.

Ông quan thanh liêm, hay chữ

Từ trung tâm huyện Đại Lộc ngược dòng Vu Gia về phía tây khoảng hai mươi cây số sẽ gặp một ngã ba sông mà người dân địa phương thường gọi là Ba Bến.

Nơi đây tiếp giáp với chín xã Sông Con, ngày xưa từng là một trong những căn cứ vững chắc của Nghĩa hội Quảng Nam do thủ lĩnh Nguyễn Duy Hiệu cầm đầu trong phong trào chống Pháp vào những năm 1885-1887. Đây cũng là quê hương của một nhà nho có tinh thần yêu nước, giỏi văn thơ, đã để lại cho thế hệ sau những tác phẩm văn học có giá trị, đó là Lương Thúc Kỳ.

Lương Thúc Kỳ tự là Tử Khôi, hiệu Đài Nam, sinh năm 1873 tại làng Hà Tân (nay là thôn 9, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), được tặng hàm Quan Lộc Thiếu Khanh nên người dân địa phương thường gọi là Quan Lộc.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng học giỏi và có chí khí. Năm 27 tuổi thi đỗ cử nhân khoa Canh Tý 1900, là người đầu tiên đỗ cử nhân của vùng tây Đại Lộc.

Năm 1905, ông được bổ nhiệm Hậu bổ tỉnh Bình Thuận, sau đó là quyền Tri huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù làm quan cho chế độ phong kiến nhưng ông luôn tỏ ra là một vị huyện quan có đức độ, thanh liêm, yêu thương dân nghèo, bất đồng với triều đình và thực dân xâm lược. Bởi vậy ông được rất nhiều người kính trọng và cũng lắm kẻ xiểm nịnh thù hèm, ganh tỵ.

Năm 1908, sau 9 tháng làm tri huyện Tuy Phong, nghe tin quê nhà nổ ra cuộc chống xâu thuế mà một trong những người lãnh đạo là thân thuộc của mình là ông Lương Châu, ông tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ. Cuộc chống xâu thuế bị thất bại và bị đàn áp đẫm máu, những người cầm đầu đều bị bắt tù hoặc thủ tiêu. Chính quyền bảo hộ và triều đình Huế nghi ông có liên can, bèn cách chức tri huyện và cầm tù ông tại Phan Thiết.

Một năm sau ra tù, Lương Thúc Kỳ về quê nhà sinh sống. Do cảm phục tài năng của ông, triều đình Huế lại sức giấy cho ông tiếp tục ra làm việc. Ông lần lượt được bổ nhiệm Hậu bổ tỉnh Quảng Nam, Huấn đạo huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Cam Lộ (Quảng Trị). Năm 1917 chuyển sang làm Giáo thọ phủ Tuy An (Phú Yên), đến năm 1919 về Huế làm ở Sở Tu thư biên soạn cho đến năm 1923, nghỉ hưu lúc mới 50 tuổi.

Sách Đông Kinh nghĩa thục của Nguyễn Hiến Lê có kể chuyện ông Lương Thúc Kỳ được Ban Giám hiệu Trường tư thục Dục Thanh ở Phan Thiết đón về làm giáo viên. Tại đây, ông lấy vợ là con gái của Kỳ Xuyên Nguyễn Thông. Theo gia phả của Nguyễn Thông, trường là nơi tá túc của Nguyễn Tất Thành, khi đó cũng là giáo viên Trường Dục Thanh. Như vậy, qua chi tiết này, ta biết rằng ông Lương Thúc Kỳ đã có thời gian cùng dạy với Bác Hồ một trường, chỉ chưa có điều kiện kết giao thân hữu để cùng lo việc nước.

Trong lĩnh vực thơ văn, tuy là một cử nhân nho học nhưng Lương Thúc Kỳ rất thông thạo cả quốc âm và nghiên cứu văn học. Quá trình làm quan và cả khi nghỉ hưu tại quê nhà cho đến cuối đời, ông đã để lại cho người sau những tác phẩm văn học có giá trị, trong đó có nhiều câu đối, Đường thi, thơ Nôm. Đặc biệt, ông đã dày công sưu tập và biên soạn lại bộ sách Quốc ngạn (Ngạn ngữ Việt Nam) và Quốc ngạn phân môn. Bộ Quốc ngạn phân môn do không có tiền xuất bản, ông đã nhường bản quyền lại cho Nguyễn Bá Trác, nhưng ông này cũng không xuất bản được và đã để thất lạc bản thảo.

Riêng bộ Quốc ngạn ông có ghép thêm thành ngữ Hán văn gồm ba ngàn câu, xuất bản năm 1931, nay con cháu ông còn giữ. Đây là tập sách được biên soạn khá công phu, giá trị, được dư luận lúc bấy giờ đánh giá cao, người thông thạo Hán học khâm phục mà cả người ít học Hán văn cũng rất thích. Chẳng hạn: Bạch ốc trơn huơ, độc bộ nhàn giai chi nguyệt/ Hồng nhan rúc bụi, không hoài vẫn độ chi xuân. (Nhà cửa sạch trơn, lại dạo dưới trăng một mình tỏ ra nhàn hạ/ Sắc đẹp không còn nữa, lại còn nhớ mông lung những buổi xuân đã đi qua).

Về mặt sáng tác các câu đối, câu liễn, ông được người đương thời tặng cho danh hiệu là “Thầy liễn”. Phần lớn các câu đối, câu liễn của ông vẫn còn được con cháu ghi lại, đây là vốn văn học quý báu không chỉ riêng của huyện Đại Lộc.

Khóc cụ Phan Quang, một trong “Ngũ phụng tề phi” xứ Quảng, ông viết: Biên tịch cựu giao, hà thượng song ngư vô nhất tự/ Bể hồi vãn sự, vân biên ngũ phụng dĩ tề phi. (Xa cách bạn xưa, tin cá mấy lời đều vắng cả/ Nhớ về chuyện cũ, vén mây năm phụng đã bay rồi).

Còn đây là câu đối chữ Nôm viết cho người chồng chết vợ sau mười tháng chung sống: Tiếc hoa luống những ngậm ngùi, tuổi chưa hai tuần đành một kiếp/ Trách nguyệt cớ sao lừa đảo, duyên đâu mười tháng cũng trăm năm.

Trong sáng tác thơ ca, Lương Thúc Kỳ không những là cao thủ của Đường thi mà cả thơ Nôm của ông cũng vô cùng phong phú, những bài thơ biểu lộ sự cảm khái của mình trước cuộc đời, lẽ sống và cả nỗi niềm riêng tư.

Ông là một trong những người dịch thành công bài thơ “Du tử ngâm” của Mạnh Giao thời Trung Đường bên Trung Hoa. Nhà thơ Nam Trân đã trích đăng bản dịch của ông vào tập Dịch thơ Đường.

Nguyên văn: Từ mẫu thủ trung tuyến/ Du tử thân thượng y/ Lâm hành mật mật phùng/ Ý khủng trì trì quy/ Thùy ngôn thốn thảo tâm/ Báo đáp tam xuân huy.

Bản dịch của Lương Thúc Kỳ: Mảnh áo thân con trẻ/ Đường kim tay mẹ già/ Ra đi mẹ nhọc vá/ E con lâu về nhà/ Tấc cỏ dưới bóng xuân/ Báo đền đâu được mà!

Ông mất năm 1947, hưởng thọ 74 tuổi. Con người học rộng tài cao, thanh liêm, đức độ ấy để lại cho đời sau những tác phẩm văn thơ, liễn đối có giá trị, trong đó hai bộ Quốc ngạn đáng giá ngàn vàng.

NGUYỄN HẢI TRIỀU

;
.
.
.
.
.