Đà Nẵng cuối tuần

Rambouillet, góc riêng một thời của các tổng thống Pháp

14:57, 06/01/2024 (GMT+7)

Cho mãi tới năm 2018, Rambouillet, tòa lâu đài nằm ở phía tây vùng thủ đô Paris vẫn là nơi dành riêng cho các tổng thống đương nhiệm của nước Pháp. Nhưng hiện tại, nó được trả về cho công chúng và đã bắt đầu mở cửa đón khách tham quan.

Thủ tướng Đức Konrad Adenauer (trái) và tướng de Gaulle của pháp trong khu vườn của lâu đài Rambouillet vào ngày 15-10-1963.  Ảnh: GETTY IMAGES
Thủ tướng Đức Konrad Adenauer (trái) và tướng de Gaulle của pháp trong khu vườn của lâu đài Rambouillet vào ngày 15-10-1963. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 15-11-1975, một sự kiện đáng nhớ đã diễn ra tại Rambouillet, đó là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm các nước công nghiệp phát triển G6. Khi đó trong phòng ăn, một chiếc bàn được bài trí để phục vụ 18 người. Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing ngồi ở vị trí trung tâm, hướng mặt về phía hồ nước tuyệt đẹp phản chiếu bóng cây từ ven khu rừng cạnh đó...

Bên trong những hành lang quyền lực

Các tòa lâu đài luôn kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về quyền lực. Lâu đài Rambouillet cũng vậy, nó lưu giữ rất nhiều ký ức đặc biệt. Chẳng hạn như vào ngày 13-10-1950, báo Le Monde chạy dòng tít lớn: “Sau khi đi săn tại Marly, nhà lãnh đạo Morocco đã là khách mời ăn trưa của Tổng thống Vincent Auriol ở lâu đài Rambouillet”. Hay như vào ngày 14-11-1955, trang nhất một tờ báo Pháp viết: “Bà René Coty đã qua đời đêm qua tại Rambouillet”. Ở đây nói về bà Germaine Coty, vợ của Tổng thống René Coty.

Nằm trên khu vực có diện tích khoảng 3.900m2, lâu đài Rambouillet nhỏ hơn nhiều so với cung điện Versailles rộng 55.000m2. “Đó là một nơi trú ẩn của quyền lực, một nơi để thở, không quá xa Paris. Nó là nơi các gia đình có thể gặp gỡ, nơi các lễ nghi trang trọng được nới lỏng và các bộ trưởng có thể gặp nhau”, bà Isabelle de Gourcuff, người quản lý hoạt động của tòa lâu đài hiện nay, giải thích thêm với các du khách xung quanh trong lúc thong thả hướng dẫn họ đi từ phòng nọ tới phòng kia của tòa lâu đài vào một ngày cuối tháng 12-2023.

Theo quy định, khách tham quan không được quay phim, chụp hình bên trong lâu đài. Trên bản đồ, khi bà Isabelle de Gourcuff đến, một số khu vực được hiển thị màu trắng, là chỉ dấu cho thấy đó là những khu tuyệt mật, liên quan tới các lý do an ninh quốc gia như phòng hội đồng, các căn hộ của nguyên thủ nước ngoài.

Dạo bước qua các căn phòng trong lâu đài, người xem có thể hình dung ra hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II lịch thiệp nhưng kiên quyết từ chối ngủ lại trong căn phòng nơi mà trong quá khứ nhà vua François I đã băng hà. Bạn cũng có thể bật cười với ý nghĩ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev bị rơi vào tình thế oái oăm khi trong đêm bị mất nước nóng. Ông Nelson Mandela, tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi vào năm 1996 đã là vị khách cuối cùng nghỉ đêm lại tòa lâu đài này, và khi đó sức khỏe ông cũng yếu.

Càng về sau, không gian ở Rambouillet càng chứng tỏ không đủ lớn để phục vụ các sự kiện như hội nghị thượng đỉnh G6 hay G20. Vậy nên vào năm 2018, Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định giao công trình này về cho Trung tâm các di tích quốc gia (CMN) Pháp quản lý.

Kết hợp nhiều phong cách thẩm mỹ

Nằm ở vị trí không quá xa Paris cũng như Versailles, nhưng lại không bị tác động hay ảnh hưởng nhiều vì các sự kiện lịch sử của nước Pháp, lâu đài Rambouillet đã luôn là nơi ẩn náu của quyền lực. Thực tế cho thấy không chỉ các vị vua trong quá khứ mới đam mê săn bắn trong những cánh rừng, các tổng thống Pháp như Jules Grévy, Sadi Carnot và Jean Casimir-Perier cũng đều rất thích mảnh đất với đầy những trò chơi hấp dẫn này.

Năm 1895, Tổng thống Félix Faure đã chọn Rambouillet làm khu nghỉ dưỡng mùa hè của ông. Kể từ đó, mỗi đời tổng thống Pháp tiếp theo lại để lại một dấu ấn riêng theo cách của họ tại đây. Một số vị như Faure, Coty, Auriol, Giscard d'Estaing đầu tư nhiều hơn so với các vị khác, và họ để lại những dấu ấn khác biệt, đôi khi là xung đột, trong các phong cách kiến trúc và nội thất của lâu đài.

“Thế kỷ XVIII của ông Valéry Giscard d'Estaing không phải là thế kỷ XVIII của ông Félix Faure”, bà de Gourcuff bình luận. “Các nhà lãnh đạo của nước Pháp sẽ đến đây để săn bắn hoặc làm việc trong không gian yên ả khi quốc hội nghỉ họp”, bà cho biết.

Hướng tới mục tiêu đón 50.000 khách mỗi năm

“Chúng tôi đã tốn 1,9 triệu euro mỗi năm, và đây là công trình tốn kém nhất do CMN quản lý”, bà de Gourcuff chia sẻ với báo Le Monde về chi phí quản lý lâu đài Rambouillet. Ở tuổi 61, bà đã làm việc tại một số lâu đài lớn và kể cả tại các tòa tháp của Nhà thờ Đức bà Paris và nhà thờ Sainte-Chapelle. Từ các kinh nghiệm đó, bà hiểu để có thể tăng gấp đôi số lượng khách tham quan, lên 50.000 khách một năm, và để khởi động các khoản ngân sách bà hiện chưa có, tốt nhất là phải làm theo lộ trình từng bước. “Chúng tôi mở cửa đón khách, hé mở từng chút và bắt đầu hành trình. Hiện tại, chúng tôi khôi phục ở những vị trí khác nhau, và dần dần phục hồi các căn phòng trở về nguyên trạng như chúng đã từng là vậy”, bà nói.

D. KIM THOA (theo Le Monde)

.