.

Phường Rạnh

LTS. Tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt từng là một trong những cộng tác viên đắc lực của chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng, nhân kỷ niệm 100 ngày mất của ông, Đà Nẵng cuối tuần xin giới thiệu hai mẩu chuyện trong di cảo của ông.

Mấy chục năm trở về trước, khách thương hồ quanh năm suốt tháng xuôi ngược trên sông Thu Bồn mấy ai không biết địa danh Phường Rạnh, nay là thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Bấy giờ, Phường Rạnh hãy còn là vùng đất hoang vu, được mệnh danh là nơi rừng thiêng nước độc. Đặc biệt, xung quanh danh xưng Trung An - Phường Rạnh còn lưu truyền một số câu chuyện khá lý thú và hấp dẫn. Trung An hay Phường Rạnh chỉ là một. Trung An là tên chính thức. Còn Phường Rạnh là tên dân dã…

Danh xưng Trung An bắt nguồn từ chuyện kể rằng thời trước, khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, có một số cư dân các tộc Nguyễn, Trần và Trịnh lánh vào đây lập nghiệp, khai phá đất đai, lập làng lập xóm. Buổi ban đầu, giống như nhiều địa phương khác, làng vẫn chưa có “tên tuổi”. Cũng lúc bấy giờ, bên bờ sông Thu Bồn có một cái dinh, tục gọi Dinh Bà, thờ Bà Thu Bồn, nổi tiếng linh thiêng. Dinh xây từ thời nào, không ai rõ. Chỉ biết, khi đến đây, họ đã thấy.

Rồi, một ngày nọ, trong làng có ông gọi là ông Trùm Tuất, người họ Nguyễn, khá giàu, nhà có của ăn của để, bị mất mấy con trâu. Tiếc của, ông mới quyết chí đi tìm cho bằng được. Nhưng, ông chưa kịp bước ra khỏi bìa làng thì Bà đã “đạp đầu ngang”, tức mượn xác người sống, hiện lên, nạt nộ: “Nhà ngươi đi mô? Nhà ngươi đừng có dại, chết như chơi. Bọn cướp đã chuẩn bị sẵn dao kiếm, nhà ngươi đến chỉ thiệt thân. Nhà ngươi về đi. Còn về phần bọn cướp, nhà ngươi đừng lo. Hễ kẻ nào trung thì được an mà ai ngang bướng, đi trộm cướp, sẽ không tồn tại”. Ông Trùm Tuất hoảng sợ, bỏ ý định tìm mấy con trâu bị trộm dắt đi.

Từ câu chuyện này, người dân mới lấy tên Trung An đặt tên cho làng với mong muốn bà con sống ở vùng đất này luôn là những người “trung thực” nên được hưởng sự “an lành”.

Cũng ở vùng đất Trung An, hồi nửa đầu thế kỷ XIX trở về trước, du khách lẫn tầng lớp thương hồ ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn khi đi ngang đoạn sông chảy qua làng Trung An thỉnh thoảng hay bắt gặp con trạnh, một loại động vật có hình dáng như con rùa nhưng rất to, có con to bằng cái nong, sống dưới nước, trồi lên, có lúc nhiều đến mức đặc kín sông, khiến ghe thuyền phải tránh. Thế cho nên, người ta mới gọi làng ven sông này là Phường Trạnh. Lâu ngày, họ mới đọc “chệch” Phường Trạnh thành Phường Rạnh. Phường (坊), trong chữ Hán, có nghĩa là “làng”. Riêng “Rạnh”, tức từ trạnh đọc chệch mà ra.

Cũng theo bà con, hiện nay, con trạnh tuy không còn nhiều như trước nhưng thỉnh thoảng dân làng có người cũng phát hiện chúng trồi lên, lặn xuống. Lại có người cho rằng, lúc trời đang nắng gắt nhưng mỗi lần con trạnh tự dưng từ dưới nước sâu trồi lên thì thể nào trời cũng chuyển mưa. Ngược lại, trời đang mưa tầm tã, dầm dề nhưng đột nhiên nó trồi lên, nhất định trời sẽ hết mưa (!?).

Chuyện thực hư thế nào cũng khó xác định. Thế nhưng, danh xưng Phường Rạnh đã mấy trăm năm nay đã trở thành tên gọi bình dân, quen thuộc của người xứ Quảng khi đi qua một trong những vùng đất “ác địa” hồi mấy chục năm trở về trước.

Điềm gở

Nằm bên dòng sông Thu yên ả, làng đúc đồng Phước Kiều, nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của Quảng Nam. Những sản phẩm của làng nghề như nồi đồng, mâm đồng, lư đồng, đặc biệt thanh la, chiêng, đại hồng chung... không những được người dân địa phương ưa chuộng mà còn là sản phẩm được người dân ở các nơi khác tín nhiệm. Bởi thế, mới có câu rằng “Trống Lâm Yên, chiêng Phước Kiều”!

Cũng xung quanh chuyện đúc đồng, nghề truyền thống của cư dân Phước Kiều, có câu chuyện truyền khẩu khá lý thú. Theo lời kể của ông Dương Ngọc Thơm, sinh năm 1944, trú tại làng Phước Kiều, xã Điện Phương, thì hồi đầu thế kỷ XX, dưới triều vua Duy Tân, trong làng có một người tộc Trần tên là Trần Tạo được cử lên làm lý trưởng. Thời trước, theo thông tục, hễ ai làm lý trưởng, người ta thường gắn chữ “Xã” trước tên con đầu. Ông Trần Tạo cũng không là ngoại lệ. Cho nên, ông mới được gọi là ông Xã Mại. Xã ý chỉ làm lý trưởng. Còn Mại là tên con trai đầu. Làm lý trưởng thì chả có gì to tát cho cam, khối người làm được. Có điều, ông Tạo may mắn nhận lệnh đúc một lúc bốn cái ấn Kinh lược cho vua Duy Tân, phục vụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp năm 1916. Đây là điều vinh dự cho dòng tộc, làng nghề.

Chuyện đúc ấn cho vua là chuyện quan trọng, chuyện tối mật. Mà đã là chuyện quan trọng, chuyện tối mật, nhiều khi muốn giấu cũng chẳng giấu nổi. Sự thể ở đời nhiều khi diễn ra khá lạ. Cái công khai nhiều lúc ít ai để ý. Trái lại, cái không công khai, cần giữ bí mật, đôi khi lại khối người biết. Biết tường tận chứ chẳng chơi. Và, đó cũng là nguyên nhân khiến cho tin tức, sự việc, dù tốt hay xấu, lành hay dữ lan ra rất nhanh, như một loại dịch bệnh nguy hiểm mà ta chưa tìm ra thuốc chữa một cách hữu hiệu.
Điều đặc biệt là sau khi đúc xong, không hiểu vì lý do gì, ông Xã Mại không trực tiếp ra Huế mà giao lại cho ông Xã Bốn, tên thật là ông Trần Đức, cũng làm lý trưởng khóa trước, đem đi. Trước khi đi, hiểu được tính chất quan trọng của chiếc ấn, ông Xã Bốn bọc ấn trong bọc bằng vải rất cẩn thận. Ấn đồng, lại là ấn đồng đúc cho vua, không cẩn thận không được. Tất nhiên rồi. Không biết gói ghém thế nào mà lúc ông Xã Bốn vừa đến đình La Qua, nay thuộc xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, cái túi bọc ấn lại bỗng dưng bị... đổ ra giữa đường.

Chuyện chiếc ấn đồng được bọc cẩn thận mà bị rơi xuống đất, đổ ấn đồng ra giữa đường, được người dân Phước Kiều xem đó là điềm gở (!) báo hiệu cuộc khởi nghĩa Duy Tân sẽ thất bại. Ông Xã Mại cũng bị thực dân Pháp bắt cầm tù. Trên thực tế, cuộc khởi nghĩa Duy Tân thành công hay thất bại không phụ thuộc vào việc ấn đồng bị đổ hay không trên đường mang ra Huế. Nhưng, chính sự trùng hợp ngẫu nhiên này là nguyên nhân khiến một số người có cớ để thêu dệt, thêm thắt, làm như ấy là điềm... gở thật! Cũng theo tương truyền, nếu cuộc khởi nghĩa thành công, ông Xã Mại sẽ được phong chức. Nhưng, dù sao, có chiếc ấn ấy, vua Duy Tân mới dùng để đóng vào sắc phong phong cho ông Lê Đình Dương, người Gò Nổi, Điện Bàn, làm Tổng trấn Nam Ngãi.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.