.

Đẹp hơn trong mắt mọi người

.

Mặc đẹp được xem là cách tôn trọng mình và tôn trọng những người xung quanh. Những người làm việc ở công sở ngày nay, coi trọng thời trang không kém thái độ, tác phong trong công việc.

Đồng phục của nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh, Tổng Công ty Sông Thu. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đồng phục của nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh, Tổng Công ty Sông Thu. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tự tin mặc đẹp

Mỗi sáng ra khỏi nhà với bộ quần áo ưng ý sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin, phấn khởi hơn rất nhiều. Đó là hiệu ứng từ việc có một diện mạo đẹp, không chỉ giúp tạo ấn tượng tốt với đồng nghiệp, mà còn giúp bạn tự tin và làm việc hiệu quả hơn. Từ tâm lý đó ngày càng có nhiều cán bộ, công chức làm việc ở công sở chăm chút hơn đến dáng vẻ bên ngoài.

Nhiều chủ cửa hàng thời trang cho rằng, nếu môi trường làm việc của người làm ở văn phòng, công sở, có đông người hoặc phải tiếp xúc với khách hàng, với người dân thì yêu cầu bạn có cách ăn mặc lịch sự, chỉnh chu. Lúc đó những chiếc áo sơ mi cài cúc, quần tây, váy bút chì, áo len dệt kim, áo kiểu nữ tính, váy dài đến đầu gối… có thể giúp cho người mặc một phong cách lịch sự mà vẫn bảo đảm đẹp hài hòa. Còn với người làm công việc sáng tạo thì hãy chọn cho mình những trang phục thoải mái, như quần ống rộng, các bộ váy nhiều màu sắc, có họa  tiết nhưng không quá lòe loẹt. Và điều quan trọng nhất nếu bạn quan tâm đến thời trang, là trang phục phải luôn phù hợp với hoàn cảnh, văn hóa; chú ý đến ba yếu tố: phù hợp với bản thân, phù hợp với môi trường và phù hợp với đối tượng tiếp xúc.
Chị Hồ Bách Thu Nguyên, làm việc ở Tổng Công ty Sông Thu bày tỏ quan điểm: Tôi nghĩ thời trang công sở khá quan trọng trong ấn tượng đầu tiên của khách hàng hay đối tác khi họ đến làm việc với công ty chúng tôi. Một nhân viên trong trang phục gọn gàng, hợp thời trang sẽ khiến khách hàng, đối tác cảm thấy được tôn trọng; những bộ trang phục đẹp cũng phù hợp trong việc giao tiếp, bàn bạc, đàm phán. Trang phục công sở không cần thiết phải đẹp quá xuất sắc mà chỉ cần gọn gàng, phù hợp. Mỗi ngày đi làm cần dành ra 5-10 phút để chuẩn bị trang phục trước khi đến nơi làm việc. Nếu được, các cơ quan, công ty nên đề xuất đồng phục cho nhân viên, sẽ tạo sự đồng bộ, ấn tượng và thuận tiện cho nhân viên khi làm việc.

Đồng phục của nhân viên nữ Tổng Công ty Sông Thu là bộ áo vest mặc ngoài, kèm với áo trắng, váy đen. Riêng nữ nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh tự chọn may đồng phục là bộ váy màu tím than rất nhã nhặn và tự đề ra ngày mặc đồng phục hằng tuần và vẫn dành một vài ngày trong tuần mặc trang phục tự chọn. Chị Phạm Ngọc Quỳnh (nhân viên của công ty) cho rằng, đồ đi làm không cần quá đắt tiền, chỉ cần bằng chất liệu vải cotton mềm, màu sắc nhã nhặn. Và những bộ váy liền, hoặc váy rời, đi kèm với áo vest màu sắc hài hòa nữa là mỗi bạn nhân viên đã có một bộ cánh dễ nhìn.  

Thời trang nói lên: bạn là ai

Thời gian ở công sở chiếm phần lớn trong một ngày của mỗi người. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, cùng với việc các nhãn hàng thời trang phát triển mạnh, nhiều người dành sự quan tâm, chăm chút cho bộ trang phục khi đi làm, phù hợp với xu hướng thời trang của từng thời kỳ.

Chị Nguyễn Thị Sáu Hạnh, nhân viên văn phòng đại diện tại Đà Nẵng của Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh cho biết, đồng phục của nhân viên là áo trắng, quần/váy đen, vest đen, cà-vạt màu ghi (nếu đến tòa án) và mặc từ thứ hai đến thứ năm mỗi tuần. Theo chị Sáu Hạnh, việc mặc đồng phục trước hết nó tạo sự chuyên nghiệp cho một văn phòng luật; về mặt cá nhân, đồng phục giúp nhân viên tự tin hơn: “Khi khách hàng đến làm việc, chưa nói về mặt nội dung, mới chỉ nhìn về mặt hình thức họ sẽ nhận thấy được sự nghiêm túc và chuyên nghiệp trong đó. Bản thân mình cũng rất tự hào vì được sống trong môi trường chuyên nghiệp đó. Chính điều này không chỉ giúp mỗi người đẹp, chuyên nghiệp,  giúp nâng một văn phòng luật sư lên một bước và hỗ trợ xây dựng thương hiệu rất nhiều”.

Như vậy là bộ trang phục đã góp phần tạo nên hình ảnh chuyên nghiệp và là yếu tố đầu tiên nói lên bạn là ai. Tùy theo ngành nghề mỗi người có chọn những bộ trang phục phù hợp. Với người làm về tài chính hay hành chính thì trang phục cần sự nghiêm túc, đứng đắn để tạo lòng tin nơi khách hàng; với người làm về thời trang nên ăn mặc thể hiện được cá tính riêng. Và sự tinh tế, chỉnh chu trong trang phục cũng nói lên bạn là người gọn gàng, ngăn nắp; tác phong nhờ đó cũng nâng lên một bậc. Anh N.T.T, làm việc ở Sở Tài nguyên-Môi trường cho rằng, thời trang là điều mà mỗi người nên quan tâm, để có lựa chọn phù hợp. Với phụ nữ thì có thể “đa phong cách”, còn đàn ông thì chỉ cần mặc áo sơ-mi, quần tây vừa vặn, và ủi thẳng thớm khi đi làm. Nên tránh mặc đồ nhàu nát, hay có vết bẩn, vì chỉ cần một vài lần “đàn ông nhìn không chỉnh chu là bị chị em góp ý ngay. Do đó mặc đẹp cũng là làm đẹp cho mình và cho mọi người xung quanh”.

Các nhãn hiệu thời trang dành cho nam giới không nhiều, nhưng mỗi bộ cánh dành cho đàn ông thường đúng chuẩn, đẹp về màu sắc, chất liệu cũng như kiểu dáng. Chị Trần Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm thời trang, Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ cho biết, bên cạnh nhãn hàng thời trang Hòa Thọ, từ năm 2011 đến nay, công ty ra đời nhãn hàng thời trang nam Merriman dành cho lứa tuổi từ 30-55, dành cho giới văn phòng. Trang phục thiết kế có độ ôm vừa phải, định hình theo phong cách Anh, tạo sự thoải mái cho người mặc (form slim dành cho người trẻ và form classic dành cho người trung niên). Nhiều năm qua, nhãn hàng Merriman đón đầu kiểu dáng thiết kế cũng như chất liệu, tạo ra nhiều giải pháp hữu ích cho sản phẩm, giúp thị phần nội địa tăng trưởng từ 25-30% mỗi năm.

Ở Đà Nẵng, chỉ có riêng UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà dành thêm 300.000 đồng/người/tháng cho nhân viên nữ mua thêm mỹ phẩm, để làm đẹp hơn khi đến công sở. Và nhân viên bộ phận một cửa (32 sở, ngành, 1-2 nhân viên mỗi điểm giao dịch) ở Trung tâm Hành chính thành phố được thành phố trang bị đồng phục để mặc vào các ngày thứ hai, tư và sáu mỗi tuần. Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, hiện nay mọi công sở đều tuân theo bộ Quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ. Văn hóa công sở chủ yếu nhấn mạnh đến vấn đề giải quyết hồ sơ đúng hẹn, hiệu quả, chứ chưa đề cập cụ thể đến trang phục. Mỗi công sở thì có quy ước chưa thành văn bản như trang phục không quá mỏng, chật, hở hang, yêu cầu ưa nhìn và đẹp. Hiện chưa có chuẩn mực về trang phục công sở dành cho các cơ quan, đơn vị. Yêu cầu mỗi cơ quan tạo ra bản sắc riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực; đối với những cơ quan đã có màu sắc truyền thống thì giữ nguyên. Hiện nay công chức thì không thể xa rời kỷ cương, hiệu quả thực thi công vụ và đây mới là chuẩn mực chung cho người làm việc ở công sở.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.