Truyện ngắn

Hàng xóm

.
Minh họa: TLATHU
Minh họa: TLATHU

Quỳnh mua căn hộ ở chung cư cũ gần trung tâm thành phố. Chung cư chỉ có ba tầng, cũ kỹ đến độ tưởng như từng bước chân, viên gạch cũng có thể kể chuyện bao nhiêu thế hệ đã đi qua nơi này.

Ngày mới dọn về, Quỳnh gỡ căn gác đi cho thoáng nhà. Căn gác này nghe đâu ông bố làm cho con trai cưới vợ về có không gian riêng tư. Ở đến giờ, đứa con lớn đã lẫm chẫm biết đi. Vì vậy mà họ làm kiên cố lắm. Hai người thợ tháo dỡ mấy ngày mới xong. Có đoạn gắn thanh sắt xuyên tường giờ phải cưa đi.

Hàng xóm bên cạnh có đứa trẻ khó ngủ. Cứ nghe tiếng ồn là nó giật mình thức giấc. Bà ngoại xót cháu lên báo với tổ trưởng tình hình gây ồn của hộ mới dọn về. Cô tổ trưởng xuống gặp Quỳnh, phán một câu xanh rờn: “Sửa ít thôi, chung cư này cũ nát rồi, được vài năm nữa là sập à!”. Quỳnh nghe choáng váng. Số tiền cô dành dụm từ lúc đi làm đến hơn nửa đời người mới chỉ gần đủ mua căn nhà. Số còn lại mượn người thân. Coi như một cú phóng người có hơi rướn, để vượt qua quãng đời ở trọ đầy tạm bợ. Cứ nghĩ có được căn hộ là yên tâm ở trọn đời chứ, ai ngờ…

“Nhưng là tổ trưởng, ai lại đi nói điều tiêu cực vậy. Cái khoản cũ kỹ thì thôi ráng chịu, vì mình ít tiền mà muốn ở gần trung tâm. Được cái nọ mất cái kia. Nhưng về mặt con người cũng quan trọng lắm. Nếu sống với người chỉ xả ra nguồn năng lượng tiêu cực, ít nhiều gì mình cũng bị ảnh hưởng. Với lại hàng xóm ra vào đối mặt nhau, phải hòa hợp thì mới nhẹ nhàng, thoải mái chứ” – chị gái lo lắng nói với Quỳnh như vậy. 

Nói về khoản cũ kỹ thì đúng là chung cư này cũ thật. Hôm Quỳnh gọi thợ đến sửa nhà, nhờ họ khoan vài lỗ tường gắn kê kệ để trồng ít hoa. Lỗ khoan đưa vào ngọt xớt. Rút ra cũng ngọt xớt. Chưa phải dùng đến sức. Anh thợ đập đập tay vào tường, nói tường mục rồi, chắc bị thấm nước lâu năm nên có gắn kệ cũng không chắc chắn đâu.

Quỳnh cũng thấy lo lo, nhưng kệ. Cứ phải trải nghiệm mới biết. Với lại, bao nhiêu hộ vẫn ở bình thường. Có căn hộ ở đến 3 thế hệ còn được. Quỳnh có một mình thôi mà! Chỉ cần là nhà của mình, điện nước chính chủ, mỗi tháng không phải nơm nớp lo đến ngày đóng tiền nhà cũng là trút được gánh nặng rồi.

Quỳnh tự “cởi bỏ” những lo toan cho mình. Ở tuổi ngoài 30 của Quỳnh, tự mua nhà được cũng là cả thành tích đáng tự hào. Cớ sao vừa có tài sản, vừa phải ôm nỗi phập phồng. Chi bằng cứ vui cho trọn vẹn đi đã.

Nhưng không phải “thay đổi chính mình là thay đổi được thế giới” như câu nói nổi tiếng lừng lẫy kia.

Vào buổi chiều, người đàn ông là bố của đứa trẻ khóc ngặt nghẽo mỗi khi có tiếng ồn ấy, anh ta đi làm về còn mặc nguyên áo đồng phục của một hãng shipper, sang gặp thẳng Quỳnh, hỏi trổng: “Sửa gì nhiều vậy? Con tui phải ra hành lang lầu trên ngủ mấy trưa nay rồi đó!”. Quỳnh đang tâm trạng không mấy tốt, đáp lại: “Tại bé khó ngủ, chứ nếu nhà phía trước xây, mất mấy tháng làm ồn rồi anh qua mắng vốn họ được à?”. Ông bố trẻ phồng mang trợn mắt nhìn Quỳnh. Máu dồn lên mặt đỏ bừng bừng. Và bàn tay nắm lại thật chặt, những bước chân to bè đang bám chặt xuống nền gạch đã cựa cuội. Chỉ vài tích tắc nữa thôi, cơn nóng giận đó sẽ giáng xuống Quỳnh bằng cú đấm với tất cả sức lực hung hãn. Quỳnh sợ hãi đóng sập cửa lại. Hụt mất một nhịp. Gã hàng xóm tức tối đá một phát thật mạnh vào cửa sắt căn hộ Quỳnh, rồi mới rời đi.

Quỳnh sợ hãi nhưng ém nhẹm đi, vì chị gái Quỳnh mà biết, thể nào cũng nói Quỳnh bán nhà ngay đi, mua chỗ khác an toàn mà ở. Gì mà vừa mới về đã đủ thứ chuyện. Chị có chút kinh nghiệm về môi giới đất, chỉ cần Quỳnh gật đầu, chị sẽ lo liệu hết. Nhà cửa thì không lo lỗ lã gì. Nếu muốn “làm ăn” luôn trên sự cố này, chỉ cần bỏ ra ít tiền tu sửa cho mới mẻ lại, bán ngay cũng lời vài chục triệu chứ không ít. Rồi chị sẽ nhờ anh em quen biết trong môi giới, tìm cho Quỳnh căn nhà khác phù hợp hơn. Mất chừng hơn tháng thôi. Quỳnh nghĩ đến đoạn đó thấy phiền não cho cả chị lẫn Quỳnh, nên không dám hé răng.

Đêm nằm ngủ, Quỳnh nghe loáng thoáng được người đàn ông hàng xóm than thở với vợ. Giọng chửi thề ra rả, rằng giờ shipper gì mà đông như quân Nguyên. Buổi trưa lên khu trung tâm xem, nhìn góc đường nào cũng thấy shipper. Ế khách đứng cả bầy. Bởi giờ thất nghiệp nhiều quá, ai cũng khoác áo chạy xe công nghệ… Giọng hắn chùng lại hơn: “May mà còn có thêm nghề điện để có đồng ra đồng vào”...

Rồi giọng chị vợ nhắc có thím nhà ở tầng trên nhờ sáng mai ghé thay giúp cầu giao điện.

Quỳnh có chút mủi lòng. Từ đầu năm đến giờ, đâu đâu cũng nghe than tình hình công ăn việc làm bất ổn. Thuyền lớn gặp sóng lớn, thuyền nhỏ gặp sóng nhỏ. Cuộc sống quả không dễ dàng gì. Quỳnh nghĩ, nếu cơm áo gạo tiền không là gánh nặng đến oằn vai, có khi con người ta sẽ khác.

Vậy nên cô tạm tha thứ cho cú đạp cửa nhà mình hôm trước của gã hàng xóm hung hăng.

Màn đêm chìm sâu.

Quỳnh trở về nhà sau chuyến công tác gần 10 ngày. Cảm giác được về nhà bao giờ cũng mang đến sự phấn khích cho cô. Nhất là nơi đó chính xác là nhà mình. Ý nghĩ được nằm trên chiếc giường yêu thích, ngủ một giấc thật sâu, sáng mai thức giấc lên sân thượng đón bình minh, tập vài động tác thể dục, sau đó dạo bộ xuống đường chọn món ăn sáng thật ngon, rồi trở về nhà pha một tách trà ngồi thưởng thức cùng buổi sáng trong lành. Thật thích làm sao. Ý nghĩ ấy như một thứ động lực khiến cô quên đi mệt mỏi sau chặng đường dài.

Nhưng vừa mở cửa, đặt một chân vào nhà, Quỳnh đã thấy mùi hôi thối bốc lên. Cô hốt hoảng tìm xem đó là thứ mùi gì, chẳng lẽ có con chó, mèo, chuột… vô nhà rồi đói lăn ra chết rã xác, bốc mùi. Sau khi tìm khắp nhà không phát hiện ra gì, Quỳnh mở tủ lạnh lấy nước uống mới phát hiện nhà cúp điện từ bao giờ. Và cái mùi hôi kinh khủng ấy thoát ra từ thực phẩm trên ngăn đông, cả mớ trái cây, rau củ, sữa bảo quản ngăn dưới cũng thối rữa.

Quỳnh quay trở ra hành lang, thấy điện vẫn sáng trưng. Cô gọi điện hỏi cô tổ trưởng, tổ trưởng nói cả chục ngày nay có cúp điện ngày nào đâu. Tiện có cậu con trai ở nhà, cô tổ trưởng nhờ cậu ta xuống kiểm tra giúp Quỳnh. Thì ra chỉ duy nhất cầu dao điện nhà Quỳnh bị tắt. Mà vị trí đặt cầu dao điện cao chót vót, sát trên góc trần nhà, phải dùng thang mới lên tới được. Tức là phải có sự can thiệp của con người. Đó còn là người biết rõ vị trí cầu dao điện nhà Quỳnh, bởi nó nằm chung trong số hai mươi căn hộ của toàn dãy lầu.

Lần khác, điện tắt phụt ngay trong đêm. Mất điều hòa nóng quá, Quỳnh thức giấc mới biết chỉ duy nhất nhà mình bị cúp điện. Và như bệnh cũ, Quỳnh phải mượn thang, nhờ người trèo lên bật cầu dao. Điện có trở lại.

Ban đầu còn bán tín bán nghi, rằng có thể cầu dao quá cũ nên hư hỏng, hoặc là cơ chế tự ngắt điện khi có sự cố. Nhưng sao lại chỉ mỗi căn hộ nhà Quỳnh?

Nhưng đến vài lần nữa thì Quỳnh biết luôn ai là thủ phạm. Cô nhớ lại những lần chạm mặt gã hàng xóm dưới nhà xe. Ánh mắt đó nhìn Quỳnh chẳng có vẻ gì là “chuyện cũ bỏ qua”. Ánh nhìn đó vừa như thách thức, vừa như đe dọa “hãy đợi đấy”. Cũng may là nhà xe luôn có camera nên chiếc xe của cô vẫn an toàn.

Không thể cứ ra khỏi nhà là nơm nớp lo nhà bị mất điện, Quỳnh trình bày với bên điện lực. Mấy anh tích cực xuống giúp, làm hẳn cái lồng đậy, không tự mở ra được cho tránh bị quấy rầy. Từ đó, nhà Quỳnh không bị cúp điện sảng nữa.

Sau sự cố bị chơi xấu đó, Quỳnh nghĩ chẳng cần mủi lòng, tha thứ gì cho loại hàng xóm đó. Cực khổ thì ai cũng cực khổ, nhưng không vì vậy mà thành người xấu được.

Không tha thứ, nhưng sẽ làm gì để đáp trả họ thì Quỳnh chưa nghĩ ra.

Buổi chiều, trong lúc mang rác ra khu tập kết của chung cư, Quỳnh nhận ra người đi trước, cách Quỳnh vài bước chân là gã hàng xóm. Trong lúc rút điện thoại từ túi quần ra, chẳng may đánh rớt xấp giấy tờ. Quỳnh mặt tỉnh queo, đi thêm vài bước chân rồi cúi xuống nhặt như chính đồ mình vừa làm rơi. Xong cô kẹp vào bao rác, định quăng luôn. Nghĩ sao đó Quỳnh giữ lại, đem về phòng.

Quỳnh mở ra xem. Đó là toàn bộ giấy tờ tùy thân, có cả giấy phép lái xe - thứ mà Quỳnh nghĩ rất cần với một tài xế xe ôm. Số giấy tờ đó được ép plastic cẩn thận, chứng tỏ sự giữ gìn của chủ nhân.

Quỳnh nghĩ xem, để làm lại bằng này giấy tờ hết bao nhiêu thời gian, công sức, chưa kể còn ảnh hưởng công việc, thu nhập. Âu đó là cái giá cho sự thiếu tử tế mà hắn phải nhận?

Nghĩ tới những lần bị cúp điện, hư hại đồ đạc, cú đá mạnh vào cánh cửa của gã hàng xóm, Quỳnh muốn cầm ngay chiếc kéo để sẵn trên kệ bếp mà cắt nát từng mảnh cho hả dạ. Và trong lúc này, Quỳnh nghĩ hắn cũng đang bấn loạn, cố nhớ xem xấp giấy tờ mất khoảng thời gian nào, khi đó hắn đang ở đâu…

Buổi tối. Quỳnh nằm trên sofa, nhìn xấp giấy tờ để nguyên trên kệ tivi. Trả lại để nhận sự cảm kích của gã hàng xóm, rồi mối quan hệ hai bên sẽ trở lên tốt hơn, hay là cắt nát cho hả dạ? Trong lòng Quỳnh, vốn không sống để hài lòng người khác bao giờ. Ai hợp, ai hiểu thì chơi, không thì thôi nên việc trả lại để kết nối mối quan hệ hàng xóm thì ngoài ý định của Quỳnh. Còn nếu cắt nát thành từng mảnh cho hả dạ, cũng không phải con người thật của Quỳnh. Cô chưa bao giờ tự tay phá hoại vật chất, tài sản của mình hay người khác.

Thường trong những vấn đề cần cân nhắc, Quỳnh sẽ nhờ đến quyền trợ giúp của ai đó, chị gái mình, hoặc mấy cô bạn hay tán gẫu. Nhưng câu chuyện này đã trở nên dài lê thê, bởi ban đầu Quỳnh đã không nói với ai. Để cho khi họ có đến thăm Quỳnh, ít nhất vẫn có ấn tượng tốt về nơi này. Giờ mà mở miệng không biết bắt đầu từ đoạn nào.

Quỳnh ngủ quên trên sofa cho đến khi ánh sáng lùa vào phòng. Tiếng chim trong lồng hót véo von gọi bình minh.

Quỳnh gọi điện cho chị gái, chỉ là để nói chuyện bâng quơ không có nội dung gì cụ thể. Chị hỏi Quỳnh có biết gì về talor không, bạn chị ấy xem hay lắm, còn bày cho chị cách xem nữa, mà bộ bài giá cao quá chị chưa mua. Quỳnh nói đó là sự mất phương hướng, mất niềm tin vào chính mình, mà em thì vẫn còn tin vào chính mình nhiều lắm!

Chị nói, có gì đâu mà nặng nề vậy, có những điều tích cực khiến mình lên tinh thần thì cũng tốt mà! Nó nói, chị đến tuổi 50 sẽ chẳng còn lo lắng gì về tiền nữa. Nghe có thấy đầy hy vọng không? Em lại nói là ảo tưởng chứ gì? Vầy nha, chị đang sống trong niềm tràn đầy hy vọng. Đến khi đó, cho dù kết quả không như vậy, chẳng phải chị đã có chuỗi ngày sống trong hân hoan, không tốt hơn hay sao? Cuộc đời này, cho nhau niềm hy vọng, một cảm giác dễ chịu nào đó cũng là tạo phước rồi đó!

“Một cảm giác dễ chịu” – Quỳnh tắt điện thoại, nhẩm lại câu nói của chị. Chị gái Quỳnh luôn tin vào thứ gọi là trường năng lượng, điều mà con người ta có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Khi mình mang lại cảm giác dễ chịu cho người khác, cũng là cho chính mình.

Quỳnh thay bộ đồ ngủ, đi ra ngoài. Lần đầu tiên cô đi thật chậm trên dãy hành lang chung cư. Căn hộ nào cũng đóng kín cửa. Này là nhà chị bán cam online, Quỳnh mua riết quen. Hôm Quỳnh bị cảm, ho khan mãi không dứt, chị treo ở cửa sổ căn hộ Quỳnh bịch cam, rồi nhắn Quỳnh ngủ dậy nhớ lấy uống cho nhanh hết cảm.

Này là nhà cô giáo lúc nào cũng đông trẻ em, là con em của những hộ sống tại chung cư. Các bà mẹ một công đôi việc, cho con đi học thêm, tiện thể gửi con luôn để tiện việc bán buôn. Mỗi tháng chỉ phải đóng tiền học. Cô giáo biết hết nhưng vẫn vui vẻ đón nhận từng đứa. Có hôm không thấy ba mẹ đến đón, cô giáo tắm rửa, cho ăn uống rồi ngủ lại luôn. Có những hoàn cảnh khó khăn, cô còn mua sách cho, dạy học miễn phí luôn.

Này là nhà của cô tổ trưởng. Quỳnh nhớ rõ, bởi mỗi lần bị cúp cầu dao điện, cô lại lên gõ cửa nhờ vả. Mỗi lần vậy, cô tổ trưởng chửi ra rả: “Cái đứa mắc ôn nào phá hoại nhà người ta”. Rồi cô trấn an Quỳnh: “Để vài bữa họp chung cư, cô sẽ đề xuất sửa lại camera, bắt tại trận”.

Ở khe cửa nhà cô, có một kẽ hở thường để ai đó có liên hệ giấy tờ chỉ cần nhét vào. Quỳnh rút xấp giấy tờ của hàng xóm, khẽ nhét vào rồi quay trở lên.

Quỳnh hình dung mặt gã hàng xóm giãn ra, rối rít cảm ơn khi nhận lại xấp giấy tờ từ cô tổ trưởng.

La Thị Ánh Hường

;
;
.
.
.
.
.