại bằng rượu gạo. Cách này giúp làm sạch và se khít lỗ chân lông.

Xoa bóp: Dùng gừng, bạch chỉ, long não, tam nại giã nát, trộn đều rồi ngâm với cồn 70 độ. Phương thức này giúp săn chắc đàn hồi da, làm mịn da và trơn bóng. Ngăn ngừa đau nhức toàn thân và tê mỏi chân tay.

Uống nước nghệ và mật ong: Ngâm nghệ với nước vo gạo 1 ngày 1 đêm rồi rửa sạch, phơi khô. Sau đó tán mịn và hòa với mật ong, uống ngày 2 muỗng sẽ có tác dụng lưu thông khí huyết, đẹp da, chắc ruột.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.