.

Lê Văn Lương, người có những đức tính chuẩn mực

Người cộng sản Lê Văn Lương cho tới phút cuối cùng của cuộc đời mình vẫn giữ nguyên tính cách quý hiếm của một người hiền chính trực, luôn nói thật và chỉ nói thật trong mọi tình huống.

Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều, sinh ngày 28-3-1912 tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh). Xuất thân trong một gia đình quan lại Nho học thất thế, ông là con trai thứ 2 trong gia đình, anh ruột là nhà văn Nguyễn Công Hoan, họ ngoại của ông là họ Tô với những nhà cách mạng tên tuổi như Tô Hiệu...

Giác ngộ cách mạng từ tuổi 15, năm 1927, ông gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội; tháng 6 năm 1929, tham gia sinh hoạt với Chi bộ Cộng sản Bắc Kỳ; tháng 1 năm 1930, gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng.

Thời thiếu niên, ông theo học bậc Tú tài tại Trường Bưởi, Hà Nội. Chưa đầy 20 tuổi, người chiến sĩ trẻ Lê Văn Lương đã phải vào Khám Lớn Sài Gòn để chờ thi hành án tử hình vì “tội” làm cách mạng, sau đó bị kết án tử hình cùng với 7 người khác. Tại phiên tòa đại hình kết án chém đối với mình, người chiến sĩ trẻ Lê Văn Lương đã lớn tiếng công khai kết tội lại chế độ thực dân: “Các anh nói mình là dân chủ nhưng đó là thứ dân chủ kiểu gì vậy nếu như khi muốn lấy đầu người ta, các anh lại chỉ cho phép người ta nói độc câu “uẩy u nông” (Oui ou non, tiếng Pháp có nghĩa là có hay không)?!”.

Lúc đó, do nhân dân Pháp đấu tranh mạnh đòi bỏ án tử hình và trả tự do cho tù chính trị ở Đông Dương, ông được giảm xuống chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Trong tù, ông tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ nhà tù, cùng các đảng viên lãnh đạo đấu tranh chống lại chế độ nhà tù cho tới tháng 9 năm 1945.

Với tinh thần kiên trinh bất khuất, ông đã vượt qua được không chỉ án tử hình mà cả 11 năm đằng đẵng trong xà lim địa ngục trần gian Côn Đảo... Trở về đất liền ngày 23-9-1945 sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông lại lao mình vào cuộc chiến đấu mới cùng cả dân tộc chống lại các loại giặc thời chiến và thời bình.

Tháng 10-1945, ông được cử làm ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ. Tháng 1-1946, ông ra Bắc giúp Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo báo Sự Thật và Nhà xuất bản Sự Thật. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946) ông được cử làm Bí thư Văn phòng Thường vụ Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng.

Hòa bình lập lại, ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ năm 1956 đến năm 1986 ông liên tục giữ các chức: Bí thư khu Tả ngạn, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Đại biểu Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ II, III, IV, V ông đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, IV và Ban Bí thư khóa III. Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa VI và VII.

Năm 1986 do tuổi cao, sức yếu Bộ Chính trị phân công ông tham gia tổng kết công tác xây dựng Đảng và công tác cán bộ.

Ông mất ngày 25-4-1995. Với gần 70 năm hoạt động cách mạng cùng nhiều công lao đóng góp, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương cao quý khác.

Người cộng sản Lê Văn Lương cho tới phút cuối cùng của cuộc đời mình vẫn giữ nguyên tính cách quý hiếm của một người hiền chính trực, luôn nói thật và chỉ nói thật trong mọi tình huống. Theo lời thuật lại của Thư ký Vũ Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy trong Lê Văn Lương “những đức tính chuẩn mực” để tin cậy và trao đổi những điều tâm huyết nhất trước lúc vĩnh viễn đi xa.

Thành phố Đà Nẵng đặt tên ông cho con đường dài 1,49km rộng 15m, nối từ đường Hoàng Sa đến giáp đường Lê Đức Thọ, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, theo Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2011 của HĐND thành phố về Đặt đổi tên một số đường trên địa bàn Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.