.

Đất lành chim đậu

.

Khảo sát sau 15 năm Đà Nẵng thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực (THNNL), có 87% đối tượng thu hút hài lòng trong việc bố trí nhiệm sở làm việc. Môi trường làm việc tốt cùng với thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của lãnh đạo đã giúp nhiều “nhân tài” phát huy được năng lực và quyết định gắn bó lâu dài với thành phố.

TS. Nguyễn Văn Hùng nói: Nếu “nhà mình” không tốt thì mình cũng chẳng muốn quay về.
TS. Nguyễn Văn Hùng nói: Nếu “nhà mình” không tốt thì mình cũng chẳng muốn quay về.

An cư để lạc nghiệp

Sau mười năm sinh sống tại Pháp, TS. Nguyễn Văn Hùng quyết định về lại quê nhà làm việc, dù ở Pháp, ngoài thời gian học tập, nghiên cứu, anh còn tham gia giảng dạy tại Học viện Quản lý doanh nghiệp thành phố Nancy với mức lương hấp dẫn. Về Đà Nẵng làm Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-Xã hội (Viện NCPT KT-XH) Đà Nẵng từ tháng 7-2012, anh nhận được số tiền hỗ trợ ban đầu 72 triệu đồng và được bố trí  một căn hộ chung cư tại khu A3 (Vũng Thùng) cùng nhiều ưu đãi khác. Anh nói: “Nếu nhà mình (Đà Nẵng) không tốt thì mình cũng chẳng quay về, vì ở Pháp mình không thiếu công việc để kiếm tiền. Tốt ở đây chưa hẳn là số tiền ban đầu, mà là chính sách, môi trường làm việc thông thoáng, lẫn vai trò của người lãnh đạo, tạo điều kiện cho tôi có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phát huy được thế mạnh bản thân”.

An cư mới lạc nghiệp. Nhiều bạn trẻ về Đà Nẵng theo diện thu hút nói rằng, điều họ vui mừng nhất là được lãnh đạo thành phố bố trí căn hộ chung cư, tránh được cảnh thuê mướn nhà trọ. Không chỉ là chính sách đãi ngộ về vật chất, lương bổng hay nhà cửa mà họ còn “được” làm việc theo đúng chuyên môn đào tạo.

Đã gắn bó với Đà Nẵng 3 năm qua, vợ chồng TS. Lê Hải Trung (Hà Nội) và TS. Nguyễn Thị Trâm Anh (Thanh Hóa) cho biết, anh chị rất hài lòng vì môi trường làm việc hiện tại khá phù hợp. Còn nhớ, ngày vợ chồng chị Anh cầm đơn xin việc đến gặp ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố đề đạt nguyện vọng muốn về ĐH Đà Nẵng công tác, ông Ngữ bảo rằng, nếu vợ chồng mình đồng ý về Trường THPT Lê Quý Đôn hoặc Trung tâm NCPT KT-XH (nay là Viện NCPT KT-XH) Đà Nẵng sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ theo diện thu hút nhân tài. Nhưng nếu về ĐH Đà Nẵng chỉ được hỗ trợ về nhà ở. Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định về ĐH Đà Nẵng. Quan trọng vẫn là nơi ở, môi trường làm việc chứ không phải là số tiền hỗ trợ ban đầu theo diện thu hút”, chị Trâm Anh nói.  TS. Lê Hải Trung, giảng dạy tại khoa Toán (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) chia sẻ thêm, trong suốt thời gian học tập ở Nga, họ đinh ninh, về nước sẽ làm việc tại Hà Nội, bởi anh là con trai một nên nặng trách nhiệm gia đình. Theo anh, “quyết định vào Đà Nẵng nhận công tác ít nhiều gặp sự phản đối của gia đình. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cuộc sống mới yên bình của hai vợ chồng ở Khu chung cư Hòa Thuận Tây, gia đình đã vui vẻ ủng hộ. Dù còn nhiều vất vả, nhưng tôi tâm niệm rằng, khi ở Đà Nẵng, tôi sẽ làm được gì để cống hiến công sức, trí tuệ cho thành phố nên thấy cuộc sống hiện nay của mình khá ổn”.

Hài hòa yếu tố cầu, cung

Thông tin từ Trung tâm Phát triển NNLCLC thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Đà Nẵng đã cử 521 lượt người tham gia các đề án phát triển NNLCLC 47, 393 và 922. Trong đó, bậc đại học có 421 người (đào tạo ở nước ngoài 198 người); bậc sau đại học 100 người gồm 81 thạc sĩ và 19 tiến sĩ. Mỗi năm, thành phố bỏ ra kinh phí đào tạo là hơn 100 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, học viên hoàn thành đề án sẽ được bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Nếu chưa phải công chức, viên chức sẽ được hưởng 100% lương trong thời gian tập sự, được ưu tiên trong xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức. Ngoài lương và chế độ chính sách theo quy định, học viên còn được hỗ trợ hàng tháng trong vòng 5 năm. Cụ thể 750.000 đồng/tháng nếu tốt nghiệp ĐH, ThS loại khá; 1,5 triệu đồng/tháng nếu tốt nghiệp ĐH, Ths loại giỏi và 3 triệu đồng/tháng cho học viên hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ…

Có thể thấy, số tiền Đà Nẵng bỏ ra trong công tác đào tạo lẫn thu hút NNLCLC không hề nhỏ. Vì thế, để khai thác hiệu quả nguồn lực này, cần phải cân bằng giữa yếu tố cầu và cung nhằm tránh tình trạng học viên sau khi hoàn thành xong khóa học về lại Đà Nẵng thiếu môi trường làm việc hoặc vị trí được bổ nhiệm không đúng với ngành nghề được đào tạo, gây lãng phí. TS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng, theo dự báo nhu cầu lao động tri thức đến năm 2015, tầm nhìn 2020 thì lực lượng NNLCLC có trình độ từ cao đẳng đến đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, nhu cầu thu hút các chuyên gia đầu ngành, nguồn nhân lực có học hàm, học vị vẫn chưa thật sự cấp thiết. Theo đó, việc xác định nhu cầu tại các đơn vị phải được tiến hành một cách khoa học, sát với nhu cầu thực tiễn như vị trí công việc cần thu hút, nhiệm vụ cụ thể (bản mô tả công việc) lẫn yêu cầu về năng lực rõ ràng.

Hơn 10 năm sinh sống và học tập tại Nga, vợ chồng TS. Phạm Thị Kim Thoa (quê Hà Tây) và TS. Nguyễn Văn Hiệu (quê Quảng Trị) chọn Đà Nẵng làm nơi trở về, đầu quân vào ĐH Đà Nẵng.  Sau 2 năm công tác tại khoa Môi trường, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, chị Kim Thoa nhận thấy rằng: “Nếu không có môi trường làm việc tốt, người tài sẽ thiếu “đất dụng võ” và rời bỏ Đà Nẵng mà đi, bởi hiện nay, có không ít thành phố trên cả nước thực hiện chính sách “trải thảm” thu hút người tài”.

Mức độ hài lòng hay không hài lòng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, con số hơn 10% chưa hài lòng đã phần nào cho thấy một thực tế, không phải ai là “người tài” cũng làm việc giỏi. Và ngược lại, không phải vị lãnh đạo nào cũng biết cách sử dụng “người tài” thế nào cho hiệu quả.

ThS. Phan Tiến Dũng (quê Quảng Bình), công tác tại Trung tâm Công Sinh học Đà Nẵng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố: Tôi chọn Đà Nẵng vì đây là thành phố đáng sống, văn minh và hiện đại. Về cơ bản, nơi đây tạo cho tôi môi trường làm việc lành mạnh, phát huy được kiến thức chuyên môn đã được đào tạo. Đây cũng là môi trường tốt để cán bộ trẻ cống hiến sức trẻ, góp phần phát triển ngành khoa học công nghệ và sáng tạo trẻ tại thành phố thời gian tới.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.