.
Hồ sơ tên đường

A. Yersin, người vẽ lại bản đồ y học thế giới

.

Alexandre Yersin (1863-1943) sinh tại Thụy Sĩ, nhập tịch Pháp năm 25 tuổi, nhưng chủ yếu sinh sống, làm việc tại Nha Trang và xem Việt Nam là quê hương của mình.

Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Đà Nẵng) nằm trên đường A. Yersin.
Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Đà Nẵng) nằm trên đường A. Yersin.

Ông tên họ đầy đủ là Alexandre John Emil Yersin, là một bác sĩ và nhà vi khuẩn học người Pháp. Tốt nghiệp tiến sĩ y khoa, năm 1890 ông rời Pháp sang Đông Dương (lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp) để làm bác sĩ trong một công ty vận tải hàng hải. 4 năm sau, ông được Viện Pasteur mời đến Hồng Kông khảo sát, nghiên cứu lâm sàng bệnh dịch hạch đang hoành hành. Tại đây, ông đã phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh này trong môi trường tự nhiên và chứng minh được phương thức lây lan truyền nhiễm. Từ đó, giới nghiên cứu đã đặt tên ông cho vi khuẩn dịch hạch Yersinia Pestis.

Nếu người Pháp chủ yếu biết đến tên tuổi ông nhờ vào công trình này thì tại Việt Nam, công lao của ông lại càng được đánh giá cao bởi những đóng góp của ông đã vượt ngoài y khoa đến với nhiều lĩnh vực khác.

Năm 1895, ông trở về Viện Pasteur tại Paris và cùng các cộng sự điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur).

Trên mộ bia ông hiện ở Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, có ghi: “Phát hiện độc tố bệnh bạch hầu năm 1888. Thám sát lần đầu cao nguyên Lâm Viên năm 1893 giúp thiết lập nên thành phố nghỉ mát Đà Lạt. Tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch năm 1894 và điều chế huyết thanh chữa trị. Sáng lập Viện Pasteur Nha Trang năm 1895”. Với công trạng này, ông được mệnh danh là “Người vẽ lại bản đồ y học thế giới”.

Nhờ phát kiến của ông, y học thế giới đã tìm được các phương pháp điều trị một số bệnh liên quan. Vắc-xin và se-rum do chính ông điều chế được tại Nha Trang đã cứu được rất nhiều nạn nhân dịch hạch trên toàn thế giới.

Ông quyết định sống tại Việt Nam, và đã hoạt động tích cực để thành lập Trường Đại học Y Hà Nội vào năm 1902 và là Hiệu trưởng đầu tiên cho đến năm 1904. Ông có công di thực cây cao su từ Brasil vào trồng tại Việt Nam năm 1897, xây dựng đồn điền canh-ki-na đầu tiên ở Việt Nam năm 1917 để sản xuất ký ninh chữa bệnh sốt rét. Ông lập Trại chăn nuôi Suối Dầu để điều chế huyết thanh và nghiên cứu khoa học trong những năm tháng sống ở Khánh Hòa. Người dân địa phương gần gũi ông đều gọi ông một cách trìu mến là “Ông Năm Yersin”. Ngoài việc thờ ông ở chùa Linh Sơn gần đó, bà con còn lập một miếu thờ có dạng chùa Một Cột bên cạnh mộ ông, bốn mùa hương khói theo truyền thống văn hóa tâm linh Việt.

Ông qua đời tại nhà riêng ở Nha Trang năm 1943. Mặc dù ông muốn được chôn tại Suối Dầu với đám tang giản dị, không điếu văn, nhưng rất đông người đến đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Trái tim con người vĩ đại đã vĩnh viễn ngừng đập, nhưng những gì ông để lại cho đời vẫn mãi gõ nhịp trong trái tim nhân loại.

Ngày 28-9-1991, Khu mộ A.Yersin, chùa Linh Sơn và Thư viện A. Yersin (do chính ông sáng lập và hoạt động đến ngày nay tại Viện Pasteur Nha Trang) đã được xếp hạng cụm di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Người Pháp đã đặt tên ông cho một con đường ở Đà Nẵng. Sau năm 1955, đường này được chia làm hai: từ đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng) đến đường Pasteur lấy tên cũ Yersin; từ Pasteur đến Hùng Vương đổi thành Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau năm 1975, cả đường Yersin và Đông Kinh Nghĩa Thục đổi thành đường Ngô Gia Tự. Ngày 14-7-2010, HĐND thành phố đặt tên ông cho con đường dài 270m, rộng 7,5m, từ đường Lê Văn Hiến đến khu dân cư đang thi công, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, theo Nghị quyết 97/2010/NQ-HĐND về đặt đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.