Đà Nẵng cuối tuần

Về với mùa xuân

14:54, 06/01/2024 (GMT+7)

1. “Ngôi nhà cổ tích” là tên tôi hồn nhiên mù quáng đặt cho ngôi nhà nhỏ khi tôi và anh dắt về “vùng đất hứa” - một xã mới thành lập, thuộc hàng vùng sâu vùng xa nhất của tỉnh. Hai trẻ đưa nhau về nơi thâm sơn cùng cốc để dệt lâu đài tình ái, trút hết hầu bao, mua được căn nhà gỗ để rẻ của một cặp vợ chồng mới trúng độc đắc, bỏ núi về phố. Giao chìa khóa cho chúng tôi, họ đi như cái cách người ta chạy trốn. Hóa ra là vậy, cuộc đời tựa một đường đua, ai cũng phải chạy. Đôi vợ chồng đó bảo phải về phố cho thuận làm ăn. Còn tôi, chạy theo lời nói trái tim, bỏ lại sau lưng đôi mắt rớm nước trên khuôn mặt nẫu ruột của mẹ và những nếp nhăn lằn sâu quanh đôi mắt cha. Vạch đích của mỗi người sẽ có cái na ná nhưng đâu thể giống nhau. Không phải bỏ nhà theo trai (như thị phi) mà tôi đang chạy theo hạnh phúc. Sao tôi lại sai? Chẳng phải cuộc đời, ai cũng lo chạy đôn chạy đáo để kiếm tìm hạnh phúc sao? Tôi là phụ nữ nhưng dám làm dám chịu. Tôi thích được sống cho đam mê của mình. Sai tôi sẽ tự chịu, chịu tới cùng. Tôi thà lựa chọn sai lầm theo tâm ý mình chứ không đi con đường đúng đắn theo kinh nghiệm, quán chiếu của người khác. Lý sự kiểu tôi nhiều người bảo gàn. "Nếu nói mầy gàn số hai chắc không ai dám nhận số một" - lời một người bạn. Ừ, gàn cũng được mà tàn cũng xong. Tôi muốn được sống cuộc sống của chính tôi. Không sợ phải mang tiếng chịu lời, chỉ sợ đời không còn nam nhân thứ hai để được mê mệt vì yêu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vui vẻ bỏ ngang công việc ở công ty may, lén đi trong đêm cùng người tình trăm năm. Tôi toàn tâm ý làm nô lệ trái tim. Tình yêu là điều trên cả nghiêm túc. Nếu không dám trả giá thì đó chưa phải yêu, tôi tâm niệm đơn giản mà thần thánh vậy. Chỉ việc được gã trai nghèo đưa dùm vô bệnh viện và đợi tỉnh khi tôi tự té trên đường mà tôi cảm động rụng tim. Đó phải là người đàn ông tốt, thời này, được mấy người dám hết lòng với một người qua đường. Khi bắt cặp với anh, cũng có nhiều lời ong tiếng ve nhưng tôi nghe tai trái và để nó thoát ra bằng tai phải sau một giây. Tôi mà đã tin ai thì tới chết cũng tin.

Tình yêu bắt đầu, đơm hoa, kết trái - như mối lương duyên tiền kiếp. Chuyện tình tưởng đã kết thúc có hậu với sự dâng hiến và chiếm đoạt theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Giọt máu đang tượng hình, anh nói thuyền theo gái lái theo chồng. Không vấn đề gì, giờ anh có bảo chết tôi cũng quyên sinh chứ nói gì chuyện cùng anh đi xây dựng hạnh phúc.

Theo giới thiệu của một người quen, anh dắt tôi về xóm núi, vùng này đang khai phá, đất rộng người thưa. Anh, thằng con trai nhà nghèo ít lao động đã không trụ nổi với vùng đất nắng gió. Nhanh chóng đầu hàng khó khăn. Sau hai tháng làm lụng, anh sa đà vào ăn nhậu và chầu chực ở sòng bạc thâu đêm suốt sáng cùng những công tử di cư từ phố về rừng vì nhiều lý do khác nhau. Hạnh phúc ngắn chưa đầy nửa gang tay. Anh bỏ nhà đi luôn trong cái đêm nhậu nhẹt bét nhè đó. Cho tới giờ tôi cũng chẳng hiểu nguyên do. Chỉ biết giải thích chắc chưa đủ duyên.

Không phải thất tình mà điên đảo vì ăn phải một cú lừa tình ngoạn mục. Trơ trọi giữa xứ người, tôi mất phương hướng. Liên lạc với gia đình, mẹ bảo: chuyện lầm cũng đã lỡ rồi, nếu thấy không ổn thì về đây với ba mẹ. Vâng mẹ, con gái rất, rất muốn về. Nhưng con sẽ về trong tư thế nào? Ôm cái bụng bầu rồi nuôi con một mình? Ba mẹ đã khổ sở chưa đủ sao?

Tôi vác cái bụng đã xệ thấp vào thành phố, rúc tạm trong căn phòng thuê của đứa bạn thân học cấp 3 - hiện còn độc thân vui tính. Vẫn không muốn đổ lỗi cho tuổi trẻ nông nổi, tôi chỉ biết nguyền rủa cái giây phút yếu lòng, chút xao động tình đầu lại u mê ngỡ tình yêu khắc cốt ghi tâm rồi hớn hở lao đầu vào vực thẳm.

2. Con bạn về quê sớm, chỉ còn tôi và tiếng khóc trẻ thơ giữa thành phố. Mênh mông cô độc. Thăm thẳm bẽ bàng.

Cuối năm, thành phố tưng bừng nhộn nhịp trong từng hơi thở. Căn phòng lùi sâu trong hẻm nhưng tiếng cười nói và mùi Tết vẫn ngang nhiên bước vào. Nghe ra rồi, một giọng nói đồng hương bảo mai sẽ về quê ăn bánh tro quê nhà. Ôi, ai đó đang vô tình “chơi khăm” mình. Chẳng phải khi những tờ lịch bước vào chặng cuối, lúc nào tôi cũng quay quắt nhớ mùi bánh tro mẹ nấu. Điên cuồng là nỗi nhớ. Tôi đang nghe tiếng mẹ kêu mấy cô, thím lại cho rau và dặn Tết nhớ tới nhà ăn bánh tro. Mải chạy theo nỗi nhớ thần tiên. Con khóc to hơn, tôi đưa tay quẹt nước mắt. Chẳng có lý do gì, tự dưng con khóc rồi mẹ khóc theo. Nước mắt chảy tràn, đưa người mẹ trẻ về ngôi nhà nhỏ bên sông Bàn Thạch, nơi có gian buồng nho nhỏ, mẹ nuôi chị Hai về ở cữ mấy lần. Thấy con gái Út vào cưng cháu, mẹ bảo: ráng học giỏi lấy chồng, mai mốt tui còn mạnh tay khỏe chưn, tui nuôi đẻ cho!! Mẹ ơi, Út xin lỗi mẹ! Út đang ngồi ôm con, khóc vùi nè…

Sáng, mẹ điện: “Tết nay có thu xếp về được vài ngày không con?”. Hỏi ngắn gọn mà tha thiết. Mẹ nói thật nhẹ nhưng tôi nghe tim mình nặng trịch. “Trời, mới bữa nay mẹ đã lo Tết!”. “Qua tháng Chạp rồi, mới gì nữa mầy!” Dạ, để từ từ rồi con tính…”. Tôi đã hối nhiều vì cái Tết năm rồi bận rộn với người tình mà thờ ơ mâm cơm tất niên nhà mẹ. Giờ lại Tết. Thời gian hai năm có thể quá ngắn với cuộc mưu sinh bầm dập nhưng sẽ là nỗi nhớ đằng đẵng với một người mẹ trông con. Nhớ ba nhớ mẹ, muốn về lắm. Nhưng chuyện sinh con, tôi giấu nhẹm, nói dối công việc đang rất căng, khó thu xếp được. Dễ gì tìm được công việc vừa coi con vừa làm, lại tạm đủ trang trải cho cuộc sống ở phố. Dù bà chủ nhân ái, đồng ý cho về chơi, mãn Tết vào. Bà chia sẻ cũng qua một thời thanh xuân chìm nổi, cũng đau chí mạng vì tình yêu sét đánh nên giờ đồng cảm với tình cảnh của hai mẹ con. Tôi nghe rất cảm kích. Nhưng tôi bây giờ suy sụp tới mức không còn dám tin ai. Tôi không đủ gan để dám liều mạng lần nữa đâu. Cuối cùng, sau bao nhiêu dằng co xâu xé, tôi quyết chọn miếng cơm mà tạm gác tình nhà. Mẹ nghe tôi trình bày công phu thì “ừ”, nén tiếng thở dài: con thấy làm sao ổn thì cứ làm…

3. Hai lăm tháng Chạp.

Ba điện: “Khổ cũng khổ rồi, cố gắng thu xếp về đi con. Đừng để mẹ mầy khóc thẳng thét ba bữa Tết nữa...”. Ba nói tránh rồi, bảo “đừng để mẹ mầy khóc thẳng thét ba bữa Tết” nhưng tôi biết ba mới là người ngóng con gái rượu nhất. Trước giờ, làm sao đếm hết những lần mẹ “lầu bầu”: ổng làm như tụi bây là con riêng vậy, đi đâu lâu lâu chút là nhảy đứng nhảy ngồi. Chắc mai mốt ổng cho ở giá hết cả đám luôn quá... Từ ngày chị lấy chồng, tất niên nào ba chẳng nói, chỉ cần cuối năm sum họp là hạnh phúc.

Ôi, nhớ!

Con gái đặc biệt nhớ vườn rau Tết của ba. Ba thích ăn bánh tráng cuốn rau sống với chuối chát non, kèm miếng thịt ba chỉ luộc. Mỗi sáng ba đều ra vườn bắt sâu, nhổ cỏ, tưới nước. Đêm, ba đem tro rưới lên từng luống rau, ba bảo để ban đêm sâu chui ra gặp tro cay mắt mà trốn biệt (cách giết sâu an toàn). Ba chăm lo sửa soạn vườn rau. Còn mẹ thì bận bịu với cây bưởi bên chái nhà. Mẹ bọc quả bưởi vào bao ni lông từ nhỏ để ong khỏi chích, để quả bưởi mướt mát sởn sơ. Mâm cỗ ngày Tết có quả bưởi vườn nhà cho thơm, cho ấm - mẹ nói.

Năm nay mẹ có rót bánh thuẫn không? Có niềm vui trẻ thơ nào đẹp bằng việc ngồi bên khuôn bánh, lạy trời cho bánh thuẫn đừng vun tròn, đừng nở tai hoa để được mẹ cho mẻ bánh hỏng. Mùi bột khoai hạ, mùi đường, mùi trứng quyện vào nhau nằm trên âu lửa nghe ngây ngất. Ngon ơi ngon khi cho miếng bánh nóng vào miệng, vị ngọt từ từ tan ra, thấm vào đầu lưỡi. Rồi mẹ có lụi cụi mang bao vô rừng đào củ sắc tiên về rim? Cái đồi nhỏ bên sườn núi, nơi có nhiều cây sắc tiên sau bão chắc bị bào mòn rồi. Nhớ hồi nhỏ, cứ nhèo nhẹo đòi vô rừng đào cái củ trăng trắng, sường sượng như củ sắn rẻo mắc lụt làm rim. Chưa bao giờ con quên được cái mùi hăng hăng ngai ngái nồng nồng của món mứt làm từ loại củ dại ấy.

Ký ức những cái Tết tuổi thơ hiện về lộng lẫy trong tâm trí. Nhức nhối tim gan. Xuân không về nhà, mới nghĩ thôi mà tôi ngay lập tức mang tâm trạng của người không có nơi về. Từng tế bào trong người rung lên khi nhớ lại chất giọng âm ấm, siêu thiết tha của ba. “Về đi con…”. Chỉ ba tiếng mà sâu và dài muôn trượng.

***

Mặc kệ tất cả. Bỏ qua kiêu hãnh, tự trọng và bẽ bàng. Tôi dẹp hết những ngổn ngang để về với mùa xuân. Để được đứng ngoài ngõ, gọi to: “Mẹ ơi, ba ơi, con về rồi nè. Cả cháu ngoại về đòi lì xì nữa…”.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

.