Đà Nẵng cuối tuần

Ngoảnh lại để… thương

14:22, 13/01/2024 (GMT+7)

Hồi nhỏ, bạn ôm vào lòng bao mộng mơ, bạn thủ thỉ với mạ rằng mai này con lớn, con lên thành phố rồi kiếm thiệt nhiều tiền để đem về cho mạ. Mạ bạn cười hiền rồi bảo: “Thôi anh, không cần anh cho tiền mô, khi nớ nhớ điện về cho tui, hỏi thăm đôi ba câu là vui lòng lắm rồi”. Bạn hịch hạc nói, trời đất, nghĩ răng mà tiếc với mạ một cuộc điện thoại được chứ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nắng mưa ruộng đồng làm da mạ sạm, cái lưng cong gù thêm nhiều lắm. Cũng bởi cực, một chữ cực nó đeo bám ráo riết chẳng buông tha. Bạn bảo mạ chọn cái nghề chi mà cực quá! Mạ nói ở quê không mần ruộng thì biết mần chi bây chừ, biết cực khổ, biết thương thì gắng mà học. Câu nói nghe thương thắt thẻo đó nó khiến bạn phải cố gắng, phải thoát nghèo. Một chữ nghèo răng nghe mênh mông quá trời quá đất, như đời của mạ, đi qua hơn nửa đời người mà vẫn chưa hết nghèo. Mà lạ, bạn bảo mạ cực, nhưng mạ lại luôn miệng nói mình sướng rơn. Đi mô cũng khoe tui giàu, người ta nói nhà o làm chi mà giàu, mạ bảo giàu con là giàu tình thương, mà số kiếp chỉ cần chữ thương là đã đủ đầy trọn vẹn rồi. Nghe vậy người ta cười cười, đùa rằng mạ bạn nghèo rớt mồng tơi mà khi mô cũng luôn miệng bảo giàu. Thiệt ra mạ biết mình không nhiều tiền như người ta, túng thiếu đủ bề, nhưng mạ tuyệt nhiên không lấy chữ “Tiền” để so sánh giữa giàu và nghèo. Giàu hay nghèo với mạ là đong đếm bằng tình thương, còn thương mần răng, mạ không nói cho bạn biết.

Đôi khi giữa dòng miên viễn cơ cầu, có những lần bạn sực nhớ về chuyến xe năm ấy, vui cũng thiệt vui, mà tủi cũng tủi lắm chứ chẳng chơi. Nhớ lần đầu bạn bắt chuyến xe đò lên thành phố, bạn hồ hởi ngắm nhìn làng mạc đang trôi dần ngoài ô cửa kính, thay dần là phố xá thênh thang, người qua kẻ lại tấp nập. Bạn đem theo vài bộ áo quần mới tinh mà mạ sắm cho bạn, mấy lời dặn của mạ được cuốn gọn vào lòng, rằng khi lên đó phải cẩn thận, chứ thành phố đông đúc chẳng biết mô mà lần, cũng chẳng biết ai tốt ai xấu mà tin người. Thấu thành phố, tự nhiên bạn quên bẵng mấy câu dặn của mạ, bởi phố này lạ quá, xa hoa hào nhoáng trong con mắt của thằng nhà quê kiểng như bạn. Cũng may, bữa đó trời thương mà không bị ai móc túi. Ừ thì hôm đó xa quê, bạn vui rộn ràng, nhưng bạn nào có biết, ở bến xe, mạ vẫn đứng đó, mắt đỏ hoe nhìn từng chuyến xe rời bến. Mạ thương lắm chứ chẳng chơi, nhưng mạ giấu nhẹm đi giọt nước mắt không cho bạn biết, cũng bởi một điều đơn giản, mạ sợ bạn mủi lòng, rồi lại khóc như con nít, khi nớ không biết ai vỗ về cho nổi. Cái thằng mười tám tuổi to xác mà mềm lòng, mạ vẫn còn lo cho bạn chứ mần răng mà yên lòng được. Bạn cũng đem lòng yêu phố từ đó, bởi, với bạn chỉ có phố mới cho con đường thoát nghèo, cho những người xa kẻ lạ dung thân đến đất khách quê người để kiếm lấy đồng tiền.

Nhiều năm bạn ở phố quen bụng quen dạ, bỗng đôi khi lại thấy răng phố này lạ quá. Người thì đông mà chẳng ai quan tâm ai, gặp nhau ngoài đường chào nhau có chăng là tiếng còi xe inh ỏi. Mà đúng rồi, họ cũng như bạn, chạy đua với đồng tiền, sấp ngửa mưu sinh, công danh sự nghiệp khiến con người ta quên đi tìm chữ thương cho lòng. Khác xa vời vợi quê bạn. Người quê cũng tất tả trải lòng mà thương đất ruộng, chắt chiu hạt lúa ngày mùa, bao nỗi cơm áo gạo tiền oằn trên vai gầy, rứa mà khi gặp nhau, dù quen hay lạ người ta vẫn cúi đầu chào nhau. Một nỗi thèm lạ lùng cuộn dậy, thèm quê, thèm tình người mặc dù thành phố có hàng nghìn con người chen chân nhau mà bước, chen lòng nhau mà sống. Ngồ ngộ!

Bất giác, bạn nhớ lại câu hứa ngày thơ bạn móc ngoéo với mạ, là làm có tiền để gửi về quê. Rứa mà, thời gian trôi nhanh như gió thổi qua tay, mạ bạn bây chừ đã già, tóc bạc đi, trong khi bạn vẫn lèo tèo với đôi ba đồng nhuận bút truyện ngắn, tản văn. Bạn cầm bút miệt mài cũng ngót mười năm chứ mô có ít, nhưng bây chừ người ta vẫn gọi bạn là tác giả chứ chẳng ai kêu nhà văn. Mà nghĩ lại bạn không buồn, vì bạn biết mình còn giàu cảm xúc, đồng nghĩa với việc bạn vẫn còn có thể trải lòng lên trang giấy. Với bạn, viết được là hạnh phúc.

Bạn thấy mình tệ, lâu ơi là lâu chưa điện về hỏi thăm mạ. Nhất định tối nay, bạn phải điện về quê mặc dù trong đầu còn ngổn ngang những ý tưởng văn chương. Nhưng răng chưa điện, nước mắt bạn đã ứa ra rồi. Khói bụi thành thị làm cay mắt, hay nỗi nhớ cố xứ làm cay lòng. Bạn không quan tâm nữa, chỉ biết rằng mong trời nhanh tối để điện về mạ. Bất giác bạn nghĩ, hay là bỏ kinh kỳ lộng lẫy này để về quê xứ, chứ bạn sợ lắm, sợ cái cảm giác một cuộc điện thoại bất thình lình dưới quê điện lên bắt buộc bạn phải về ngay. Bỗng dưng bạn muốn khóc, giọt nước mắt như muốn chảy ngược về cố hương.

NGUYỄN VĂN ĐỨC ANH

.