.

Ăn cơm hến xứ Huế ở Đà Nẵng

.

(ĐNĐT) - Không cần phải đến tận Huế, giờ đây, người Đà Nẵng vẫn thưởng thức được món ăn đặc trưng của kinh đô xưa ngay giữa lòng thành phố bên sông Hàn.

Bữa mô mời bạn vô chơi Huế

Cồn Hến buồm giăng ngược Bến Tuần

(Tố Hữu)

Có lẽ chỉ hai câu thơ trên, Tố Hữu đã “vẽ” lên món ăn đặc sản của xứ Huế, là hến. Từ hến, người Huế làm ra món cơm hến nổi tiếng, một món ăn dân dã, bình dị nhưng thấm đẫm nét văn hóa của đất và người xứ Huế.

Cơm hến - hấp dẫn từ cách bài trí món ăn

Lâu nay, cơm hến Huế đã trở nên nổi tiếng và có mặt ở nhiều vùng đất theo bước chân của những người dân Huế. Đến với quán Cồn Hến vào một ngày trời dịu mát, lòng tôi lắng lại khi nghe câu chuyện lập quán của đôi vợ chồng trẻ.

Anh Thuận, chủ quán “bật mí” rằng, trong lòng mỗi người dân xứ Huế, dù xa quê hay ở lại thì cơm hến vừa là món ăn dân dã quen thuộc, vừa là nét đẹp tinh thần. Vì thế, khi vào Đà Nẵng sinh sống, vợ chồng anh rất nhớ món này nếu không nói là thèm. Rồi anh có những người bạn đồng hương Huế đang làm việc tại Đà Nẵng cũng rất thèm cơm hến Huế, thèm hương vị Huế nhưng họ chưa ăn món cơm hến nào mà có hương vị như ở quê, dù tại Đà Nẵng thời điểm đó có rất nhiều quán ăn Huế.

“Vì thế, vợ chồng mình nảy sinh ý định mở quán ăn Huế, mang đậm phong cách Huế và vị Huế. Trước hết là để thỏa mãn nhu cầu ẩm thực của gia đình mình, phục vụ những người đồng hương Huế, sau là giới thiệu ẩm thực Huế đến với những người bạn Đà Nẵng. Tên quán Cồn Hến chính là quê ngoại của vợ mình. Thời yêu nhau, tụi mình thường về Cồn Hến ăn cơm hến”, anh Thuận vui vẻ kể.

Vợ chồng anh Thuận chia sẻ thêm, tuy cơm hến là món ăn bình dân, đơn giản, nhưng để ăn được một tô cơm hến “đúng điệu” đòi hỏi người nấu phải am hiểu ẩm thực Huế. Trong cơm hến có tới 14 thứ thực phẩm và gia vị như cơm, thịt hến, nước hến, rau sống, đậu phộng rang, dầu mè, ruốc, ớt, bì heo, tóp mỡ rang giòn để tạo ra vị thơm và giòn tan khi ăn...

Tuy vậy, quan trọng nhất trong tô cơm hến là nước ruốc sống (loại ruốc biển Thuận An làm từ con khuyết (moi) phơi 9 nắng), khi cho một thìa nước ruốc vào thì tô cơm hến có mùi rất đặc trưng. Các loại gia vị khác tiếp theo là dầu phộng, đậu phộng chiên mỡ, bì heo thái con nhộng rồi rang phồng, ớt bột hòa thành nước đặc sệt (tương ớt), hạt tiêu, mì chính, ớt tươi thái lát, hành củ thái mỏng, muối bột...

Ăn kèm với tô cơm hến không thể nào thiếu chén nước luộc hến, được múc ra từ chiếc nồi đang bốc khói nghi ngút bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa. Nước hến có màu trắng đục, đập thêm vào một ít gừng sẽ thơm “ nức mũi”.

Tất cả các nguyên liệu dùng để chế biến cơm hến đều được chuyển từ Huế vào, bởi theo anh Thuận, hến ngon nhất là hến bắt ngay trên sông Hương mà có lẽ ở Cồn Hến là ngon nhất. Còn các gia vị khác bắt buộc cũng phải được “sản sinh” từ Huế, nếu không sẽ không còn giữ được hương vị Huế.

Nét dân dã của quán Cồn Hến
Nét dân dã của quán Cồn Hến

Quả thực, tấm lòng của người bán đã mang đến cho người thưởng thức trọn vẹn hương vị xứ Huế mà không phải đi đâu xa, ở ngay trên chính mảnh đất Đà thành này. Quán nhỏ đơn sơ với mấy chiếc bàn ghế xếp ngay ngắn, gọn gàng nhưng khách vào ăn không ngớt lượt. Cơm hến ở đây không những ngon mà còn rẻ. Một tô cơm hến, bún hến chỉ 10.000 đồng. Chị Bảo Linh, vợ anh Thuận, chia sẻ: “Cơm hến bình dân lắm, ai cũng có thể thưởng thức. Thực khách có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày, không sợ lạnh bụng như mọi người nghĩ đâu”.

Thưởng thức tô cơm hến với những con hến nhỏ li ti được nêm nếm tỉ mẩn, chúng tôi hiểu rằng chủ quán đã chắt chiu những gì mộc mạc nhất của Huế, đặc biệt hơn khi được thưởng thức trong không gian vách tre, tô chén sứ xinh xắn, ấm trà xanh nóng… Chính cái mộc mạc, bình dị đó đã đem lại niềm thương nhớ cho bất kỳ ai từng đến đây thưởng thức cơm hến, bún hến xứ Huế.

Hiện tại, quán mở cửa từ 06h sáng đến 13h30 và chiều từ 15h30 đến 21h30. Địa chỉ: 258 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng.

Quỳnh Trang

 

;
.
.
.
.
.