.

Diện mạo Đà Nẵng xưa trong ký ức người đời

.

Cuối năm 2015, Tiểu ban Mỹ thuật của Hội đồng Xét tặng Giải thưởng Văn học-nghệ thuật Đà Nẵng lần thứ III Liên hiệp các Hội Văn học và nghệ thuật thành phố đã chọn trao giải Nhất cho tranh sơn dầu Đà Nẵng xưa và nay của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, bởi hội họa là nghệ thuật của cái khoảnh khắc nhưng Nguyễn Trọng Dũng cố dùng thủ pháp đồng hiện thời xưa và thời nay của Đà Nẵng trên cùng bình diện một bức tranh. Qua tác phẩm đoạt giải của Nguyễn Trọng Dũng, cũng có thể thấy những nét đẹp xưa vẫn tồn tại dài lâu trong niềm cảm cựu mênh mang của ký ức người đời, hơn thế nữa còn được bất tử hóa trong thế giới nghệ thuật. Và chính nhờ ký ức người đời, nhất là nhờ sự sáng tạo nghệ thuật mà diện mạo một đô thị hơn trăm năm tuổi như Đà Nẵng vẫn có thể được hồi sinh qua từng chặng đường dài của lịch sử.

Cảnh quan trước Cổ viện Chàm những năm 1930. Ảnh: Internet
Cảnh quan trước Cổ viện Chàm những năm 1930. Ảnh: Internet

Không gian công cộng của Đà Nẵng ngày xưa thường xuyên tấp nập, nhộn nhịp, đông người nhất chính là các chợ truyền thống. Năm tháng qua đi nhưng chợ truyền thống vẫn có chỗ đứng đáng kể trong đời sống của người Đà Nẵng đương đại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là mỗi ngôi chợ truyền thống từng hằn sâu trong ký ức của cư dân đô thị. Chẳng hạn các ngôi chợ có cái tên dân dã như chợ Vông Đồng, chợ Cây Me, chợ Cồn, chợ Mới… đã trở thành những ký ức tuổi thơ không thể nào quên trong trí nhớ của nhiều người Đà Nẵng. Và không chỉ là ký ức của cư dân đô thị, các ngôi chợ một thời vang bóng ấy có khi còn là dấu ấn lịch sử của thành phố này - chẳng hạn trường hợp ngôi chợ Hà Thân ở làng An Hải phía hữu ngạn sông Hàn.

Có lẽ trong vô vàn ngôi chợ truyền thống trên đất nước ta chứ không riêng gì Đà Nẵng, chỉ có chợ Hà Thân là có một số phận khác thường, bởi ngôi chợ này được tái lập nhờ sự tác động trực tiếp của một người Đà Nẵng xa quê là cụ Nguyễn Văn Thoại ở tận trong Châu Đốc.

Nhưng thực ra nếu gọi là dấu ấn lịch sử của thành phố này thì không ngôi chợ nào sánh được với chợ Hải Châu - tức chợ Hàn ngày nay. Trước hết chợ Hàn gắn với quá trình Quảng Nam mở cõi của người Việt qua tên gọi: chợ Hải Châu. Những người Đà Nẵng xưa rời quê hương Thanh Hóa vào định cư bên tả ngạn sông Hàn đã mang theo cả tên làng cũ để định danh cho làng mới và cho ngôi chợ mới của làng. Ngôi chợ đồng hành với quá trình Nam tiến này từng trải qua nhiều đổi thay theo dòng thời gian. Đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, chính quyền Pháp ở Tourane quyết định đầu tư xây mới chợ Hải Châu - lúc đó đã đổi tên là chợ Hàn - đặt tên là chợ Tourane/Tourane marché, cùng với ga xe lửa trung chuyển Tourane marché để chuyên chở hàng hóa đến ga chính.

Đáng tiếc là ga xe lửa trước chợ Hàn ngày nay không còn, nhưng chợ Hàn vẫn tiếp tục ở lại với người Đà Nẵng như một dấu ấn lịch sử không thể nào quên của tin gọi một chút này làm ghi (Nguyễn Du). Còn có thể kể thêm một số chợ truyền thống nổi tiếng khác như chợ Yến Nê thời kháng chiến chống Pháp - đây không chỉ là nơi mua bán của mấy xã lân cận mà còn là đầu mối giao lưu giữa vùng tự do với vùng tạm bị chiếm, đáp ứng nhu cầu vật chất cho hàng mấy trăm cán bộ các ngành của tỉnh, của huyện và lực lượng vũ trang hằng ngày đứng chân tại xã Hòa Tiến; hay như chợ Túy Loan là nơi kẻ thù đã hành quyết người thanh niên yêu nước Ông Ích Đường vào năm 1908; hoặc như chợ Tam Giác sầm uất ngày nào - giờ đây đã thành một công viên hình… tam giác.

Một loại không gian công cộng nữa của Đà Nẵng ngày xưa cũng thường xuyên tấp nập, nhộn nhịp, đông người không kém các chợ truyền thống là các bến đò/bến phà/bến tàu, bến xe, nhà ga xe lửa và nhà ga máy bay. Nhà ga ở một sân bay quốc tế như Sân bay Đà Nẵng chắc sẽ ngày càng hiện đại với quy mô không ngừng phát triển. Nhà ga xe lửa mà dân gian gọi là Ga Lớn ở đường Hải Phòng hiện nay, theo kế hoạch sẽ dời đến địa điểm khác ở ngoại thành, rồi đây cũng chỉ còn trong ký ức, nhưng dẫu sao qua hình ảnh nhà ga mới, người đời vẫn có thể hình dung thế nào là một nhà ga xe lửa của ngày xưa. Bến xe khách  thì đã hai lần di dời: từ Bến xe Chợ Cồn chuyển lên Bến xe Liên tỉnh cũ - cũng trên địa bàn quận Thanh Khê, rồi lại chuyển tiếp lên Bến xe Liên tỉnh mới - trên địa bàn quận Cẩm Lệ.

Bến tàu ở Đà Nẵng cũng có nhiều biến động trong những năm qua. Cầu quay Sông Hàn ra đời vào năm 2000 đã kết thúc vai trò lịch sử của bến phà ngang hai bên bờ sông. Nhìn xa hơn về quá khứ, nhiều người Đà Nẵng vẫn còn nhớ một bến đò ngang nay mà dấu xưa chỉ còn trong mỗi cái tên độc đáo: Đò Xu. Đà Nẵng xưa cũng có một bến đò dọc là Bến Mía với những chiếc ca-nô nhỏ ngày ngày chở khách ngược về phía bến đò An Trạch trên sông Yên.

Chỉ có ca-nô nhỏ mới có thể chạy dưới cầu Nguyễn Hoàng - cây cầu dã chiến được quân đội Mỹ xây dựng vào năm 1965 với kiến trúc vòm bằng giàn thép Poni giờ cũng chỉ còn trong ký ức người Đà Nẵng khi nhớ về những năm tháng chiến tranh. Gần cầu Nguyễn Hoàng có một bến tàu quân sự của Mỹ và chính vì cái bến tàu này mà người Mỹ buộc phải bắc cây cầu dã chiến kia ở vị trí hầu như liền kề với cầu Trình Minh Thế - cây cầu đầu tiên do người Pháp xây dựng trên sông Hàn. Bến tàu ở Cảng Sông Hàn trên đường Bạch Đằng cũng đã di dời sang bên Tiên Sa nên hình ảnh 12 thuyền buồm tham gia cuộc đua thuyền buồm quốc tế vòng quanh thế giới Clipper 2015-2016 cập Cảng Sông Hàn hồi đầu năm được xem như tia hồi quang gợi nhớ một thời tàu hàng các nước tấp nập vào/ra bến cảng này.

Diện mạo Đà Nẵng xưa trong ký ức người đời còn được thể hiện rõ qua những công trình kiến trúc hàng trăm năm tuổi. Trước hết phải kể đến Hải Vân quan - một Vọng Hải đài trên đỉnh Hải Vân. Các triều đại trước khi xây dựng và trùng tu cửa ải này chỉ quan tâm đến phòng thủ đất nước theo hướng Bắc-Nam; riêng với triều Nguyễn thì về mặt kiến trúc vẫn không thay đổi so với hướng Bắc-Nam từng hình thành trong quá khứ, nhưng về chiến lược phòng thủ thì thực tế đã xoay trục sang hướng Đông-Tây thông qua việc trang bị ống nhòm hiện đại để hằng ngày cử người thường xuyên quan sát từ Hải Vân Quan toàn bộ tàu thuyền vào/ra cửa biển Đà Nẵng ở phía mặt trời lên. Tiếp nữa phải kể đến Thành Điện Hải với lối kiến trúc thành trì theo kiểu Vauban thể hiện tư duy dùng chính cái thuẫn phương Tây để chống lại cái mâu Tây phương.

Cũng phải kể đến Tòa Đốc lý Tourane/Tòa Thị chính Đà Nẵng - nơi lá cờ cách mạng đã hai lần tung bay trên nóc tòa nhà, một lần vào năm 1945 và một lần vào năm 1975. Rồi phải kể đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm có thể nói là độc nhất vô nhị không chỉ về kiến trúc mà còn vì sở hữu được bộ sưu tập tượng Chàm vô giá… Đương nhiên không thể không kể đến những đình làng cổ gắn với những thế hệ tiên dân Đà Nẵng như Đình làng Hải Châu, Đình làng Đà Sơn, Đình làng An Hải, Đình làng Nại Hiên Tây, Đình làng Nại Nam…Một vài đình làng cổ như Đình làng Thái Lai đang được đưa vào dự án hình thành khu du lịch sinh thái cộng đồng. Đây cũng là một nỗ lực để di tích đình làng xưa không trở thành phế tích, có điều cần hết sức cẩn trọng để việc xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng không hàm chứa nguy cơ bê-tông hóa đường làng và nguy cơ tạo nên một làng-giả-cổ…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.