.

Tạm biệt những cơn đau

.

Sau 5 ngày đến điều trị bệnh đau cột sống tại Bệnh viện Y học cổ truyền, căn bệnh của anh Đặng Anh Tuấn (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đã có “tiến triển tốt” theo như nhận xét của chính anh.

Lương y Phan Công Tuấn chữa bệnh bằng phương pháp Hỏa long cứu (tốc cứu).
Lương y Phan Công Tuấn chữa bệnh bằng phương pháp Hỏa long cứu (tốc cứu).

Thoát khỏi cơn đau cột sống

Trước đó, một buổi sáng thức dậy, vừa bước xuống giường thì anh Đặng Anh Tuấn thấy mình bị đau lưng, không đứng thẳng lên được, sau đó cơn đau lan dần xuống chân, không dồn dập mà đau từng cơn, nhất là thời điểm trời gần sáng và lúc mới ngủ dậy. Anh đi chụp phim, bác sĩ (BS) thông báo căn bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng. Anh uống và chích thuốc 10 ngày vẫn không thấy khỏi. Thế là vợ anh lại lóc cóc đèo chồng đi tìm bác sĩ, lần này đến BS y học cổ truyền. Chỉ sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền, anh Tuấn thấy những cơn đau thuyên giảm hẳn, anh đã tự đi lại được giữa các phòng điều trị mà không cần vịn tường hay ai đó phải dìu.

Bằng cách phối hợp 5 phương pháp điều trị: Điện châm + thủy châm (dùng thuốc và vitamin tổng hợp) + điện từ trường + xoa bóp bấm huyệt + chườm thuốc y học cổ truyền, đến nay sau 2 tháng triển khai cách thức điều trị này, đơn vị Tư vấn-điều trị và kiểm soát đau cột sống (gọi tắt là Đơn vị Cột sống) của bệnh viện đã chữa cho hơn 300 bệnh nhân bị căn bệnh này với 1.127 lượt điều trị và tỷ lệ khỏi giảm lên đến 88,9%.

Gói kỹ thuật “Tư vấn, điều trị và kiểm soát đau cột sống” do bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao và Y học cổ truyền Đà Nẵng trở thành bệnh viện vệ tinh thứ 13 của BV này. Với một liệu trình điều trị kéo dài 6 ngày (gói điều trị và thuốc trị giá 300 nghìn đồng, bảo hiểm y tế thanh toán từ 60 đến 120 nghìn đồng), những người lâu nay bị đau cột sống đã tìm thấy cơ hội chữa bệnh. Người bệnh có thể vẫn chưa thể chữa hết hẳn căn bệnh vốn “sống” dai dẳng này, nhưng khả năng phục hồi có tiến triển rõ rệt, chất lượng cuộc sống vì thế cũng nâng lên. Những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm (có chỉ định mổ) thì liệu trình điều trị kéo dài hơn. TS, BS Nguyễn Văn Dũng, phụ trách Đơn vị Cột sống cho biết từ khi thành lập đơn vị (thuộc Khoa Châm cứu dưỡng sinh), các y bác sĩ mỗi ngày tiếp nhận khoảng 25-30 bệnh nhân. Nói về hiệu quả của phương pháp điều trị, BS Dũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ giúp để bệnh nhân thoát khỏi cơn đau cấp và khả năng phục hồi về lâu dài đạt được 60-70%. Sau liệu trình điều trị sẽ có tư vấn để tránh tái phát và bệnh nhân phải đi lại, tập luyện thường xuyên mới mong trở lại với công việc như cũ”.

Ngoài ra, Đơn vị Cột sống còn triển khai phương pháp Chườm thuốc y học cổ truyền (phương thuốc gồm có 3 thành phần chính là ngải cứu, gừng và muối), kết hợp giữa hơi nóng và thuốc nam giúp giảm đau thắt lưng, đau thần kinh tọa do thoái hóa cột sống; giảm béo bụng, làm đẹp da mặt; phòng và trị chứng cảm mạo do lạnh; giảm stress, giảm suy nhược thần kinh; giảm đau vùng cổ gáy, đau do thoái hóa cột sống cổ; giảm mệt mỏi, thư giãn toàn thân. Rất nhiều người già và những người làm công việc văn phòng chọn phương pháp điều trị này tại Phòng khám dành cho nhân viên văn phòng của bệnh viện (số 02 đường Quang Trung). TS, BS Nguyễn Văn Dũng cho biết, thời gian tới bệnh viện sẽ kết hợp với các công ty du lịch, đưa phương pháp này vào hoạt động du lịch phục hồi sức khỏe.

Cứu và những cách làm mới

Chỉ cho tôi tấm áp-phích giới thiệu phương pháp Hỏa long cứu (tốc cứu), Lương y Phan Công Tuấn, phụ trách phòng Tư vấn truyền thông của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cho biết đây là phương pháp kết hợp: cứu ấm kinh lạc, xoa bóp rượu thuốc và tác động lên cột sống để loại trừ cơn đau.   

Cách đây không lâu, Lương y Phan Công Tuấn bằng vốn kiến thức chữ Hán tự học của mình, tìm đọc cuốn sách “Đồ giải ngải cứu liệu pháp” do Dương An Sinh và Âu Dương Kì chủ biên, NXB Quân y Nhân dân (Trung Quốc) xuất bản lần đầu ở Bắc Kinh tháng 5-2007, ông mừng như “vớ được vàng” vì cứu là một phương pháp ông đam mê và nghiên cứu nhiều năm nay. Từ phương pháp “Hỏa long cứu” mới được sáng chế ở Trung Quốc (theo sách), ông nghiên cứu, cải tiến và ứng dụng trên hàng ngàn lượt bệnh nhân tại các Tuệ Tĩnh Đường ở huyện Hòa Vang. Kết quả điều trị cho bệnh nhân rất tốt và chỉ mất 5-7 phút cho một lần điều trị, nên ông đặt tên tiếng Việt là phương pháp tốc cứu (cứu nhanh).

Tại hội thảo khoa học Các môn thuốc, bài thuốc, phương pháp chữa bệnh của các dân tộc, tôn giáo Việt Nam tổ chức vào ngày 16-7-2013 tại Hà Nội, báo cáo về phương pháp tốc cứu của Lương y Phan Công Tuấn đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng bằng khen. Phương pháp này được giới thiệu rất kỹ trên trang web của bệnh viện: http://yhct.danang.gov.vn/chi-tiet?articleId=26185, có tác dụng giảm đau nhanh, điều hòa âm dương… Đặc biệt tốc cứu chuyên trị thoái hóa cột sống, đau lưng, đau vai gáy, đau cổ-cánh tay, đau dạ dày, nam giới nhược dương, phụ nữ lãnh cảm, giảm béo, làm đẹp…

Ông Phan Công Tuấn kể một chuyện vui về tốc cứu làm ông nhớ mãi, đó là vào quãng tháng 2-2014, một bệnh nhân người Nhật nhập viện với triệu chứng đau mỏi lưng. Lương y Tuấn đã tiến hành tốc cứu cho ông. Khi bệnh nhân bước trên giường bệnh xuống, tươi tỉnh như chưa hề trải qua một cơn đau kinh khủng, không biết tiếng Việt, thế là ông ấy đưa một ngón tay lên và nói “number one” (số 1/tuyệt vời). Tháng 5 vừa qua, ý kiến "phát biểu bằng tay" này được lặp lại một lần nữa khi một bệnh nhân người Mỹ gốc Hoa được tốc cứu.

Ngoài ra, Lương y Phan Công Tuấn còn là tác giả của sáng kiến cải tiến phương pháp cứu lò ngải đang áp dụng điều trị tại bệnh viện. Đó là đặc chế một dụng cụ gọi là lò cứu làm giá đỡ cho điếu ngải mà trong Đông y các thầy thuốc thường phải dùng tay đốt hơ vào các huyệt vị. Cứu bằng lò ngải thầy thuốc có thể dùng đồng thời nhiều huyệt một lúc và có thể hướng dẫn bệnh nhân sử dụng tại nhà nên rất tiện lợi.

Có thể chữa những bệnh thông thường như cảm mạo, đau đầu, đau lưng, vẹo cổ, nấc cụt, nôn mửa, đầy bụng, đinh nhọt; và các chứng cấp cứu như choáng ngất, trúng gió, trúng hàn, chết đuối, bí đái, thai phụ gần sinh thai không quay đầu, sản phụ nhau không ra hay thai chết lưu, trẻ em lên cơn động kinh…Tất cả những bệnh chứng này dùng phép cứu điều trị tích cực, kịp thời và cho kết quả tốt, nhanh chóng. Theo Lương y Phan Công Tuấn, cứu lò ngải là phương pháp cứu cải tiến, thích ứng với điều kiện kinh tế, bảo đảm giữ gìn tính cổ truyền, vừa thích hợp với quỹ thời gian eo hẹp của con người…

Bài viết này có tính chất giới thiệu những phương pháp điều trị bệnh mới nhất của Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, nếu bệnh nhân mắc bệnh, cần được cứu kịp thời thì nên gặp bác sĩ của bệnh viện để có một hướng điều trị thích hợp, trước khi tự mình tiến hành điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

HOÀNG NHUNG
 

;
.
.
.
.
.