.

Cuộc hội ngộ sau 44 năm

.

Tôi vào chiến trường Khu 5 cuối năm 1969 và công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng miền Trung Trung bộ. Hồi đó lực lượng văn nghệ Khu 5 còn rất mỏng. Tổ Văn - Thơ chỉ có anh Vương Linh làm Chủ tịch Hội, cùng các anh Chu Cẩm Phong,  Dương Hương Ly và Cao Duy Thảo. Tôi vào bổ sung cho Tổ Mỹ thuật lúc đó đã có anh Trần Việt Sơn và anh Hà Xuân Phong. Họa sĩ kiêm thi sĩ Hồng Chinh Hiền đã ra Bắc chữa bệnh từ đầu năm 69. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ca sĩ Thanh Đính ở Tổ Âm nhạc. Đạo diễn Hiền Minh, đạo diễn Thanh Phước, diễn viên múa Phương Anh ở Tổ Múa. Anh Thông quản lý, cô Tam chị nuôi, chị Kim Chi y tá ở Tổ Hành chính.

Bức ký họa Đoàn Thị Tứ năm 1972.
Bức ký họa Đoàn Thị Tứ năm 1972.

Năm ấy chiến trường Khu 5 đói to, gạo miền Bắc không vào được vì đường dây 559 bị địch đánh phá ác liệt. Chúng tôi vừa làm chuyên môn, vừa phải đi làm rẫy trồng sắn, trồng bắp, trồng lúa để tự túc lương thực. Hồi đầu năm 1970 tới hết năm 1971 là vất vả nhất.

Có lúc chúng tôi phải ăn cả củ móng ngựa, ruột cây dớn hoặc măng rừng chấm muối trừ bữa. Tôi và 5 anh chị em ở Đoàn Tuồng Khu 5 bị say nấm cũng trong thời gian này. Trận ấy anh Ân nhạc công và anh Cựu diễn viên bị chết vì ngộ độc nấm, tôi và vợ chồng anh Nông, chị Nhường được các các y bác sĩ ở Bệnh viện 2 của Khu tận tâm cứu sống.

Những lần đi công tác Quảng Ngãi (1971), rồi Đắc Tô, Tân Cảnh (1972), tôi đã vẽ được khá nhiều ký họa. Nhưng ấn tượng nhất và cũng vẽ được nhiều nhất là chuyến đi công tác Quảng Đà cuối năm 1972. Tôi về các xã ở huyện Duy Xuyên để vẽ về phong trào du kích và dân bám trụ quê hương, không chịu vào các khu dồn dân của chính quyền Ngụy lúc đó.

Một buổi chiều nhập nhoạng tối, họa sĩ Đức Hạnh được Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Đà phân công đón tôi về Vùng B Đại Lộc, ở đó tình hình yên ổn hơn, ít bom pháo hơn ở Duy Xuyên. Họa sĩ Đức Hạnh nói giọng Nghệ An đặc sệt.

Anh vào Quảng Đà cùng với họa sĩ Phạm Hồng và họa sĩ Nguyễn Thế Vinh từ năm 1967. Họa sĩ Đức Hạnh đưa tôi lội ruộng nước gần tới thắt lưng để qua bến đò Giảng Hòa rồi vào chợ Mỹ Thuận. Sau đó, anh đưa tôi vào Đại đội biệt động Lê Độ, lúc đó đơn vị đang đóng quân ở vùng Khe Rằn, Đại Lộc, gần Dốc Gió, lối đi Thành Mỹ. Đó là những ngày giáp Tết năm 1972.

Đây là Đội biệt động mang tên người Anh hùng Lê Độ, người con dũng cảm, kiên cường của đất Quảng anh hùng. Họ còn rất trẻ, nhưng đã đánh hàng trăm trận và lập được nhiều chiến công vang dội khiến cho quân Mỹ, ngụy hoang mang, điên đầu và tổn thất nặng nề.

Tôi đã vẽ chân dung nữ biệt động Đoàn Thị Tứ, lúc ấy Tứ vừa tròn 17 tuổi, tóc cắt ngang vai. Đồng đội của Tứ, như Thái Hùng, Minh, Lan, Thúy, Mười, Bông... tất cả vẫn còn dáng dấp của các cô cậu học sinh trung học. Tết năm đó, tôi ăn Tết cùng với các anh chị em, cũng có bánh tét, giò heo... nhưng vẫn có đơn vị đi tác chiến. Đêm nằm nghe tiếng súng, tiếng lựu đạn, tiếng B40 vang rền trong huyện lỵ, trong thành phố, anh chị em lại bảo nhau: Đêm nay đội Thái Hùng đánh, tiếng AK phát một là của Minh đấy, còn tiếng lựu đạn ầm ầm là của các chiến sĩ nữ đánh chặn để anh em rút lui...

Năm 1975, miền Nam giải phóng. Anh chị em Đại đội Lê Độ mỗi người một nơi. Nhiều lần vào công tác Đà Nẵng, tôi cũng cố ý đi tìm xem ai còn, ai mất, nhưng không tìm được ai trong Đại đội này, nơi mà tôi đã ghi được hình ảnh của những chiến sĩ quả cảm, anh hùng.

Dịp năm ngoái vào Tam Kỳ làm cuốn sách “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến”, tôi có nói ý nguyện này với một số nhà văn, nhà báo của Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam, chỗ nhà văn Nguyễn Bá Thâm, nhạc sĩ Hoàng Bích và nhà báo Quế Hà...

Tháng 10 năm 2016, tôi nhận được một cuộc điện thoại, giọng Khu 5 nằng nặng:

- Anh có phải là Họa sĩ Giang Nguyên Thái không?

- Dạ vâng, có việc gì đấy ạ?

- Anh Thái ơi, em là Học ở Biệt động Lê Độ đây. Em đang ở Bình Định.

Em đọc bài ở Báo Gia đình và Pháp luật, biết anh đang đi tìm bọn em. Anh ơi, Tứ, Hùng và nhiều anh chị em vẫn đang ở Đà Nẵng...

Tôi xúc động và quá bất ngờ. Chúng tôi hẹn nhau một cuộc gặp ở Đà Nẵng.

Một tháng sau, Ban Liên lạc anh chị em Kháng chiến Khu 5 tại Hà Nội thực hiện một bức tượng đồng vàng, chân dung Chủ tịch Võ Chí Công – người mà trong kháng chiến, anh em chúng tôi vẫn gọi thân mật là anh Năm Công – để tặng Nhà Lưu niệm Chủ tịch ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sau lễ bàn giao, tôi quay ra Đà Nẵng. Thái Hùng và Học đón tôi. Anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Anh em bảo, họ đọc bài báo của tôi viết về họ cho nhau nghe trên điện thoại và đã khóc, rồi tìm rất nhiều cách để có thể liên lạc được với tôi…

So với bức ký họa tôi vẽ, Đoàn Thị Tứ vẫn còn có nét của những năm 1972, tuy thời gian đã 44 năm qua, nhưng nhìn cô, là có thể nhận ra ngay cô đội viên biệt động ngày ấy! Sau giải phóng, họ được chuyển sang lực lượng Công an thành phố, một số anh em được đi học, số làm cán bộ chỉ huy, giờ cũng đã nghỉ hưu hết cả.

Trong một bức tranh khác, tôi vẽ ba cô đội viên biệt động. Thái Hùng bảo: “Cô áo đỏ nếu em nhớ không nhầm là Trần Thị Chiến. Sau ngày anh về vẽ, Chiến đã bị địch bắt, chúng đánh đập, tra khảo dã man và trói em rồi cho lên xe chạy rong khắp thành phố.

Chúng còn đưa cả cha mẹ em đến, nhưng Chiến lắc đầu không nhận. Biết không khuất phục được người nữ chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, chúng hèn hạ cắt tai, xẻo ngực, giết em rồi đem bêu ngoài chợ huyện.

Sau này Nhà nước đã phong tặng Danh hiệu Anh hùng cho em, một đội viên biệt động dũng cảm đã đánh nhiều trận, lập được nhiều chiến công và đã anh dũng ngã xuống vì Tổ quốc”. Tôi nói với Thái Hùng, với Học, với Minh và các em trong đội, nếu đúng cô gái trong bức ký họa đó là Trần Thị Chiến thì các em hãy chụp lại, phóng ra rồi tặng gia đình em.

Với sự hy sinh thầm lặng cùng những chiến công vang dội của mình, các chiến sĩ lực lượng Đại đội Biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng đã đóng góp rất lớn cho công cuộc giải phóng Đà Nẵng, giải phóng niền Nam, thống nhất đất nước. Những nét vẽ của tôi ngày ấy, cũng chỉ gửi theo một mong muốn rằng, thế hệ mai sau, sẽ không bao giờ quên hình ảnh dũng cảm, kiên cường của những chiến sĩ biệt động Đà Nẵng.

GIANG NGUYỄN THÁI

;
.
.
.
.
.