.

Tìm lại chút quê mùa

.

1. Bao giờ cũng vậy, trước khi ghé quán cà-phê quen trước cổng trường, tôi đảo qua ngã tư Quang Trung - Đống Đa mua một gói xôi nóng hổi cho bữa điểm tâm mỗi sáng. Đã từ lâu, thói quen ấy tồn tại trong tôi như một hoài niệm quê nhà.

Dường như xôi chỉ ngon khi được gói bằng lá chuối tươi mới hái…  					(Ảnh: Internet)
Dường như xôi chỉ ngon khi được gói bằng lá chuối tươi mới hái… (Ảnh: Internet)

Tôi là một trong những khách hàng trung thành với món xôi vì nhiều lẽ… Xôi ở đây không chỉ luôn dẻo thơm, nóng hôi hổi mà còn được gói bằng lá chuối tươi. Bà hàng xôi vốn là người gốc Bắc nên tài thổi xôi khéo không ai sánh kịp. Gánh xôi của bà nồng nàn hương vị bốn mùa của trời đất. Ngoài các món xôi đậu quen thuộc còn có xôi khoai, xôi sắn. Đến mùa gấc, nhìn thúng xôi đỏ tươi như màu môi con gái… nhiều người khó mà ngoảnh mặt làm ngơ!

Hơn mười năm rồi bà hàng xôi vẫn ngồi một chỗ ấy với mấy món xôi nguyên sơ hương vị ruộng đồng. Bây giờ ít ai gói xôi bằng lá chuối lắm, bởi lá chuối bây giờ khó tìm và có khi đắt hơn bao bì ni-lông, hộp xốp. Mà thật lạ, dường như xôi chỉ ngon khi được gói bằng lá chuối tươi mới hái… Người sành ăn không bao giờ mở gói xôi ăn ngay mà bao giờ cũng nắm chặt lại trong hai bàn tay cho đến khi chỉ còn là một vắt nhỏ. Lúc này mà cắn một miếng xôi sẽ nghe mùi nắng, mùi gió của cánh đồng xào xạc thổi trên đầu lưỡi...

2. Đi dự đám giỗ nhà dì về mà lòng vẫn rưng rưng bao cảm xúc. Dì tôi thuộc diện khá giả nhất nhì trong họ ngoại, năm nào khách từ Sài Gòn, Hà Nội cũng bay về dự. Trên đường đi, suy nghĩ mãi tôi mới chọn mua được chai rượu ngoại đắt tiền cho phù hợp với bữa tiệc thời thượng. Vậy mà khi cỗ bàn dọn ra làm tôi thật sự bất ngờ. Mười mâm cỗ dọn lên toàn là những món dân dã quê mùa đặc sệt chất Quảng. Nào là gà nướng lá nghệ, mít trộn tôm thịt, dưa cải muối chua, ram tôm sông nguyên con, canh khổ qua hầm… Các món tráng miệng như bánh ít lá gai, bánh su sê, khô mè, xôi đường…

Không riêng gì tôi mà nhiều bà con họ hàng đều ngạc nhiên khi các vị thực khách vừa ăn vừa thích thú ra mặt. Không ngờ mấy vị đại gia đi Tây, đi Tàu như đi chợ lại khoái mấy món quê mùa đến như thế! Hôm ấy, người hạnh phúc nhất có lẽ là dì tôi. Không vui sao được khi mà các món ăn do dì tự tay chọn lựa, nấu nướng đã chinh phục được mấy chục khách sành ăn khắp miền đất nước. Hôm ấy, trong lúc cao hứng, một vị khách đã tuyên bố: Món ăn xứ Quảng không chỉ ngon mà còn đậm đà chân chất như chính người Quảng vậy!

3. Bạn tôi ở thành phố Hồ Chí Minh về chơi mấy ngày nhận xét: Bây giờ bất cứ thứ gì gắn với “nhà quê” đều  trở thành thương hiệu. Đặc biệt ở lĩnh vực thực phẩm. Gà quê, rau quê, cá đồng… đã soán ngôi các mặt hàng ngoại nhập. Chả bù mười mấy năm trước, khi ra phố học, bọn mình đã khổ sở vì  hai chữ nhà quê như thế nào…

Cuộc sống đang chảy trôi theo dòng văn minh hiện đại nhưng gu ẩm thực của con người lại đang có xu hướng quay về nguồn cội. Có thể lý giải theo nhiều lẽ… Cơm Tàu, cơm Tây rồi cũng ngán nên trở về sống lại một thuở cơm niêu, cá nướng than hồng. Cũng có thể vì mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của thực phẩm bẩn mà người ta tìm về với thức ăn quê mùa dân dã… Dù vì lẽ gì đi nữa thì con người không chỉ ăn để thỏa mãn cái dạ dày mà còn vì bao nhiêu điều đã định vị trong thẳm sâu ký ức. Một bát canh hến rau tập tàng, một nồi cá cấn kho lá nghệ, một chén mắm dưa cà… không chỉ ngon miệng, nhiều dinh dưỡng mà còn là nỗi nhớ không nguôi về gia đình làng xóm.

Cũng chính người bạn thân của tôi sau bao năm xa cách, ngày trở về Đà Nẵng đã nằng nặc mời tôi đến nhà hàng Madame Lân trên đường Bạch Đằng để nhâm nhi mấy món đặc sản. Nói ra thật xấu hổ, là dân Đà thành chính hiệu mà lần đầu tiên tôi biết có một nhà hàng đẳng cấp sao lại chuyên bán các món ăn rặt một màu quê kiểng như thế. Lâu nay chỉ la cà mấy quán bánh bèo, bánh nậm dọc Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thụ. Thỉnh thoảng có khách thì đến cơm niêu cơm đập ở Nguyễn Tri Phương… Ngẫu hứng lắm thì theo chân học trò qua Sơn Trà ăn bánh canh cá nục 5.000 đồng một tô mà đã nghe nỗi nhớ đong đầy…

Thế mới biết, các đồ ăn thức uống sẽ làm cho ta nao lòng hơn mỗi khi thưởng thức chúng với một chút quê mùa giấu kín ở đâu đó…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.