.

Vợ chồng cùng sở, cùng ngành

.

Chuyện đồng nghiệp yêu rồi nên vợ, nên chồng khi cùng làm một cơ quan, đơn vị hoặc chung ngành nghề không còn là chuyện hiếm trong giới công sở. Đó vốn là thế mạnh cho những ai biết khéo léo trong cách ứng xử với “đồng nghiệp cùng nhà” nhưng sẽ là tai họa nếu vợ hoặc chồng cố thắt chặt “vòng kiểm soát” và để mối quan hệ gia đình ảnh hưởng đến công việc chung...

Vợ chồng cùng công sở dễ dàng hỗ trợ nhau trong công việc. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng cùng công sở dễ dàng hỗ trợ nhau trong công việc. (Ảnh minh họa)

Lợi thì có lợi, nhưng…

Hầu hết cặp vợ chồng đang công tác cùng cơ quan, đơn vị mà chúng tôi phỏng vấn cho bài viết này, đều bỏ lửng câu nói: “Vợ chồng cùng công sở lợi thì có lợi, nhưng…”. Có lẽ chữ “nhưng” ấy vừa là nỗi niềm, vừa là những điều khó nói trong đời sống vợ chồng, khi họ quanh năm suốt tháng cứ quấn lấy nhau từ nhà cho đến nơi làm việc.

Không ai phủ nhận vợ chồng cùng công sở sẽ dễ dàng hỗ trợ nhau trong công việc, cùng đi làm, đưa đón con cái, hiểu được tính chất công việc của nhau nên dễ bề thông cảm, chia sẻ khó khăn. Vợ chồng Xuân – Phương cùng làm cho công ty tổ chức sự kiện tại Đà Nẵng.

Cả hai phối hợp rất ăn ý trong việc nghiên cứu thị trường, liên hệ với khách hàng để nắm thông tin, yêu cầu của khách. Không ít lần con ốm cần mẹ chăm sóc, Xuân thay Phương đi gặp khách hàng, giúp vợ viết kế hoạch, thông cáo báo chí, lên kịch bản chương trình chi tiết.

Làm việc trong môi trường kinh doanh cạnh tranh nên chuyện nhậu nhẹt, tiếp khách của chồng cũng được Phương hết sức thông cảm. Tuy nhiên, do nắm quá rõ thời gian, công việc của nhau nên cả hai cảm thấy mất đi sự riêng tư và cảm giác tù túng, gò bó dần xuất hiện trong suy nghĩ mỗi người.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghiên cứu và Tham vấn Tâm lý Family (Đà Nẵng) cho biết, trong các trường hợp mâu thuẫn hôn nhân đến nhờ công ty “gỡ rối” thì cặp đôi cùng công sở chiếm chưa đến 10%. Tuy nhiên, nếu mâu thuẫn rơi vào những cặp đôi này sẽ rất khó giải quyết bởi họ hay gặp tình huống “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”.

Như cặp vợ chồng trẻ đang làm chung ngành thuế ở Đà Nẵng là một ví dụ. Anh chồng có tính sĩ diện, tốt khoe xấu che trong khi cô vợ tính tình trẻ con, ruột để ngoài da nên chuyện gì cũng đem ra “tám” với đồng nghiệp. Từ chuyện mẹ chồng, nàng dâu xích mích đến thói hư tật xấu, thậm chí chuyện phòng the qua miệng cô vợ dần dần cả cơ quan đều biết.

Cứ thế, anh chồng suốt ngày bị đồng nghiệp buông lời trêu chọc “làm ăn không ra chi” hay “nhìn hiền thế mà hay bắt nạt vợ”… Từ cách ứng xử không khéo của vợ tại công sở, cuộc sống vợ chồng họ dần rơi vào bi kịch, chiến tranh nóng, lạnh thường xuyên xảy ra, anh chồng sau giờ làm không muốn về nhà mà tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, đàn đúm đến khuya.

Theo Th.S Nguyễn Thị Hồng Nhung, với trường hợp này, chị khuyên người vợ tránh tối đa việc mang chuyện gia đình lên cơ quan để giữ thể diện cho chồng. Nếu vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, nên cho nhau chút không gian riêng tư để suy nghĩ và “về nhà đóng cửa bảo nhau”, tránh mặt nặng mày nhẹ ngay tại nơi làm việc.

Để “vẹn cả đôi đường”

Theo nhiều cặp đôi, việc làm chung một cơ quan, đơn vị khiến họ “ít tự do” hơn những người khác, chưa kể quỹ tiền lương, tiền thưởng ở công ty cũng “được” vợ/chồng nhận giúp nên người kia thường xuyên rơi vào tình cảnh thiếu tiền.

Anh V. làm việc tại một cơ quan truyền thông (có vợ là đồng nghiệp) nói rằng: Nghề viết ngoài lương còn có một khoản nhuận bút kha khá. Những đồng nghiệp nam khác chỉ việc đưa thẻ lương cho vợ rồi ung dung lấy nhuận bút bỏ túi riêng, còn anh, mọi thu nhập của anh vợ đều nắm rõ, nên việc chi tiêu cho riêng mình và bạn bè khó lòng thoải mái.

Chưa kể đến những anh chồng có tính lăng nhăng, vợ chồng cùng công sở lắm khi mâu thuẫn xảy ra khi vợ là người nhạy cảm, thích kiểm soát chồng. Chị vợ có chồng cùng dạy chung trường THCS trên địa bàn quận Sơn Trà (xin được giấu tên) cho biết, ngày mới cưới về, chị đã khóc không biết bao nhiêu lần vì cái tính “cà rỡn” của chồng.

Trong những buổi liên hoan, giao lưu giữa bạn bè, đồng nghiệp, anh luôn là tâm điểm gây cười, miệng rổn rảng từ đầu tới cuối. Khi anh nói, anh diễn trò, mọi người vỗ tay hưởng ứng khiến anh càng thêm hứng chí. Ngày trước chị yêu anh cũng vì tính đó. Nhưng khi cưới về, cái tính thích bông đùa của chồng (với đồng nghiệp nữ) khiến chị nhiều phen giận tím mặt.

Nhiều buổi liên hoan thấy “chướng tai gai mắt” với tính khí đó của chồng, chị đòi về trước thì anh mặc nhiên đưa chìa khóa xe cho vợ còn mình ở lại đến hơn 11 giờ đêm mới đón taxi về tới nhà. Thấy chồng về chưa kịp giận, anh đã nhanh nhảu khoe: “Anh mà về sớm là cái hội ấy tan ngay”.

Nhiều trang báo mạng ở Việt Nam trích lời Fran Davis, nhà tâm lý và tư vấn nghề nghiệp đang làm việc tại Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) rằng, trong 5 chiến lược giúp bạn có những quyết định có ích cho đời sống tình cảm bao gồm việc “tránh chọn người cùng nghề”.

Theo Fran Davis, về lý thuyết thì yêu và lấy người cùng ngành nghề là điều lý tưởng, bạn sẽ có nhiều thứ để trò chuyện với nhau và cả hai đều có mục tiêu nghề nghiệp chung. Tuy nhiên, điều đó chỉ tốt trong giai đoạn yêu đương ban đầu, về lâu dài có thể gây tác dụng ngược, nhất là khi những bà vợ có vị trí làm việc cao hơn chồng ngay tại công ty.

“Các cặp vợ chồng làm chung nghề ngay cả khi họ không cạnh tranh trực tiếp với nhau trong công việc nhiều khả năng sẽ ngày càng xa cách. Ngoài ra, họ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bởi công việc sẽ trở thành chuyện quan trọng trong đời sống vợ chồng, áp đảo các việc khác trong những lúc họ trò chuyện”, ông nói.

Có thể nói, giữ gìn hạnh phúc gia đình luôn đòi hỏi cả vợ và chồng phải cùng cố gắng vun vén, gầy dựng. Vợ chồng cùng công sở vốn là thế mạnh cho những ai biết khéo léo trong cách ứng xử với “đồng nghiệp cùng nhà” nhưng sẽ là tai họa nếu vợ hoặc chồng cố thắt chặt “vòng kiểm soát”, để mối quan hệ gia đình ảnh hưởng đến công việc chung.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.