.

Sách mới, sách hay

.

1. Donald Trump: Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ (Nxb Thế giới) là cuốn sách bán chạy nhất tháng qua của tờ New York Times - Mỹ. Tổng thống vừa đắc cử, trong mùa tranh cử 2016 Donald J. Trump đã lên kế hoạch làm cho nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Theo đánh giá của New York Times, cuốn sách thẳng thắn, gay gắt và hấp dẫn từ đầu đến cuối, đặc biệt, Trump đưa ra những câu trả lời mà nước Mỹ đang tìm kiếm như: Làm sao để bảo đảm an ninh biên giới và chặn dòng người nhập cư ồ ạt vào Mỹ; Làm sao để tạo ra việc làm cho người Mỹ bằng cách buộc Trung Quốc phải tiến hành hoạt động mậu dịch công bằng; Làm sao để trả dứt nợ mà không đe dọa các chương trình lâu đời như an sinh xã hội, chăm sóc y tế và trợ giúp y tế cho hàng triệu người Mỹ…

2. Cũng là một trong những cuốn sách nằm trong top bán chạy nhất tháng qua là ấn phẩm mới nhất của cố tác giả Harper Lee - Hãy đi đặt người canh gác (Nxb Văn học) thông tin từ Nhà sách Nhã Nam cho biết. Cuốn sách kể lại câu chuyện nước Mỹ những năm 1950: Khi làn sóng đòi quyền bình đẳng cho người da đen dâng trào cả nước, còn người da trắng trong vài tiểu bang miền Nam thì tập hợp để cố bảo vệ cái mà họ coi là bản sắc bị tước đoạt của mình… Về thăm nhà như thường lệ, Jean Louise - nhân vật chính của câu chuyện ngỡ ngàng thấy người cha Atticus, vị anh hùng vì lẽ công bình của cô thuở bé, không còn như xưa; người thân, bạn bè lâu năm bỗng dưng xa lạ; thị trấn Maycomb quê hương và chính cô không còn nhận ra nhau. Công lý, đúng sai trở nên nhùng nhằng hơn bao giờ hết, thành trì lương tâm từ thuở ấu thơ vụn vỡ, Jean Louise đã đi tìm một sự thật của riêng mình…

3. Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa - tác giả Phan Thị Vàng Anh (Nxb Trẻ) ghi lại những câu chuyện đượm màu sắc hoài niệm về một Hà Nội cổ xưa: Từ việc dọn nhà, gói bánh chưng ngày Tết, ngày hội thơ trên phố phường… trong sự đối sánh với thời đại ngày nay. Chúng ta được gì và mất gì, làm sao để không bị cuốn trôi đi giữa dòng thông tin hỗn tạp, sự ràng buộc của công nghệ, của mạng xã hội... Và nữ tác giả đã đưa ra câu trả lời cực kỳ đơn giản: “...Facebook thì cũng như nước lọc, tùy ta pha thêm cái gì vào và dùng với tần suất ra sao. Dùng quá thường xuyên thì mất thời gian cứ chốc chốc lại phải chạy vào nhà vệ sinh đi tiểu... Nếu chuyện uống nước nhiều hay ít, uống nước gì, chuyện mặc quần áo gì, mặc ít hay mặc nhiều chúng ta đều có thể dễ dàng tự quyết thì chuyện dùng Facebook ra sao cũng là một hành vi mà người trưởng thành hoàn toàn có thể điều tiết”.

Ngọc Dung

;
.
.
.
.
.