.

Thực hư hai ngôi mộ trên núi Trà Kiệu

.

Người mở đầu cho tộc Nguyễn Trường, một tộc họ danh giá của vùng Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, lại là một tông thân của nhà Mạc, cháu 4 đời của Mạc Đăng Dung, người đã cướp ngôi nhà Lê lập nên một triều đại nhiều tranh cãi trong lịch sử Đại Việt. Mộ của ông hiện còn trên hòn Non Trược ở Trà Kiệu với nhiều tồn nghi.

Nhà thờ tộc Nguyễn Trường tại Trà Kiệu.
Nhà thờ tộc Nguyễn Trường tại Trà Kiệu.

Mạc Cảnh Vinh là con trai trưởng của Thống binh Mạc Cảnh Huống (1542-1677), vị Tổng tham mưu trưởng của quân đội xứ Đàng Trong thời kỳ đầu của các chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan), người đã chọn Trà Kiệu làm quê hương thứ hai của họ Mạc ở xứ Đàng Trong. Mạc Cảnh Vinh sinh ngày 5-5 năm Kỷ Mão (1578) dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Cha là một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn, nên từ nhỏ Mạc Cảnh Vinh đã được sống trong phủ Chúa, được chúa Nguyễn coi như con cháu, được cho học chung với các hoàng tử.

Lớn lên, Mạc Cảnh Vinh trở thành một võ tướng, được chúa Nguyễn phong chức Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Cẩm vệ Đô chỉ huy sứ, được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa đầu là Nguyễn Phúc Ngọc Liên và ông trở thành Phò mã, được nhà Chúa ban quốc tính (họ Nguyễn Phúc), từ đó Mạc Cảnh Vinh có tên là Nguyễn Phúc Vinh.

Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613­-1635) chia ra 6 dinh: Chính Dinh (Phú Xuân), Cựu Dinh (Ái Tử-Quảng Trị), Quảng Bình, Vũ Xá, Bố Chính, Quảng Nam. Dinh Quảng Nam giao cho người con trưởng là Nguyễn Phúc Kỳ làm Trấn thủ. Dinh Quảng Nam có nhiệm vụ quản lãnh thêm phần đất từ đèo Cù Mông cho đến phía bắc Phú Yên. Trấn thủ Nguyễn Phúc Kỳ đã giao việc quản lãnh khu vực này cho một vị quan lưu thủ Vân Phong, dưới quyền của Tổng trấn.

Năm 1629, Lưu thủ Vân Phong đã cấu kết với người Chiêm làm phản. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Nguyễn Phúc Vinh đem quân vào Quảng Nam kết hợp với Tổng trấn Nguyễn Phúc Kỳ kéo vào Phú Yên để dẹp loạn. Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Năm 1629, …Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành để làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn biên (khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là trấn biên). Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son…”.

Sách Đại Nam nhất thống chí phần Tỉnh Bình Định cũng ghi: “… Năm Kỷ Tỵ thứ 16 đời Hy Tông (Lê Long Đức thứ nhất ­ 1629) Văn Phong cấu kết với Chiêm thành làm phản, sai Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh dẹp được, lập dinh Trấn biên…”.

Như vậy sau sự cố năm 1629, xứ Đàng Trong có 7 dinh, thêm dinh Phú Yên, được gọi là dinh Trấn Biên và Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh là Trấn thủ đầu tiên của dinh trấn này, nơi được xem là rào giậu xa nhất về phía nam của Đại Việt vào thời đó.

Nguyễn Phúc Vinh làm trấn thủ Phú Yên suốt hai thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Phúc Lan. Theo Gia phả của tộc Mạc - Nguyễn Trường Quảng Nam, khi đang làm Trấn thủ Phú Yên, một lần đang đi tuần tra trên vùng biển thì ông bị thương và mất vào ngày 3 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1654), khi đang tuổi 76. Nhưng một số tài liệu khác lại cho rằng ông chỉ làm Trấn thủ Phú Yên có 15 năm, từ năm 1629 đến cuối năm 1643, sau đó ông đã về lại Quảng Nam sống ẩn cư ở Trà Kiệu và người thay thế ông là Phó tướng Tôn Thất An.

Giả thuyết thứ hai có lẽ chính xác hơn vì giai đoạn 10 năm sau (kể từ năm 1643) ở Phú Yên xảy ra nhiều sự cố nhưng không thấy sử sách nhắc đến tên ông, như ghi chép dưới đây.

Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “Năm 1653… vua nước Chiêm thành là Bà Tấm quấy rối đất Phú Yên, sai cai cơ Hùng lộc hầu làm tổng binh và xá sai Minh võ làm tham mưu đem 3.000 quân đi đánh. Đến phủ Phú Yên ngày 3 tháng 4, nhân đêm qua đèo Hố Dương, núi Thạch Bi, ruổi thẳng đến trại Ba Tấm, phóng lửa, đuổi gấp, phá tan, đuổi dài đến sông Phan Lang…”.

Đại Nam thực lực tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng ghi: “… Bấy giờ (1653) có vua nước Chiêm thành là Bà Tấm xâm lấn Phú Yên, sai cai cơ Hùng Lộc (không rõ họ), làm thống binh, xá sai Minh Vũ (không rõ họ) làm tham mưu, lãnh 3.000 quân đi đánh. Quân đến Phú Yên, các tướng đều muốn dừng lại để dụ địch…”.

Vả lại không ai lại bắt một “cụ già” ở tuổi “cổ lai hy” lại phải đi trấn giữ vùng biên cương đến nỗi phải chết khi đi… tuần tra trên biển.

Con trai của Nguyễn Phúc Vinh là Nguyễn Phúc Tào, làm Đội trưởng Đoàn Trung Hầu tại phủ Chúa. Khi nghỉ hưu về sống ở làng Long Xuyên, tổng Mậu Hòa (nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) và khi chết được chôn ở đỉnh Chốt Xôi, trên sườn núi Hòn Tàu (giáp giới giữa Duy Xuyên và Quế Sơn). Con cháu của Nguyễn Phúc Vinh mang họ Nguyễn Phúc được ba đời, đến đời cháu nội của ông phải đổi thành họ Nguyễn Trường để tránh sự trả thù của nhà Tây Sơn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trường Hùng khi nói về tổ tiên mình cho biết công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Liên là một tín đồ Thiên Chúa giáo rất sùng đạo. Bà đã được rửa tội vào năm 1636 với thánh hiệu là Maria Madalena. Vì việc này, vào năm 1663 bà bị bắt cùng một số giáo dân ở Quảng Nam do việc cấm đạo Thiên Chúa giáo. Cuối cùng, do bị nhốt nhiều ngày khát quá bà đã gặp quan trấn thủ và chấp nhận chối bỏ đạo. Bà mất năm 1665 do trọng bệnh nhưng có lẽ do ân hận vì đã chối bỏ đức tin.

Hiện nay, trên hòn Non Trược, trong khu lăng mộ Mạc Cảnh Huống và Nguyễn Phúc Ngọc Dương có mộ của Nguyễn Phúc Vinh và Công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Liên. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương trong cuốn Xứ Quảng - Vùng đất & Con người (NXB Hồng Đức, 2013, trang 422) cho rằng đó chỉ là hai ngôi mộ gió, còn mộ thật bị thất lạc ở Phú Yên. Thế nhưng nhiều người vẫn tin đó là mộ thật vì hai vợ chồng ông đã rời Phú Yên về ẩn cư ở Trà Kiệu từ năm 1643, tròn 11 năm trước khi qua đời.
Thực hư không biết thế nào nhưng đây là hai ngôi mộ tổ quan trọng được con cháu tộc Nguyễn Trường Trà Kiệu bảo vệ và hương khói cẩn thận.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.