.

Giảm thiểu sự cố mạng lưới

.

Việc giảm thiểu sự cố mạng lưới điện không chỉ tránh những thiệt hại về người và tài sản mà còn là một trong những biện pháp làm giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm điện hiệu quả nhất.

Đường dây 22kV ký hiệu 471 E12 đi qua ngã ba Cây Thông, xã Hòa Nhơn, đã được ngành Điện cải tạo an toàn và mỹ quan.
Đường dây 22kV ký hiệu 471 E12 đi qua ngã ba Cây Thông, xã Hòa Nhơn, đã được ngành Điện cải tạo an toàn và mỹ quan.

Tổn thất về dân sinh và kinh tế

Ở Đà Nẵng, theo ông Trần Thế Thọ, Giám đốc Điện lực (ĐL) Cẩm Lệ, chỉ tính riêng trong năm 2012 đã xảy ra 136 lần sự cố lưới điện trung, hạ áp trên địa bàn đơn vị cấp điện gồm 5 phường thuộc quận Cẩm Lệ, 7 xã thuộc huyện Hòa Vang và khu công nghiệp Hòa Cầm. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Thọ, là do cây cối va quẹt vào đường dây trung áp, nhất là vào mùa mưa bão, ngoài ra còn do các phương tiện cơ giới trong lúc san lấp mặt bằng phục vụ quy hoạch đã vi phạm khoảng cách an toàn gây sự cố làm mất điện trên diện rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - xã miền núi đã “phủ sóng” điện 100% địa bàn dân cư và 5 khu du lịch, cho rằng sự cố lưới điện ở nông thôn còn có một nguyên nhân khác: Người dân trước trồng các loại hoa màu như mè, đậu, bắp... sau bỗng dưng chuyển sang trồng keo lá tràm gây ảnh hưởng hành lang tuyến làm cho ngành Điện trở tay không kịp. Chia sẻ với ngành Điện về những sự cố điện ngoài ý muốn, ông Hải đề nghị bên cấp điện nên nghiên cứu giải quyết các loại cây vướng tuyến một lần, tránh tình trạng năm sau cây lại phát triển gây sự cố; thay dây trần bằng dây bọc nhựa cách điện để đảm bảo an toàn và tránh hao hụt điện năng.

Để hạn chế tối đa sự cố lưới điện, Công ty TNHH MTV ĐL Đà Nẵng đã chỉ đạo ĐL Cẩm Lệ, ĐL Liên Chiểu (đơn vị cấp điện cho quận Liên Chiểu và 4 xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Liên của huyện Hòa Vang) làm việc cùng UBND các cấp nhằm phối hợp trong việc đốn cây vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tuy nhiên, công việc góp phần ổn định và an toàn điện này vẫn chưa được thực hiện triệt để do một số người dân các khu vực chưa thống nhất cho đốn cây.

Một thực tế tưởng chừng mâu thuẫn, trong lúc lưới điện nông thôn còn xảy ra nhiều sự cố thì lưới điện ở các khu công nghiệp- nơi tập trung nhiều nhà máy, cơ xưởng cần điện cho sản xuất - lại hiếm khi “dở chứng”. Hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức sản xuất ban đêm để tiết kiệm chi phí điện năng, vì thế trục trặc về điện giữa đêm hôm là vất vả trăm bề. Ông Nguyễn An, Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Thái Bình Dương (KCN Hòa Khánh) cho biết, công ty ông mỗi tháng trả gần 10 tỷ đồng tiền điện, mỗi ngày ngưng sản xuất là “đỡ mất” 300 triệu đồng tiền điện, nhưng tổn thất về kinh tế cho doanh nghiệp là không nhỏ.

“Thành phố không dây”

Sau khi ngành Điện thực hiện xóa bán điện tại công-tơ tổng, lưới điện nông thôn giờ đã không còn bùng nhùng, tạm bợ như trước, nhưng cũng chưa hẳn là đã tuyệt đối an toàn, ổn định. Ở nội thành, sau khi Công ty ĐL Đà Nẵng tăng cường công tác quản lý và đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp điện vào sâu trong hẻm kiệt (và cả vùng sâu, vùng xa), đến nay hầu hết các hẻm kiệt đã có hệ thống lưới điện hạ thế bảo đảm an toàn đến từng hộ dân. Tuy nhiên, theo khảo sát của công ty, hiện còn một số hẻm, kiệt nhỏ hẹp, một số khu vực nằm trong vùng quy hoạch, giải tỏa hay nằm trong vùng tự phát, mở đường... nên rất khó khăn trong việc đầu tư xây dựng lưới điện, không dựng được trụ, kéo dây điện đúng kỹ thuật. Dây điện trong các hẻm, kiệt này không bảo đảm an toàn chủ yếu là do dây điện sau công-tơ khách hàng (tài sản của khách hàng), dây của các công trình khác đeo bám lên trụ điện (dây thông tin).

Để từng bước khắc phục tình trạng một trụ điện “cõng” hàng chục loại dây nhợ đủ kích cỡ, chủng loại, các đô thị lớn ở Việt Nam đang triển khai các dự án ngầm hóa lưới điện nhằm tăng sự ổn định, an toàn cho mạng lưới điện và mang lại cảnh quan đô thị.

Hai năm trước, tại hội thảo quốc tế về ngầm hóa lưới điện Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH MTV ĐL Đà Nẵng Lê Thanh Minh đã lạc quan cho biết, với chủ trương xây dựng “thành phố không dây”, đến năm 2020 sẽ tập trung ngầm hóa lưới điện ở hai quận trung tâm Hải Châu và Thanh Khê; sau đó sẽ mở rộng ra các địa bàn còn lại, phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành toàn bộ việc ngầm hóa lưới điện trên toàn địa bàn thành phố.

Mới đây, tại Hội nghị Khách hàng sử dụng điện năm 2013 do Công ty tổ chức, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc cũng đã nêu lại vấn đề này: “Dây điện trung, cao áp đi ngầm trong khu dân cư đắt gấp 4 lần so với dây đi nổi. Nếu TP. Hồ Chí Minh ngầm hóa lưới điện cần đến trên 14 nghìn tỷ đồng thì Đà Nẵng cũng phải tốn đến gần một nửa số đó. Một kinh phí không nhỏ và thành phố đang tính toán để hỗ trợ cho ngành Điện”.

Các giải pháp mang lại an toàn, mỹ quan cho lưới điện đã được cân nhắc và ưu tiên triển khai thực hiện. Bởi lẽ, việc giảm thiểu sự cố mạng lưới điện không chỉ tránh những thiệt hại về người và tài sản mà còn là một trong những biện pháp làm giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm điện hiệu quả nhất. Điều này càng có ý nghĩa khi mà mùa khô năm nay được dự báo là sẽ khó khăn trong việc cung ứng điện và “Thành phố không dây” thì vẫn còn ở phía trước...

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.