Đà Nẵng cuối tuần

Mùa gió chướng còn vương vị đồng

14:24, 13/01/2024 (GMT+7)

Những làn gió se se lạnh thổi vào vùng đồng bưng làm tôi và bà con nông dân một nắng hai sương nhận biết đó là mùa gió chướng đang “trở mình thức giấc”. Mùa gió mang theo bao niềm thương nỗi nhớ của bà con xứ đồng.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vùng Đồng Tháp Mười quê tôi chỉ có hai mùa là mùa cạn và mùa nước lên. Thời điểm này đang bước vào mùa nước cạn. Ruộng đồng đã khô nước, bà con nông dân tranh thủ làm đồng, chuẩn bị gieo sạ vụ đông xuân. Trong tiết trời lành lạnh của mùa gió chướng cũng là tiếng chuông báo hiệu mùa xuân mới gần kề.

Mùa nước lên có kết thúc tròn đầy để lại nơi đồng bằng châu thổ lượng phù sa màu mỡ, vẻ đẹp thiên nhiên yên bình khi mùa gió chướng trở ngọn… Người nông dân ở xóm nhỏ lại thêm một vụ mùa tất bật trong niềm vui mới. Những cái máy dầu Kubota hoặc DF hoạt động năng nổ ngày đêm cùng bà con rút khô nước trong ruộng, các lối đánh đường nước có kỹ thuật điêu luyện nhằm để lượng nước khô đều mặt ruộng, khâu be bờ thẳng tăm tắp tứ phía. Bà con nông dân bắt đầu gieo sạ những hạt giống được tuyển chọn kỹ lưỡng hy vọng mùa này có nhiều niềm vui nối tiếp niềm vui “được mùa, trúng giá, lời to”.
Khi mùa gió chướng miên man thổi về, như chợt gọi yêu thương quay về cùng hương đồng gió nội. Nhớ làm sao mùa cá đồng tràn về sông tìm nơi trú ngụ, mùa bông, rau dại đồng bưng chờ ngày bung mình khoe sức sống hiên ngang trước vạn vật tự nhiên.

Miền ký ức tuổi thơ nơi ruộng đồng luôn là những trang nhật ký bình yên và tinh khôi trong hành trình lớn khôn trong tôi.

Tôi nhớ những lần cùng tía đi đổ dớn, đặt lợp, lờ, canh đổ sờ di cá. Nhớ những hôm trời nắng chang chang má bơi xuồng ba lá rước tôi đi học ngoài trường xã về. Rồi tranh thủ đem cơm trưa ra đồng cho tía ăn kịp giờ, rồi tiếp tục gieo xạ giống đã nảy mầm. Đi dọc bờ kênh là những đám rẫy, đám bắp lô nhô trên mặt đất. Mùa này, đậu rồng và bông so đũa trổ bông và kết trái rất nhiều. Ban ngày, tía làm ruộng còn ban đêm tía đi câu ếch, câu lươn, nhấp cá lóc. Những con cá, con lươn, con ếch nằm gọn trong thùng, tía tôi ra tay là hứa không “thất thu”.

“Chiến tích” tía đem về thì má đã nấu xong nồi cơm củi chụm bằng cây cà na, cây tràm gió, cây tre mỡ do tôi và má bơi xuồng đi dớt khi mùa nước nổi tràn đồng. Thịt ếch làm xong má xào lăn với nghệ thêm củ hành tây bổ cau, vài đọt cần tàu hoặc gò gai má trồng sau nhà trong mấy cái khạp, cái lu bể. Cá lóc má nấu canh chua bông so đũa với mấy trái đậu rồng xanh mơn mởn. Những con lươn mập ú ụ má đem kho khô sả ớt hiểm… Bữa cơm chiều chỉ bấy nhiêu đó thôi mà làm cho những kẻ xa quê quay quắt nhớ khôn nguôi.

Qua bữa cơm chiều đầm ấm tình quê, tía ngồi trên bụi vạc đóng bằng tre bên mái hiên lộng gió, má vô nhà lấy kim chỉ ngồi vá lại từng chỗ rách trên chiếc áo đã sờn vai cho tía, mấy anh em tôi nằm trên chiếc võng quê được đan hình mắt cáo… Mùa gió chướng se se lạnh thổi từ ngoài đồng vào tôi thiếp đi trong giấc mơ trong trẻo tuổi thơ.

Thời gian cứ mải miết trôi qua, dẫu biết rất khó quay lại những mùa cũ năm xưa. Nhưng đó là sự tiếp nối hướng đến cuộc sống tươi đẹp và tràn đầy niềm tin cho ngày mai. Vẫn sẽ nhớ mãi mùa gió chướng còn vương vị đồng nơi “đồng chua cỏ cháy” nhưng luôn mang trong mình tinh thần lạc quan hy vọng đời sống bà con nông dân xứ đồng ngày càng “được mùa, trúng giá, lời to”.

NGUYỄN THỊ MỸ CHÂU

.