.

Nghĩ lúc Khỉ đang qua Gà đang đến…

.

Lúc “Khỉ đang qua Gà đang đến” là thời khắc giao thừa giữa năm cũ Bính Thân và năm mới Đinh Dậu. Tĩnh tâm ngồi ngẫm nghĩ về những vui buồn của một năm Đà Nẵng để rồi hy vọng vào tương lai cũng là điều nên làm của mọi người dân thành phố bên sông Hàn này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Với cái nhìn của người làm sử, tôi cho rằng Đà Nẵng năm Bính Thân có nhiều niềm vui. Trước hết là vị thế thành phố động lực của Đà Nẵng ngày càng được khẳng định. Bằng chứng là vào cuối năm 2016, Đà Nẵng chính thức được giao sứ mệnh thay mặt cả nước và cùng cả nước đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Điều này cũng gián tiếp khẳng định cách đây mười năm Đà Nẵng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đăng cai tổ chức Hội nghị quan chức Cao cấp APEC lần thứ ba - khi Hà Nội đăng cai tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2006.

Càng vui hơn khi Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà được chọn làm hình ảnh nhận diện Đà Nẵng - cũng là thông điệp về quyết tâm xây dựng thành phố môi trường của người Đà Nẵng gửi đến các nước thành viên APEC - tại sự kiện ngoại giao quan trọng này.

Theo quy luật thời gian, chẳng ai giữ được năm Bính Thân đang một đi không trở lại, nhưng chắc chắn người Đà Nẵng sẽ bảo tồn mãi mãi loài linh trưởng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất cao ở Núi Khỉ/Monkey Mountain - theo cách gọi của quân viễn chinh Mỹ vào thập niên 1960.

Vị thế thành phố động lực của Đà Nẵng còn được khẳng định qua sự kiện Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2016/NĐ-CP hồi tháng 11 năm 2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố bên sông Hàn, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của Đà Nẵng, tạo thêm điều kiện để Đà Nẵng đủ khả năng phát huy cả sức thu hút lẫn sức lan tỏa của một trung tâm.

Năm Bính Thân cũng là một năm được mùa của di sản văn hóa Đà Nẵng. Tháng 11 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật hô/hát Bài chòi dân gian ở thành phố Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là lần thứ ba Đà Nẵng có di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh ở cấp quốc gia - lần thứ nhất là Nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước vào năm 2014 (Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL) và lần thứ hai là Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng ở Đà Nẵng vào năm 2015 (Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL).

Năm Bính Thân cũng là năm khởi-sắc-chưa-từng-có của hai di tích Hải Vân quan và Thành Điện Hải. Gác lại một bên những vướng mắc về phân định địa giới hành chính, lần đầu tiên cả Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đã đồng lòng chung tay góp sức lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận Hải Vân quan là di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia.

Trước đó Đà Nẵng cũng đã lập hồ sơ đề nghị công nhận bộ sưu tập súng thần công Thành Điện Hải là bảo vật quốc gia. Cũng chưa năm nào mà Thành Điện Hải liên tục được “giải cứu” như năm  Bính Thân: Trong vòng chưa đầy hai tháng, lãnh đạo thành phố liên tiếp đưa ra các quyết định rất được lòng dân: Dừng xây dựng Trung tâm Lưu trữ thành phố tại vị trí đã quy hoạch trước đây ở sát bờ tường phía bắc thành, di dời 71 hộ dân đang ở sát bờ tường phía tây thành đến nơi định cư mới, chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về tòa nhà số 42 Bạch Đằng - cũng là một di tích lịch sử, một bảo tàng ngoài trời với phong cách kiến trúc cho đến nay vẫn chưa hề lạc hậu. Còn có thể kể thêm nhiều niềm vui nữa…

Tuy nhiên chia tay năm Bính Thân, bên cạnh những niềm vui, người Đà Nẵng cả nghĩ không thể không cảm thấy buồn lo trước một số trở lực đang tác động đến tiến trình phát triển của thành phố. Trở lực đầu tiên phải kể đến là vấn đề an ninh nguồn nước - một loại an ninh phi truyền thống.

Gần đây có một đề xuất từ giới khoa học rằng, Đà Nẵng có thể phấn đấu để trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam có nước vòi uống được. Thế nhưng muốn bảo đảm an ninh nguồn nước thì không chỉ phấn đấu có nước vòi uống được - tức là bảo đảm an ninh về chất lượng của nguồn nước, mà còn phải phấn đấu để có đủ lượng nước cần thiết, không khô hạn vào mùa nắng/không lũ lụt về mùa mưa - tức là bảo đảm an ninh về số lượng của nguồn nước.

Với Đà Nẵng, an ninh nguồn nước không chỉ bị uy hiếp trên đường từ sông ra biển mà còn bị uy hiếp trên đường từ biển vào sông. Đó chính là tình trạng nhiều năm qua - chứ không chỉ năm khỉ Bính Thân, các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn liên tục chặn dòng, không trả nguồn nước về hạ du, dẫn đến Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi sản xuất nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của thành phố Đà Nẵng - gặp nhiều khó khăn, nhiễm mặn với mức độ năm sau cao hơn năm trước. Và biển không chỉ gây nhiễm mặn ở Cầu Đỏ, biển còn gây sạt lở vùng bờ ở Nam Ô.

Đó là chưa kể thảm họa môi trường biển mang tên Formosa ở vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cũng tạo nên những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của một nơi từng được đánh giá là có bãi biển quyến rũ nhất hành tinh như Đà Nẵng - ít ra là về mặt
tâm lý.

Lúc “Khỉ đang qua Gà đang đến”, người cả nghĩ còn nghĩ cả câu chuyện gộp Tết ta vào Tết tây theo đề xuất gần đây của một số nhà khoa học. Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng gộp Tết ta vào Tết tây là phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu hóa, rằng không lo làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa dân tộc, bằng chứng là người Nhật vốn nổi tiếng về giữ bản sắc văn hóa dân tộc nhưng đã sớm tiên phong trong việc chỉ ăn Tết dương lịch.

Thực ra điều cốt lõi của hội nhập quốc tế là lòng khoan dung về văn hóa, là sẵn sàng chấp nhận cái khác mình, là khả năng từ bỏ những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời, chứ không chỉ là nói lời chia tay với cái Tết cổ truyền - mặc dầu muốn nói lời chia tay với cái Tết cổ truyền thì trước hết phải có khả năng từ bỏ những tư duy quen thuộc song đã lỗi thời.

Gộp Tết ta vào Tết tây mà thiếu lòng khoan dung về văn hóa - kiểu khư khư “ao nhà vẫn hơn” - thì cũng vô nghĩa. Đó là chưa kể thời điểm ăn Tết còn phải thuận theo thời tiết tự nhiên thì mới gọi là có hương vị Tết. Năm Bính Thân do biến đổi khí hậu toàn cầu - thực chất cũng là nhân tai chứ không phải thiên tai đơn thuần - lần đầu tiên người Việt thấy ông cha xưa nói thiếu chính xác vì sau hăm ba tháng mười mà miền Trung vẫn lũ chồng lên lũ, nhưng nhìn chung hoa Tết vẫn nở vào những ngày cuối tháng Chạp đầu tháng Giêng âm lịch.

Điều đáng lo buồn nhất theo tôi không phải là câu chuyện gộp hay không gộp Tết ta vào Tết tây mà chính là câu chuyện Tết ta đang có chiều hướng bị kéo dài quá mức cần thiết - kiểu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” -  không phù hợp với khả năng chịu đựng của nền kinh tế đất nước và của đông đảo người dân hiện nay, nhất là đang có chiều hướng bình thường hóa/giải thiêng - kiểu “một ngày như mọi ngày” - khiến cho ngày Tết không còn mang ý nghĩa là thời điểm đoàn tụ gia đình, khiến cho việc xa nhà vào đúng ngày Tết cổ truyền từ chỗ là nỗi sầu lữ thứ tha hương đã trở thành niềm vui tự chọn của người đi du lịch.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.