Quyền an tử

.

* Xin cho biết quyền an tử theo luật quốc tế hiện nay có những quan điểm nào và các quốc gia quy định ra sao về quyền này? Pháp luật Việt Nam có ghi nhận về quyền an tử hay không? (Trần Thị Thu Vân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng).

Thụy Sĩ đã phê duyệt và cho phép sử dụng máy trợ tử Sarco in 3D có hình viên nang cho bệnh nhân mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, giúp họ có một cái chết nhẹ nhàng hơn theo nguyện vọng. Nguồn: thanhnien.vn
Thụy Sĩ đã phê duyệt và cho phép sử dụng máy trợ tử Sarco in 3D có hình viên nang cho bệnh nhân mắc bệnh nan y giai đoạn cuối, giúp họ có một cái chết nhẹ nhàng hơn theo nguyện vọng. Nguồn: thanhnien.vn

- An tử hay còn gọi là quyền được chết, nhằm để chỉ trường hợp một người mong muốn được chấm dứt cuộc sống bằng những cách thức ít đau đớn nhất có thể, thường là những bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa.

Theo bài viết “Quyền an tử theo luật nhân quyền quốc tế, pháp luật ở một số quốc gia và gợi mở cho Việt Nam” của PGS.TS Vũ Công Giao và Ths. Nguyễn Minh Tâm (Khoa Luật, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 4 (308), tháng 2-2016, thuật ngữ “an tử” (trong tiếng Trung) hay “euthanasia” (trong tiếng Anh), “euthanasie” (trong tiếng Pháp) được cho là bắt nguồn từ thuật ngữ “euthanatos” trong tiếng Hy Lạp (trong đó: “eu” là “tốt” và “thanatos” là “chết”), tuy vậy, hiện vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất cho thuật ngữ này.

Như vậy, có thể hiểu “an tử” là việc chủ ý chấm dứt cuộc sống của một người mà thường là những bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa theo cách ít hoặc không đau đớn vì những lợi ích của người đó.

Đi kèm với an tử là vấn đề “quyền an tử” (hay quyền được chết - right to die). Thực tế đây là vấn đề chỉ đặt ra ở các quốc gia hợp pháp hóa an tử, theo đó “quyền an tử” là một quyền nhân thân và được pháp luật ghi nhận một cách chính thức. Đối với những quốc gia chưa hợp pháp hóa an tử, thì quyền an tử được xem là một quyền thực tế, nghĩa là nó thể hiện mong muốn của một người muốn được phép quyết định kết thúc cuộc sống của mình (một cách trực tiếp hoặc gián tiếp); hoặc cũng có thể nó được các nhà lập pháp và các nhà khoa học “ngầm thừa nhận” là một quyền nhân thân.

Hiện số lượng quốc gia đã hợp pháp hóa an tử và trợ tử (tự tử với sự trợ giúp của bác sĩ) còn rất ít. Theo bài viết “Những quốc gia hợp pháp quyền được chết” đăng trên vnexpress.net, Thụy Sĩ là quốc gia đầu tiên được nhắc tới khi đề cập đến việc trợ tử. Nước này cho phép công dân ra đi với sự hỗ trợ của bác sĩ mà không yêu cầu về độ tuổi tối thiểu, kết quả chẩn đoán hay triệu chứng.

Tại Hà Lan, cả chết không đau đớn và hỗ trợ tự tử đều là hợp pháp, trong trường hợp một người đang đau đớn quá sức chịu đựng và không có cơ hội để cải thiện tình hình. Bỉ cho phép cả quyền được chết không đau đớn và hỗ trợ tự tử với những người quá đau đớn và không có cơ hội cải thiện. Luxembourg chỉ cho phép người lớn được chết không đau đớn và tự tử có hỗ trợ. Ở Colombia, các bệnh nhân giai đoạn cuối có thể yêu cầu chết tự nguyện và phải được một ủy ban độc lập chấp thuận. Bang Victoria của Australia tháng 11-2017 đã thông qua luật về chết tự nguyện sau 20 năm tranh luận và 50 lần thất bại thông qua.

Nhiều bang của Mỹ cho trợ tử hợp pháp. Oregon, Washington, Vermont, California, Colorado, thủ đô Washington, Hawaii, New Jersey, Maine và Montana đều có luật hoặc phán quyết tòa án cho phép tự tử dưới sự hỗ trợ của bác sĩ với các bệnh nhân nan y.

Tại Việt Nam, quyền an tử chưa được công nhận, mọi hành vi an tử đều bị coi là hành vi xâm phạm tính mạng người khác trái pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.