Quán Hương ở Hà Lam

.

* Trong chuyến du lịch mới đây, xe chạy qua khỏi ngã tư thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) tầm hơn cây số, chúng tôi thấy bên tay mặt một tam quan có ghi rõ to hai chữ “Quán Hương”. Có người cho rằng ở đây quán xá rất lịch sự, làm cái cổng quá đẹp. Có người bảo đây có lẽ là cổng dẫn vào một làng quê xưa. Theo quý báo, cách giải thích nào là chuẩn xác? (Lê Nguyễn Quỳnh Châu, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).

Tam quan làng nghề được cho là có một không hai trên đất Quảng Nam. Ảnh: V.T.L
Tam quan làng nghề được cho là có một không hai trên đất Quảng Nam. Ảnh: V.T.L

- Theo quy định, biển hiệu của các loại quán xá (tạp hóa, ăn uống, giải khát...) không bao giờ được phép đặt băng ngang qua đường. Ở đây, Quán Hương không phải là tên một loại quán như thế mà là tên làng nghề làm hương truyền thống của địa phương. Để ý kỹ sẽ thấy trên tấm bảng đặt bên dưới mái tam quan có ba dòng chữ với kích cỡ khác nhau tùy theo mức độ quan trọng của thông tin: “Làng nghề hương truyền thống QUÁN HƯƠNG, Địa chỉ: Khu phố 8 - QL 1A - Thị trấn Hà Lam - Thăng Bình - Quảng Nam”.

Vì sao làng nghề lại mang tên Quán Hương độc đáo như thế?

Ông Mai Hồng Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam, trước thông tin một số người bảo rằng nghề làm hương của làng Quán Hương được du nhập từ Nghệ An, đã dẫn lời lão nghệ nhân Võ Tấn Đồng của làng nghề cho biết, nghề hương có nguồn gốc từ chính cụ cố nội của ông. Bấy giờ, Quán Hương chỉ là một làng quê nghèo thuần nông thuộc xứ Bàu Đỏa, làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình. Cụ cố nội của ông Đồng nhà nghèo nên mày mò tự làm hương thắp cho ông bà tổ tiên với bột hương được tận dụng làm từ những loại cây lá quanh nhà. Lúc đó việc làm hương chỉ với một mục đích chính là sử dụng trong gia đình.

Cụ cố của ông Đồng có 4 người con, trong đó ông nội của ông Đồng là cụ Võ Tấn Thơ vì nhà nghèo nên đã đến tá túc phụ giúp ở chùa Ngọc Sơn (nay thuộc xã Bình Phục, huyện Thăng Bình). Trong thời gian ở chùa, học theo cha, cụ Thơ cũng bắt đầu học cách làm hương để thắp ở chùa và về sau được xem là ông tổ khai sinh ra nghề làm hương ở Quán Hương. Nghề làm hương tiếp tục được cụ Thơ truyền lại cho con trai là cụ Võ Tấn Túc. Cụ Túc cùng vợ mở rộng sản xuất nghề làm hương của cha ông mình. Khi đã có nơi tiêu thụ thường xuyên, việc buôn bán thuận lợi, vợ chồng cụ thuê người chuyên đi kiếm lá, thuê người chuyên chẻ chu hương (thuật ngữ nghề chỉ cái tăm hương), nhúng bột, xe hương... còn bí quyết trộn bột hương do cha truyền lại đều do vợ chồng cụ đảm nhận.

Thấy vợ chồng cụ Túc khấm khá lên nhờ làm hương, các hộ trong làng cũng học nghề làm theo, dần dần hình thành làng nghề làm hương. Theo ông Võ Tấn Đồng, thời đó cha mẹ ông đã được nhiều người biết đến với nghề làm hương nên người ta đã gọi làng ông là làng Quán Hương bà Túc. Rồi khi cha mẹ mất, ông Đồng tiếp tục nối nghề mở rộng sản xuất. Hiện nay một số người con của ông Đồng vẫn kế tục nghề truyền thống của tổ tiên để lại và ngoài việc sản xuất hương truyền thống, họ còn chế biến bột hương để xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...

Ngày nay, cái biển hiệu ghi “Quán Hương” cũng gây thắc mắc cho không ít người. Tuy nhiên, sau khi biết qua lịch sử làng nghề, ai cũng cảm thấy vui vì nghề làm hương truyền thống tại đây đã kế tục qua 5 đời với bề day trên dưới 2 thế kỷ!

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.