.

“Chúa sông Bắc Kỳ” Bạch Thái Bưởi

.

Ông được xem là người “không bột gột nên hồ”, từ tay trắng làm nên nghiệp lớn và là một trong “tứ đại gia” giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ XX: nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi.

Bạch Thái Bưởi (1874-1932) tên thật là Đỗ Thái Bửu, người làng An Phúc, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Cha mất sớm, ông phải giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Một người nhà giàu họ Bạch thấy ông thông minh bèn nhận ông làm con nuôi, cho ăn học và đổi sang họ Bạch. Đang học quốc ngữ và tiếng Pháp thì ông bỏ học đi làm ký lục (thư ký) cho một hãng buôn Pháp ở Hà Nội.

20 tuổi, ông chuyển sang làm tại một hãng thầu công chính, nhờ đó mà học được cách tổ chức, quản lý sản xuất và tiếp xúc với thiết bị, máy móc. Năm sau, ông được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ chọn làm người giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Bordeaux (Pháp). Đây có thể xem là “cú hích” làm thay đổi cuộc đời ông, nhờ kiến thức và kinh nghiệm tiếp thu trong thời gian ở Pháp, khi về nước ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy của mình.

Giải thưởng “Bạch Thái Bưởi - Doanh nhân đất Việt thế kỷ XXI” là giải thưởng có uy tín và là niềm tự hào của doanh nghiệp Việt Nam, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bảo trợ, được tổ chức định kỳ hằng năm vào dịp ngày 13-10 (Ngày Doanh nhân Việt Nam) nhằm tôn vinh và biểu dương các doanh nhân tiêu biểu.

Làm giám đốc công trình cầu Long Biên; hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hỏa xa Đông Dương; tách riêng ra kinh doanh độc lập bằng việc bỏ vốn buôn ngô, nhưng bị lỗ nặng; tung nốt những đồng vốn cuối cùng vào vụ đấu thầu một hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định và trúng thầu..., con đường kinh doanh của ông lắm nỗi thăng trầm. Nhưng từ năm 1909, ông bước vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ và thành công vang dội.

Đầu tiên, ông thuê lại 3 chiếc tàu của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc Kỳ vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ, cho chạy hai tuyến đường Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (thành phố Vinh). Khởi đầu đã gặp trắc trở: Hai chủ tàu người Pháp và người Hoa cạnh tranh quyết liệt không cho ông ngóc đầu dậy. Cứ mỗi lần ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá vé xuống hai. Các chủ tàu người Hoa có trường vốn nên quyết chí đánh bại ông bằng bất cứ giá nào. Trong tình thế nghìn cân treo sợi tóc đó, ông nghĩ đến một thứ vũ khí lợi hại mà người Hoa không thể có: tinh thần dân tộc.

Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt ngay trên đất nước mình, kêu gọi về tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái. Ông treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích thì bỏ tiền vào để giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Hành khách hiểu ra, dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt. Từ thành công ban đầu đó, ông dần thâu tóm các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa bị phá sản.

Năm 1915, ông đã có một quyết định bước ngoặt trong đời mình: mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A. R. Marty - một trong những xưởng đóng tàu đầu tiên ở Hải Phòng. Năm sau, ông chuyển trụ sở của hãng từ Nam Định xuống Hải Phòng, và thành lập tại đây công ty hàng hải Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty với lá cờ hiệu màu vàng có hình chiếc mỏ neo và 3 ngôi sao đỏ.

Năm 1917, hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, ông mua lại sáu chiếc tàu của hãng này. Ngày 7-9-1919, ông cho hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn dài 42m, rộng 7,2m, cao 3,6m, trọng tải 600 tấn, động cơ compound 450 mã lực. Mười ngày sau, con tàu hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công này chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn trong sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn lúc đó.

Bạch Thái Bưởi được mệnh danh là Chúa sông Bắc Kỳ. Công ty của ông bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương và các nước lân cận như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người. Văn phòng và chi nhánh của công ty có ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 215m, rộng 5,5m, từ đường Nguyễn Đình Trọng đến đường 10,5m chưa thi công, thuộc khu dân cư phố chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, theo Nghị quyết số 49/2006/NQ/HĐND ngày 22-12-2006 của HĐND thành phố về việc Đặt đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.