TÊN ĐƯỜNG

Phong phú quỹ tên đường

.

Trước nhu cầu chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị, Đà Nẵng thường xuyên tuyển chọn, bổ sung tên danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh, sự kiện vào quỹ tên đường. Đặc biệt, Sở Văn hóa và Thể thao tập trung sưu tầm, nghiên cứu, xin ý kiến chuyên gia chọn ra hàng trăm cái tên có ý nghĩa lịch sử cũng như định hình bản sắc văn hóa vùng đất.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến công tác sưu tầm, nghiên cứu, lựa chọn bổ sung nguồn tên vào quỹ cũng trở nên cấp thiết. Trong ảnh: Một góc trung tâm quận Hải Châu. Ảnh: ĐOÀN XUÂN SƠN
Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến công tác sưu tầm, nghiên cứu, lựa chọn bổ sung nguồn tên vào quỹ cũng trở nên cấp thiết. TRONG ẢNH: Một góc trung tâm quận Hải Châu. Ảnh: ĐOÀN XUÂN SƠN

Gắn với quy hoạch phát triển đô thị

Quỹ tên đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc định hình bản sắc đô thị văn hóa. Dựa vào nguồn tên, hằng năm, HĐND thành phố ban hành nghị quyết đặt tên một số tuyến đường trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu chỉnh trang, phát triển hạ tầng đô thị.

Ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thông tin, ngoài việc áp dụng các nguyên tắc chung theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20-3-2006 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, UBND thành phố ban hành Quyết định số 47/2019/QĐ-UBND ngày 4-11-2019 quy định cụ thể quy chế đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn. Theo đó, căn cứ vị trí, quy mô, cấp độ tuyến đường và công trình công cộng, Hội đồng Tư vấn đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng thành phố nghiên cứu lựa chọn tên gọi phù hợp, tương ứng các tiêu chí lựa chọn danh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh và mỹ từ có ý nghĩa tiêu biểu về mặt chính trị, văn hóa, xã hội để đặt tên đường. Danh nhân được chọn đặt tên là người từ trần trước thời điểm xét đặt tên đường ít nhất 5 năm (trừ những trường hợp đặc biệt). Tên đặt cho đường và công trình công cộng được lựa chọn từ danh mục Quỹ tên đã được UBND thành phố phê duyệt hoặc do thành viên Hội đồng Tư vấn đề xuất và thông qua.

Ngoài ra, để tạo điểm nhấn trong bức tranh đô thị, Đà Nẵng ưu tiên chọn tên danh nhân, nhân vật lịch sử cùng thời kỳ hoặc cùng lĩnh vực hoạt động đặt gần nhau, tạo thành các cụm tên đường có liên quan. Quan điểm này cũng được ông Phạm Ngô Minh phân tích trong cuốn Đường phố Đà Nẵng (NXB Đà Nẵng, tái bản năm 2007). Ví dụ, tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), ba tuyến đường có điểm giao nhau được đặt tên 3 anh em ruột, gồm Hồ Nghinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng), Hồ Thấu (nhà thơ), Hồ Liên (nhà ngoại giao Hoàng Bích Sơn). Hoặc cụm các nhà thơ, nhà văn xứ Quảng như Tế Hanh, Thu Bồn, Hoàng Châu Ký, Phan Khôi, Nguyễn Văn Xuân được đặt tên tại các tuyến đường khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ.

Tại quận Hải Châu, các tuyến đường Huy Cận, Tố Hữu, Trịnh Công Sơn, Ngô Tất Tố, Trần Hữu Trang… cũng được bố trí nằm cạnh nhau, tạo thành quần thể tên đường về văn, nghệ sĩ. Bên cạnh đó, các tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối Nguyễn Sinh Sắc, Hoàng Sa nối Trường Sa tạo thành điểm nhấn kiến trúc, lịch sử thông qua tên đường. Ông Phạm Ngô Minh cho rằng, khi nhu cầu tìm hiểu kiến thức lịch sử, văn hóa ngày càng cao, thì tên đường không đơn thuần chỉ là cái tên để gọi, nó còn mang sứ mệnh chuyển tải thông tin đến người dân. Vì lẽ đó, việc lựa chọn tên cho đường, cũng như chuẩn bị “nguồn tài nguyên” tên đường, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoa học, dài hơi, phù hợp với nhu cầu thụ hưởng văn hóa và quy hoạch phát triển đô thị.

Chủ động bổ sung quỹ tên đường

Đến cuối năm 2022, Đà Nẵng có 2.726 tên đường và công trình công cộng được đặt tên; trong đó có 1.076 tên đường nhân vật lịch sử; 1.618 tên đường địa danh, mỹ từ, sự kiện và 32 tên công trình công cộng… Dẫu vậy, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu bổ sung tên đường vào nguồn quỹ trở nên cấp thiết. Để tránh tình trạng bị động, Sở Văn hóa và Thể thao duy trì việc sưu tầm, biên tập, xin ý kiến chuyên gia để lựa chọn hàng trăm tên danh nhân, nhân vật lịch sử và địa danh tiêu biểu đưa vào quỹ tên đường. Ông Hà Vỹ cho biết, sau thời gian nỗ lực bổ sung, hiện quỹ tên đường có trên 700 mục tên, được lựa chọn chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu, tài liệu lịch sử đã xuất bản; các tài liệu, tư liệu, hồi ký của các lão thành cách mạng; các thư tịch, địa chí, lịch sử cách mạng của địa phương...

Trong một nghiên cứu liên quan đến lịch sử tên đường Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố nhìn nhận, từ sau 1975, tên đường phố Đà Nẵng có nhiều biến động lớn. Một số tuyến đường vẫn giữ nguyên tên cũ như: Đinh Tiên Hoàng, Đoàn Thị Điểm, Ba Đình, Cao Thắng, Chu Văn An, Đào Duy Từ, Cô Bắc, Đống Đa, Hà Thị Thân, Hoàng Diệu, Hùng Vương, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đình Dương, Lê Lai… Nhưng, cũng có không ít tuyến đường được đổi tên, như đường Nguyễn Chí Thanh (trước là Duy Tân), Ngô Gia Tự (trước là Đông Kinh Nghĩa Thục), Nguyễn Văn Linh (trước là Lê Đại Hành), Nguyễn Thái Học (trước là Trần Hưng Đạo)… Nhìn chung, việc đổi tên đường phần lớn xuất phát từ sự thay đổi quan điểm đánh giá nhân vật, hoặc “thu hồi” lại những tên tuổi có đóng góp lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc để đặt cho những tuyến đường lớn, quy mô hơn - so với tuyến đường đã đặt trước đó. Ngoài ra, một số tuyến đường được giới sử học đánh giá chưa xứng tầm với công trạng của danh nhân như Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng... nhưng đến nay thành phố chưa có điều kiện thay đổi.

Theo ông Tiếng, để tạo cơ sở dữ liệu cho Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường và các công trình công cộng thành phố bổ sung nguồn quỹ tên đường, Hội Khoa học Lịch sử thành phố tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo vinh danh những đóng góp của danh nhân xứ Quảng; đồng thời, tập trung nghiên cứu những vấn đề sử học xứ Quảng nói chung và Đà Nẵng nói riêng, qua đề xuất nguồn tên đường cho quỹ.

Có thể nói, việc đặt tên đường và tên các công trình công cộng ngoài phục vụ mục đích hành chính, còn là cách chúng ta tôn vinh danh nhân, anh hùng dân tộc hay các sự kiện văn hóa, lịch sử liên quan. Ông Hà Vỹ khẳng định, việc hình thành quỹ tên đường giúp thành phố thuận lợi lựa chọn trong các đợt đặt tên đường, sau khi căn cứ vào ý nghĩa lịch sử, vị trí, quy mô đường, phố và công trình công cộng lớn hay nhỏ, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các tuyến đường, khu vực và loại hình tên... trên cùng một địa phương.

Khi tên những danh nhân, địa danh, sự kiện lịch sử quen thuộc có thể dùng đặt tên ngày càng ít đi, thì công tác sưu tầm, nghiên cứu, lựa chọn bổ sung nguồn tên vào quỹ cũng trở nên cấp thiết. Để tháo gỡ nút thắt này, Đà Nẵng nghiên cứu chọn tên danh nhân địa phương có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng qua các thời kỳ, cũng như tên những vị tiền hiền có công khai phá vùng đất. Hoặc, đó cũng có thể là tên các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng qua các thời kỳ, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, danh nhân nước ngoài có ảnh hưởng đến lịch sử, văn hóa Việt Nam và thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, một số tên địa danh, tên gọi vùng đất cũ hay tên các loài hoa nổi tiếng, bản địa cũng sẽ được xem xét, nghiên cứu bổ sung vào nguồn quỹ tên đường. Trên cơ sở đó, tùy vào quy mô, tầm vóc công trình, các địa phương sẽ dễ dàng lựa chọn, đề xuất những cái tên phù hợp.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.