.

Còn mãi với mùa xuân

.

Mai, đào, quất và những loài hoa đẹp như cúc, vạn thọ, thược dược… vẫn luôn theo chân người về khoe sắc ở mỗi nhà những ngày Tết đến, xuân về. Qua những ngày Tết, cây quất vàng rực những quả tròn lúc lỉu mãi ra Giêng đến cả tháng sau quả chín mới rụng dần, và lại có những quả xanh kịp lớn, những bông hoa nở bung tiếp tục đậu quả. Với quất, mùa xuân, mùa Tết ngọt ngào như vẫn còn đâu đây, níu kéo thời gian để làm đẹp lòng người.

Người dân Đà Nẵng chọn mua quất tại khu vực tượng đài đường 2 Tháng 9 đón Tết Đinh Dậu.
Người dân Đà Nẵng chọn mua quất tại khu vực tượng đài đường 2 Tháng 9 đón Tết Đinh Dậu.

Đi dọc đường Ngô Quyền đoạn từ cầu Sông Hàn đến ngã ba Yết Kiêu, ông Nguyễn Thanh Tuấn (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) mới chọn được một cây quất vừa ý. Ông bảo, mấy năm trước phải cỡ 26, 27 tháng Chạp ông mới có thời gian đi chọn mua quất, nhưng năm nay dạo qua mấy chỗ bán hoa, cây cảnh, thấy cây không đẹp như năm ngoái nên phải đi mua sớm.

“Gần hai chục năm nay năm nào nhà tôi cũng chưng một cây quất. Người ta bảo đã chơi quất thì phải “quất từ năm này sang năm khác”, tôi cũng theo ý đó. Thêm nữa là gia đình làm ăn buôn bán nên vợ tôi thích chưng quất với ý mong năm mới ăn nên làm ra”.

Theo chân ông Lê Văn Xuân (phường Nam Dương, quận Hải Châu) sáng một ngày trước khi Tết chạm ngõ mới thấy sự kỹ lưỡng, khắt khe của những người chơi hoa, cây cảnh. Ông bảo, đi mua cây cảnh thì đi xe máy là đủ, không cần phải đi ô-tô, vừa khó kiếm chỗ để xe, vừa không “cơ động” để đi từ khu vực này sang khu vực khác kiếm được một cây ưng ý, và đằng nào cũng phải thuê ô-tô chở cây về. Trước khi chọn được một cây quất đẹp, quả vừa chín tới, có cả quả xanh, ông Xuân phải “nghía” qua hai chỗ trưng bày quất ở chợ hoa Xuân đường 2 Tháng 9. 

Ông chia sẻ kinh nghiệm: Một cây quất đẹp thì trước hết lá phải to, xanh đậm và bóng mượt; quả quất phải đều, căng mọng, quả vừa chín tới chứ đừng chín quá, bên cạnh quả chín phải có quả xanh để những ngày Tết nó chín là vừa.

Ngoài ra, cây còn phải có nhiều nụ, lộc non thì mới để lâu được. “Thường thì phải sau rằm tháng Giêng tôi mới đưa cây quất ra sân, bởi lúc đó nhiều quả chín lâu bắt đầu rụng, lá cũng rụng bớt, dù hoa vẫn nở nhưng để trong nhà chừng ba tuần rứa là được rồi. Mấy năm nay có người đi mua cây cũ chứ hồi trước toàn vứt ra xe rác, kể cũng phí. Cách đây 5-6 năm tôi có đưa ra đất trồng thử một cây, đến giờ cây vẫn cho quả nhưng hình dáng cây không đẹp như mình mua của nhà vườn, không đem vô nhà chưng Tết được”.

Chủ một vườn quất trưng bày tại Hội hoa Xuân 2017 ở đường 2 Tháng 9 hướng dẫn: để chọn một cây quất đẹp, trước hết quả phải tròn, to, xen với quả chín vàng nên có quả xanh để đến thời điểm Tết sẽ có quả mới chín tới; cây phải có búp, nụ; gốc cây là loại gốc một; giữa các cành không phải cột dây, để các cành mọc tự nhiên.

“Những cây quất lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Hầu như những người sành về cây cảnh đều nắm được các bí quyết đó để chọn cây. Và các thương lái bán quất ở khu vực đường 2 Tháng 9 đều chọn những cây “đạt chuẩn” như thế để giới thiệu với khách hàng. Vì ở đây có thể bán giá cao hơn một số nơi bán dọc vỉa hè, người đến đây mua cây cũng kén chọn hơn vì với họ nhiều khi tiền nhiều ít không quan trọng, chủ yếu là mua được một cây ưng ý”, một người buôn hoa cho biết thêm.

Theo quan niệm của người Việt, cây quất tượng trưng cho sự thu hoạch “bội thu” và cũng là một khởi đầu cho năm mới tốt đẹp. Vào dịp Tết, những cây quất quả vàng xum xuê, lá xanh tốt được nhiều gia đình lựa chọn bài trí trong nhà với mong muốn khởi đầu một năm mới tốt đẹp, mang lại niềm vui và may mắn cả năm cho gia đình.

Với người kinh doanh, người ta cho rằng đặt cây quất ở văn phòng hoặc cửa hàng sẽ đem lại cát khí lớn lao, sự đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc. Ngoài ra, cây quất nếu đọc theo âm Hán Việt thì “quất” gần giống âm của từ “cát” (cát tường-may mắn) nên được chọn cho những loại cây đem lại điều tốt đẹp cho con người. Còn theo quan niệm dân gian thì cành quất trĩu quả là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên, thể hiện sự sum vầy của nhiều thế hệ trong gia đình.

Những ngày này khi “ba ngày Tết” đã qua đi, mỗi người trở lại cuộc sống thường ngày với nhịp điệu ổn định như trước, khi trái cây bánh kẹo bày trên bàn thờ đã hạ sau ngày tiễn đưa ông bà, những đóa hoa chưng trong bình không còn tươi tắn như ban đầu, nhưng bông mai vàng, đào phai cũng rụng lả tả dưới cành, thì cây quất vẫn mang vẻ tươi tắn, rực rỡ như nó vốn có.

Có thể bởi quất tươi lâu, quả xanh sẽ chín, hoa sẵn sàng xòe cánh nên mỗi nhà vẫn thích chưng quất. Nó làm cho không khí Xuân như ngưng đọng bên phòng khách, khi hạt dưa, mứt gừng vẫn tiếp tục được nhâm nhi. Màu vàng rực rỡ của những quả quất cũng đồng điệu với màu nắng ngọt ngào của mùa Xuân trước sân nhà, khiến lòng người thấy ấm áp, nghĩ nhiều hơn về những niềm vui. Bởi thế việc chia tay cây quất cũng vấn vương hơn, lâu hơn những hoa lá khác.

Thường là sau ngày rằm tháng Giêng, có nhà đến hết tháng Giêng mới bỏ chậu quất ra ngoài. Cũng ít người có thời gian chăm cây nên các nhà vườn bắt đầu đi thu mua cây cũ, với giá vài trăm nghìn một gốc. Khi cây về với chủ vườn, sẽ được cắt sát gốc, bón phân và chăm sóc, rồi sẽ lên nhánh, thành cây, đậu quả vào cỡ tháng 7, 8, rồi bắt đầu cho quả chín vào cỡ trước tháng Chạp không lâu.

Cứ thế, quất sẽ theo một vòng đời mới, để tiếp tục được chọn, được ngắm, được nâng niu dưới một mái nhà ấm cúng nào đó… Cây tiếp tục nảy lộc, đâm chồi. Ngắm quất, lòng người thầm nghĩ: thấy quất là thấy mùa Xuân, và cây tràn trề sức sống sẽ rất bền, rất lâu khi ở lại ngắm Xuân với người!

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.