.

Chợ vẫn xanh

.

Dẫu các ngôi chợ có trải qua bao nhiêu năm tồn tại, phát triển thì với những bà, những chị gần một đời bán buôn ở chợ vẫn tỏ bày rằng, với họ, chợ vẫn như cô gái đôi mươi căng tràn nhựa sống và vẹn nguyên sự ồn ã, tất bật vốn có của mình.

Theo thời gian, chợ Cồn phát triển mạnh với hơn 2.000 tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Q.T
Theo thời gian, chợ Cồn phát triển mạnh với hơn 2.000 tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Ảnh: Q.T

Đời chợ - đời người

Không biết chợ Tam Giác (nay đã giải tỏa) ra đời khoảng thời gian nào, nhưng với gia đình ông Trần Phước Nam (70 tuổi), phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, ngôi chợ này chứa nhiều ký ức những ngày đầu vợ chồng ông nuôi 6 đứa con ăn học và sau này cả 6 đứa lần lượt dắt tay nhau vào đại học. Ông kể, năm 1987, con đông cộng gia cảnh khó khăn, vợ chồng ông quyết định bán căn nhà trên đường Hoàng Diệu lấy tiền đầu tư kinh doanh nhưng sau một thời gian làm ăn thua lỗ mất cả vốn lẫn lời. Rơi vào cảnh không nhà, vợ chồng dắt díu con về sống nhờ nhà ngoại, làm lụng, chắt chiu từng đồng, tạo điều kiện cho con ăn học nên người.

Cũng trong khoảng thời gian ấy, vợ ông, từ 3 giờ sáng đã dậy bắt xe hàng vào chợ Bà Rén, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) mua rau quả về bày bán ở chợ Tam Giác. Đây là ngôi chợ nằm tại giao điểm của ba đường Nguyễn Hoàng (nay là Hải Phòng), Khải Định (nay là Ông Ích Khiêm) và Đống Đa - nơi có vạt đất nhỏ hình tam giác - tạo thành khu chợ dã chiến do các chị gồng gánh bán buôn họp chợ mà thành. Gánh rau củ của bà một thời dài nuôi cả gia đình qua cơn khốn khó khi ông Nam thường xuyên lâm vào cảnh không có công ăn việc làm ổn định. Ngày bà còn bán ở chợ Tam Giác, ông và các con ở nhà ít khi dùng từ “đi chợ” mà là “đi lấy đồ ăn” vì bà đã mua sẵn, con cái chỉ việc ra lấy mang về nấu. Cứ thế, chợ Tam Giác trở thành nơi gia đình ông Nam mưu sinh và viết nên giấc mơ cuộc đời mình.

Với người buôn thúng bán bưng như vợ chồng ông Nam, chợ là nơi chắt chiu, gom góp từng đồng lẻ để ổn định cuộc sống thì với nhiều người khác, đặc biệt là người xa quê, chợ trở thành một phần ký ức không thể phai nhòa. Tác giả Lê Cự Hải (đang định cư ở nước ngoài) trong “Dạo quanh phố chợ Đà Nẵng” chia sẻ rằng, từ năm 1985, khi ông cùng bạn bè tạm biệt quê nhà, Đà Nẵng đã có rất nhiều ngôi chợ lớn, nhỏ như chợ Hàn, chợ Mới, chợ Vông Đồng, chợ Cây Me, chợ Tam Giác, chợ Tăng Bạt Hổ, chợ Tam Tòa, chợ Đống Đa, chợ Vườn Hoa, chợ Quân Tiếp Vụ, chợ An Hải…

Đến nay, có không ít tên chợ cũ bị “xóa sổ” khỏi đời sống hiện đại như chợ Quân Tiếp Vụ, chợ Vườn Hoa... Trong đó, chợ Vườn Hoa từng được đánh giá rất sầm uất và sinh động, bày bán rất nhiều mặt hàng. Lê Cự Hải viết: “Chợ Vườn Hoa nằm giữa bốn con đường Hùng Vương, Trần Hưng Ðạo, Yên Bái và Duy Tân.

Chợ được xây thành 4 dãy nhà hình chữ nhật, song song từng đôi. Giữa đôi này cách đôi kia là một khoảng đất rộng, đủ để thành một bến xe lam. Xe thồ và xe xích lô cũng tấp nập đón, trả khách ở nơi này. Ngoài 4 ngôi nhà chính, sát mặt đường Hùng Vương và trên lề đường Trần Hưng Ðạo còn được dựng một số nhà dù giống nhau để cho thuê buôn bán.

Những mặt hàng chủ yếu của chợ Vườn Hoa như vải lụa, áo quần đã thành phẩm, giày guốc, mũ, dù, nón lá, ví xách, kính đeo mắt (uy tín nhất là tiệm Ðức Sinh), đồng hồ (bán và sửa chữa). Một số mặt hàng ẩm thực cũng được bày bán ở đây. Sau năm 1975, thích ứng với cao trào dùng xe đạp, chợ Vườn Hoa có nhiều sạp bán sỉ phụ tùng xe đạp. Một vài lon nhựa cũ, được đặt trên một ghế để sát lề đường, báo cho bộ hành biết có bán xăng lẻ ngay địa điểm đó”.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, một số ngôi chợ buộc phải “mất đi” để nhường đất cho quá trình đô thị hóa, chịu sự quy hoạch chung của thành phố. Cùng với đó, nhiều ngôi chợ khác đã được cải tạo từ nhỏ đến lớn, từ tạm bợ đến khang trang, nhiều địa - điểm - nhận - dạng vì thế cũng không còn nữa.

Ví như, chợ Cồn đã không còn dấu vết nào của cồn đất cao cao, nhấp nhô giữa bạt ngàn cát trắng, từ vài chục hộ buôn bán nay đã phát triển hơn 2.000 hộ; chợ Vông Đồng vắng bóng cây Vông Đồng, chợ Mới không còn mới, chợ Cây Me chẳng còn me; chợ Hàn cũng phát triển số lượng tiểu thương trên dưới 750 người, tấp nập khách du lịch muôn nơi… Dẫu vậy, những tên chợ ấy vẫn luôn là một hoài niệm đẹp trong cuộc đời mỗi con người, nhất là với những ai đã và đang gắn bó.

Nét xưa trộn lẫn với nay

Đã có rất nhiều bài viết nói về lịch sử, vai trò của chợ Hàn, chợ Cồn trong đời sống kinh tế - văn hóa của người dân Đà Nẵng. Đây được xem là 2 ngôi chợ lớn nhất, nhì Đà Nẵng và có tuổi đời 115 đối với chợ Hàn và 75 năm đối với chợ Cồn.  

Nhà nghiên cứu Lê Duy Anh khẳng định, ngoài yếu tố thương mại, xung quanh các ngôi chợ thường xuất hiện những hiệu sách một thời lưu giữ hình ảnh đẹp về phong trào đọc sách trong học sinh, sinh viên thành phố. Có thể kể đến hiệu sách Sông Đà ở phía bắc, Lam Sơn ở phía nam nằm trên đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú) trước mặt chợ Hàn; nhà sách Văn Hóa đối diện chợ Cồn trên đường Khải Định (nay là đường Ông Ích Khiêm) hay hiệu sách Hoa Mai nằm trên đường Trưng Nữ Vương, gần khu vực chợ Mới. Ðây là một số địa điểm thu hút lượng độc giả là học sinh, sinh viên, trí thức và cả các bà, các mẹ tiểu thương những lúc rảnh tay tranh thủ đọc sách chưởng, sách ngôn tình.

Đồng nghiệp của tôi khi viết về những ngôi chợ Đà Nẵng xưa đã mượn vài câu thơ của nhà thơ Luân Hoán - một thời ở gần chợ Hàn - để phần nào nói lên nhịp sống, hơi thở chợ những ngày xa xưa ấy: “Cái rương cái sạp tần ngần/Nằm nghe lớp bụi phong trần thở ra” (Một thời đột kích chợ Hàn). Đó là hình ảnh những sạp tre rương ván, kẽo cà kẽo kẹt trên vai người phụ nữ sáng gánh đi, trưa (chiều) gánh về, mang theo đó cả gia tài và chén cơm manh áo của gia đình mình. Nay, rương, sạp xưa kia đã được thay thế bằng những ki-ốt vững chãi, trang bị thùng đựng hàng ngay tại chợ mà không phải mang đi, chở về, có đội ngũ bảo vệ hẳn hoi. Và theo thời gian, nếp buôn bán ở mỗi ngôi chợ cái còn, cái mất.

Chợ Hàng Heo, ra đời cùng thời với chợ Cồn nay không còn là nơi tập kết heo mọi ngả từ Quảng Nam mang về cung cấp cho thị trường tiêu thụ ở Đà Nẵng mà chuyển sang buôn bán mặt hàng la-gim và các loại cây, lá thuốc.

Tuy nhiên, tên gọi Hàng Heo theo thời gian bám rễ bền chặt vào trí nhớ bao người. Cụ ông Minh Tài, nhà ngay mặt tiền chợ Hàng Heo có thói quen ngày ngày kéo ghế ra ngồi sát cửa nhâm nhi ly trà, chào hỏi bà con tiểu thương bằng vài ba câu chuyện làm quà. Ông Tài về sinh sống, buôn bán tại ngôi chợ này từ năm 1955, khi ấy chợ vẫn là cồn cát mênh mông, mùa nắng cát nóng bay mù mịt, mùa mưa lối vào chợ bị sình bùn trì hoãn xe lăn bánh, gió từ biển thổi vào tốc tấm bạt cột chèn tạm bợ vào mấy hiên nhà, cộng mưa lớn khiến người nào người nấy ướt như “chuột lột”. Gia đình ông Tài khi ấy, để kiếm tiền nuôi đủ 11 miệng con, cũng căng lều dựng quán, bán buôn các loại gia vị, bột ngũ cốc, gạo trà mắm muối và duy trì công việc ấy đến tận những năm sau này.

Chợ, dẫu xưa và nay có nhiều đổi thay cho phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại nhưng cái tất bật, ồn ã vẫn không bao giờ mất đi. Đầu ngày, tầm 4-5 giờ sáng chợ đã thức dậy, tiếp nhận những xe hàng, những dòng người, tiếng tiểu thương trả giá, í ới gọi nhau.

Dù nằm giữa phố hay ở vùng nông thôn, mỗi ngôi chợ đều có “đường luồng” để hàng hóa tập kết trước giờ họp chợ và trở thành nơi các mẹ quê bày bán mớ rau, con cá, con gà. Đi giữa đường luồng chọn mớ rau tươi, chợt nhớ mấy câu thơ viết về chợ quê của nhà thơ Đào Trọng “Chợ quê gom cả hương đồng/ Chè xanh rượu bắp khoai trồng đất pha/ Mớ rau nải chuối quả cà/ Con cua ngoài ruộng, bông hoa trong vườn”. Những hình ảnh ấy khiến nhịp sống ở chợ cứ len lỏi vào lòng mỗi người dân như một ký ức đẹp, khó phai nhòa.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.