.

Những gánh hàng từ phố Hội

.

Đi khắp các chợ ở Đà Nẵng, hầu như chợ nào cũng có những người từ Hội An ra buôn bán. Hàng hóa của họ thường chiếm một vị trí nhỏ gọn đủ để bày biện ít bó  rau muống, cải, mồng tơi hay thau hến phủ hành xanh, ớt đỏ; giỏ bắp luộc, kèm chả, bánh chưng. Có chợ, còn có cả cao lầu tươi, bánh ú tro bán thường xuyên… Nhiều người bán dù đã lớn tuổi, nhưng ngày ngày vẫn chạy chợ Đà Nẵng từ sáng sớm như một mối duyên không bỏ được.

Gắn bó với chợ An Cư 30 năm có lẻ, vợ chồng ông Vân-bà Bích đã xóa nhòa cảm giác là dân “nhập cư” khi buôn bán tại đây. Ảnh: Q.T
Gắn bó với chợ An Cư 30 năm có lẻ, vợ chồng ông Vân-bà Bích đã xóa nhòa cảm giác là dân “nhập cư” khi buôn bán tại đây. Ảnh: Q.T

Nhiều năm nay, những tiếng rao như: “Bắp đây, bánh chưng đây, chả đây” hẳn đã quen thuộc với người dân thị thành. Chỉ cần nghe tiếng rao ấy là biết thức quà từ Hội An đến.

Ông Văn Hồng Vân (60 tuổi, tổ 2 Thanh Đông, Cẩm Thanh, Hội An, hiện buôn bán tại chợ An Cư, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) đã 30 năm mưu sinh trên đất Đà Nẵng trải lòng: “Hội An trước kia không có trường đại học cũng như ít công ty, xí nghiệp nên lớp thanh niên lớn lên đều đi nơi khác làm ăn, chỉ còn người già, trẻ nhỏ ở lại. Chúng tôi thuộc lớp người “lỡ cỡ” nên chỉ biết sống nhờ vào sản vật quê nhà. Khi đem thức quà Hội An ra phố cũng chẳng biết chọn cố định địa điểm nào để bán. Nhưng nguồn sống gặp đâu hay đó, khi xe tôi ra đến đây (khu vực chợ An Cư) thì được bà con thương tình mua nhiều nên tôi gắn bó từ đó đến bây giờ”.

Ông Vân nói thêm, ông không dám nhận hàng của mình là chất lượng nhưng bà con ủng hộ mua nhiều là vì thương ông ở cái tính thật thà.

Từ Hội An ra đến địa phận Đà Nẵng là 30 cây số nhưng vợ chồng ông Vân-bà Bích chỉ mới tậu được chiếc xe cúp cách đây 10 năm. 20 năm trước ông bà đi xe đạp, mỗi người mỗi chiếc với 2 sọt hàng nặng trĩu hai bên. Thời điểm đó, ông bà chia nhau đi bán dạo quanh khu phố này, thân thuộc đến nỗi nhớ mặt, nhớ tên nhiều cô cậu học trò mà giờ đây đã là những ông bố, bà mẹ.

Cách đây 6 năm, ông bà thuê được một sạp hàng trong chợ, chấm dứt chuỗi ngày rong ruổi. Bà Bích kể vui, bao nhiêu năm buôn bán ở đây quen thuộc đến nỗi gia đình các tiểu thương trong chợ có đám đình gì đều mời vợ chồng bà và ngược lại, bà cũng mời các tiểu thương thân thiết về Hội An khi có giỗ quảy, cưới hỏi.

Không may mắn có được một sạp hàng trong chợ như vợ chồng ông Vân-bà Bích, chị Thúy (tổ 1 Cẩm Nam, hiện bán tại chợ Cây Me, đường Trần Bình Trọng) vẫn chỉ bày thức quà Hội An trên chính chiếc xe máy của mình.

Thấm thoắt chị đã gắn bó với chợ Cây Me được 7 năm. Ngày đó, khi theo chân những người dân Hội An ra Đà Nẵng buôn bán, chị cũng chỉ dám nghĩ là sẽ chọn những chợ nhỏ nhỏ ở ngoại ô chứ không dám vào khu vực trung tâm vì sợ cạnh tranh không nổi. Thế nhưng, khi ra đến đây, vì đi sau nên các chợ nhỏ đều đã có vài ba hàng Hội An bán trước, chị đành liều qua chợ trung tâm bán thử.

Chính sự chân quê, thiệt thà của chị đã khiến người thành phố tin cậy. Đến nay, sau nhiều năm chạy chợ, chị đã quen thuộc với lối mua-bán thị thành. Thậm chí, Đà Nẵng tuy là nơi đất khách nhưng chị còn quen thân hơn cả Hội An.

Những gánh hàng Hội An đa phần bán những sản vật giống nhau. Từ các loại rau sống đến rau ăn như muống, cải, mồng tơi rồi hến, bắp, chả, bánh chưng, tét, các loại bánh khô, nổ, tổ, ú tro, cao lầu… mùa nào thức nấy. Ông Vân cho biết, các sản vật cứ xoay vần theo quy luật tự nhiên. Nếu thuận trời thì mùa bắp sẽ bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến hết tháng 8 âm lịch. Ra Giêng sẽ bắt đầu mùa ốc gạo, đến tháng 3, đầu tháng 4 là hết mùa ốc.

Tết Đoan ngọ sẽ bán bánh ú tro, lai rai đến hết tháng 8. Trong mùa hè sẽ bán xoa xoa, lường phảnh (cũng giống xoa xoa nhưng nguyên liệu chính làm nên món này là từ cây lường phảnh, tên gọi này có nguồn gốc từ Trung Quốc, món này ăn giải nhiệt mùa hè-PV).

Từ tháng Chạp sẽ bán thêm khoai, sắn cho đến hết tháng 2 (đây là mùa cúng đất). Gần Tết sẽ có các loại bánh cổ truyền như in, tổ, nổ, chưng, tét… Bên cạnh những thức quà truyền thống, hiện nay, một số hàng Hội An còn bán các loại tôm sông, cá sông (thường là cá đối) để làm phong phú thêm cho sạp hàng của mình. Sạp hàng bà Dinh (tổ 5, Cẩm Nam, hiện bán tại chợ Bắc Mỹ An, phường Mỹ An) nhiều năm nay là địa chỉ quen thuộc để các bà, các chị có thể mua tất tần tật từ các loại rau đến mướp, bầu, bí, cá, tôm…

Bà Dinh và em gái của mình từ 4 giờ sáng đã phân công nhau, người đi thu mua rau củ quả tại vườn nhà dân (là những người hàng xóm tự trồng rau sạch), người lên chợ Hội An mua thêm các loại bánh, trái… để kịp ra đến chợ Đà Nẵng là 6 giờ sáng.

Thông thường, những gánh hàng từ Hội An chỉ bán một buổi, cho nên họ sẽ bán đến quá trưa mới dọn hàng về. Đến tầm 1-2 giờ chiều sẽ có những xe Hội An khác tiếp nối. Đa phần, những xe hàng này chỉ bán những mặt hàng “ăn ngay” như bắp luộc, chả, bánh chưng.

Không thể có số liệu cụ thể liệu đất Đà Nẵng đã “cưu mang” bao nhiêu con người buôn thúng bán bưng của Hội An, thế nhưng, chỉ cần dạo một vòng các chợ hay chiều lại nghe tiếng rao gọi mời mua bắp nóng của những xe hàng rong là đủ ước lượng, số người Hội An ra Đà Nẵng mưu sinh không thể là con số nhỏ. Họ cần mẫn, gắn bó với đất Đà thành, góp phần tô điểm thêm cho sự sinh động của một đô thị đang lên.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.