Cơ hội cho di tích 1.000 năm bừng sáng

.

HĐND thành phố vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ). Đây không chỉ là tin vui với người dân quanh khu vực mà còn là niềm vui lớn của những người yêu văn hóa, quan tâm đến di tích hơn 1.000 năm tuổi này. Với quyết định đầu tư 140 tỷ trong giai đoạn 1, dự án không những giúp phục hồi công tác nghiên cứu, bảo tồn mà còn mở ra cơ hội bừng sáng cho vùng đất ven sông Cẩm Lệ.

Sau ba đợt khai quật, di tích Chăm Phong Lệ đã phát lộ rất nhiều hiện vật quý giá. Trong ảnh: Trưng bày những khám phá ở Phong Lệ dịp xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ vào năm 2021. Ảnh: HÀ CHÂU
Sau ba đợt khai quật, di tích Chăm Phong Lệ đã phát lộ rất nhiều hiện vật quý giá. Trong ảnh: Trưng bày những khám phá ở Phong Lệ dịp xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ vào năm 2021. Ảnh: HÀ CHÂU

Từ khi di tích chăm Phong Lệ bắt đầu khai quật lần đầu năm 2011, nơi đây đã dần phát lộ nhiều hiện vật quan trọng như tượng sư tử, chim, rắn thần… Điều này cho thấy đây là một trong những nền tháp lớn có niên đại từ thế kỷ thứ IX-XI. Theo các chuyên gia khảo cổ, những hiện vật được thờ trong hố thiêng của nền móng chính là phát hiện “đột phá” hiếm có so với các cuộc khai quật ở các nơi.

Ngược về quá khứ, không chỉ đến khi một người đào móng làm nhà ở đây phát hiện ra di tích thì người ta mới biết di chỉ của người Chăm từng xuất hiện Phong Lệ. Những ghi chép do người Pháp biên soạn trong cuốn Những người bạn cố đô Huế cũng đã ghi lại rất nhiều tư liệu, về việc phát hiện những phế tích xưa ở khu vực ven sông vùng Phong Lệ. Trước khi có Bảo tàng Chăm với tuổi đời hơn 100 năm thì tại Phong Lệ từng có một đồn điền của người Pháp chưng đầy những hiện vật của người Chăm. Những ghi chép này cho thấy dấu ấn Chăm rất đậm đà ở khu vực này suốt ngàn năm…

Thế nhưng trong một thời gian dài Đà Nẵng vẫn chật vật trong việc đi tìm một di tích Chăm bản địa. Dù nổi danh với du khách khi có bảo tàng điêu khắc Chăm duy nhất trên thế giới. Vừa ở vị trí đẹp, vừa quy tụ hầu hết cổ vật ở các vùng miền (trong đó có nhiều bảo vật quốc gia) nhưng vẫn còn cảm giác thiếu thiếu. Bởi nếu du khách muốn tìm một di tích gốc, di chỉ bản địa hầu như phải đến Mỹ Sơn. Thành phố thực sự cần một “Bảo tàng Chăm ngoài trời”, “bảo tàng mở” để làm đa dạng cho lịch sử hàng ngàn năm của vùng đất. Chính vì vậy di tích khảo cổ Phong Lệ như là “của hiếm” không những đối với văn hóa lịch sử mà với thành phố trẻ, tìm ra một di tích ngàn năm tuổi như gặp phải chính hồn thiêng quá khứ.

Trải qua nhiều đợt khai quật, triển lãm, hội thảo thì di tích Chăm Phong Lệ đã được xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ vào năm 2021. Tuy nhiên, việc bảo tồn di tích này vẫn còn nhiều bất cập, nhiều cấu trúc của di tích được phát lộ nhưng chưa có biện pháp giữ gìn tổng thể. Chưa kịp khai thác di tích thì nhiều cấu trúc của di tích đang bị tác động xói mòn do các yếu tố môi trường. Dự án đưa ra xác định rõ việc bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó khu vực 1 là nơi bảo tồn, lõi di tích có diện tích hơn 2.600m2. Khu vực 2 là vành đai bảo vệ di tích có diện tích hơn 4.000m2 với các công trình bảo tồn như kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ, hạng mục tường bao bảo vệ, hệ thống cây xanh, không gian cảnh quan tạo vùng đệm bảo vệ di tích.

Riêng khu vực 3 là nơi hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật có diện tích 15.000m2, quy hoạch các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách tham quan, thư giãn, giải trí. Đây chính là không gian “thở” quan trọng nếu khai thác du lịch, để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, các khu dịch vụ, giải khát, bán các sản phẩm truyền thống.

Quay trở lại với câu chuyện “bảo tồn và phát huy”, thật ra dấu ấn người Chăm trên đất Đà Nẵng không chỉ có ở Phong Lệ. Nhiều năm trước các nhà khảo cổ đã phát hiện và bảo tồn phế tháp Hóa Quê và Miếu Bà cùng với giếng cổ Chăm hình vuông… Nhưng việc phát huy và đưa vào khai thác du lịch với các di tích trên còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên đối với Phong Lệ thì tương lai vẫn còn ở phía trước.

Những phát hiện khảo cổ học ở đây chứng tỏ thành phố từng là một trung tâm tôn giáo lớn của người Chăm cổ. Đây chính là “lý lịch trích ngang” hấp dẫn du khách mà những nhà nghiên cứu cho rằng thành phố phải “bắt” lấy ngay để khai thác. Còn nếu nhìn vào bản đồ cả miền Trung, thật sự di tích Chăm Phong Lệ cũng có quá nhiều tiềm năng để phát triển. Bởi không thể tìm đâu ra di tích 1.000 năm ở nơi “đường bộ cũng dễ mà đường thủy cũng xong”, vừa nằm ven sông Cẩm Lệ vừa sát đường thiên lý Bắc-Nam. Quý nhất là dù nằm trong lòng thành phố nhưng quỹ đất xung quanh vẫn chưa bị ai “đụng tới”, vẫn còn không gian để trở thành một quần thể du lịch.

Thành phố đang cần những điểm đến để làm mới mình. Thành phố cũng mong muốn phát triển tuyến du lịch đường thủy để làm sản phẩm tham quan, giải trí ven sông. Với nhiều lợi thế tích hợp như thế, tin rằng một ngày không xa du khách có thể ngược dòng sông Hàn tìm về với di tích Chăm 1.000 năm tuổi, ghé chơi vựa rau La Hường lớn nhất thành phố và thưởng thức tuyến phố đêm ẩm thực Thăng Long…

HÀ CHÂU

;
;
.
.
.
.
.