.
Nghĩ

Một tuần bắt Pokemon

.

Tính ra đi bắt Pokemon còn ích lợi hơn mấy trò chơi điện tử đẫm máu bạo lực. Nhưng tính ra nữa thì bắt Pokemon không ích lợi thực tế bằng tóm cho được con chuột sống đang náo loạn trong nhà. Tính gì cứ tính, cả tuần nay, các “thợ săn” lẫn những người không biết gì về “săn bắt” vẫn nghe đầy tai, thấy đầy mắt hoạt động “đánh bắt” Pokemon.

Phải nói, chưa có con nào từ thực đến ảo được săn rầm rộ như con này. Người có sức đi bắt đã đành, người ít sức, cần rèn luyện thể lực lại càng bắt Pokemon vì cho rằng đi săn vừa vui vừa vận động đôi chân. Người không thiện cảm với Pokemon thì la ó dân tình sao lãng phí thời gian, công sức vào thú vui vô bổ, khỏe được cái chân mà mắt muốn lòi, vai gáy đau nhức.

Người có trách nhiệm giữ gìn an toàn giao thông, an ninh trật tự thì lo sốt vó cảnh đâm xe hùi hụi vào nhau hay tụ tập đêm hôm khuya khoắt chỉ để bắt cho bằng được con Pokemon. Ai nói thì nói, những “thợ săn” chính hiệu vẫn hết sức điềm tĩnh vì chưa kịp ngẩng mặt lên phân trần điều gì khi đang bận cắm đầu thả thính, dò tìm, theo dõi, truy lùng con Pokemon.

Phải ghi nhận công lao của cái trò chơi này, ít nhất ở khía cạnh “bứng” được người ta ra khỏi ghế. Thời buổi con người ít chịu vận động, bao khuyến cáo, kêu gọi không nên ngồi nhiều dường như chưa mấy tác dụng, bỗng dưng con vật bé bé, hóm hỉnh và đầy khiêu khích trên màn hình điện thoại khiến người ta đứng phắt cả dậy, lao ra đường.

Kể cả mấy bữa nay khí nóng tăng cường, ra ngoài bịt mấy lớp mặt vẫn rát như táp lửa, vậy mà thử ra lề đường Bạch Đằng vào giờ trưa, nắng dội trên đầu, vẫn rất đông người mải mê lang thang bắt Pokemon. Cô gái bán kem phía đối diện sông Hàn không biết đã mấy lần hết hồn khi nhìn ra đường thấy thanh niên hụi xe chí chóe để “tóm” Pokemon. “Không hiểu sao quanh quán em nhiều Pokemon lắm nên người ta săn lùng cả ngày cả đêm. Đi bộ lao vào nhau còn đỡ, đằng này đang lái xe…”, cô gái còn bảo, Pokemon có cả trong khoa ở trường đại học nữa: “Giảng viên của em thốt lên, Pokemon đang có trong khoa nè, có nên bắt liền không mọi người ơi!”.

Sự lan truyền trò chơi thực tế ảo Pokemon Go phiên bản Việt còn cho thấy “khả năng” tiếp cận công nghệ của người Việt nói chung, giới trẻ Việt Nam nói riêng. Pokemon Go có mặt tại Việt Nam vào ngày 6-8. Bỏ qua các bước chào sân, làm quen, nhập gia tùy tục, Pokemon như một “cơn bão” trò chơi tràn vào cuốn mọi ánh mắt, sự quan tâm ngay từ phút chạm ngõ. Không đợi ít ngày tìm hiểu trò này, rất nhiều người sẵn sàng tư thế, phương tiện, hóng Pokemon Go từ nước ngoài “bay” về là bắt ngay. Ai nói người Việt chậm chạp với công nghệ thì hãy xem lại!

Không ít người chơi Pokemon không hẳn vì thích, mà vì người ta chơi ào ạt, mình lơ ngơ thì lạc hậu. Thế là chơi cho theo phong trào. Ở khía cạnh a dua, trò này cho thấy nhiều người không hề kém cỏi. Giới trẻ a dua cũng là chuyện thường thôi, bởi người trẻ vốn thích lao vào cái mới lạ, chưa biết tốt, xấu ra sao. Nhưng báo chí a dua thì vừa thường vừa lạ.

Ai đời, trước khi Pokemon Go chính thức được tải ở Việt Nam, một số tờ báo có tiếng trong nước đã “trải thảm” cho sự kiện này bằng cách đưa tin liên tục, cập nhật từng chi tiết mới. Đến một, hai ngày đầu Pokemon vào Việt Nam, có những tờ báo (dĩ nhiên là báo có tên tuổi, lượng bạn đọc truy cập rất cao) lập hẳn chuyên mục “kinh nghiệm”, “tư vấn” cách chơi, mẹo chơi chỗ này, chỗ nọ. Pokemon Go mặc nhiên được chào đón như một sự kiện trọng đại!

Pokemon Go lập kỷ lục lượt tải từ App Store và liên tục đứng đầu bảng xếp hạng trò chơi của Play Store. Nếu có bảng xếp hạng “làn sóng” Pokemon ở quốc gia nào mạnh mẽ nhất, không chừng chúng ta đứng đầu!

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.