.

Hướng bảo trợ bền vững và nhân văn

.

Những năm gần đây, việc bảo trợ xã hội dành cho người nghèo, các em mồ côi và người khuyết tật gồm các hoạt động nhân đạo từ thiện thông qua việc trợ giúp vật chất như cấp học bổng, quần áo, thuốc men, nhu yếu phẩm… hỗ trợ rất lớn cả về vật chất và tinh thần cho người được bảo trợ. Nhưng để cải thiện đời sống và phát huy hết năng lực tiềm tàng của bản thân người được bảo trợ, thì công tác dạy nghề, tạo việc làm có ý nghĩa và tác dụng rất lớn trong việc trợ giúp nhân đạo, thể hiện tính bền vững và giá trị nhân văn trong công tác dạy nghề cho những người vốn được xem là yếm thế trong xã hội.

Học nghề thêu ở Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng.
Học nghề thêu ở Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng.

Một tổ may với 7 bàn may vừa được Trung tâm Dạy nghề, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ môi (NKT&TMC) Đà Nẵng thành lập và thực hiện ngay hợp đồng may vải lau ô-tô cho Công ty CP Ô-tô Trường Hải. Theo hợp đồng, mỗi tháng Trung tâm Dạy nghề sẽ cung cấp 500kg khăn lau/tháng với giá 11.000đồng/kg.

Sau tháng đầu tiên thực hiện, ô-tô Trường Hải đã nâng số lượng lên 700kg/tháng. Thu nhập của các em trong tổ may đạt 1 - 1,5 triệu đồng/tháng/em. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC cho biết, với thu nhập đó, các em chỉ làm khoảng 15 - 20 ngày là hết việc, nên sắp tới Hội sẽ tiếp tục tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, với những nơi được nhắm đến để “chào hàng” là các gara ô-tô, tàu thuyền…

Ông Nguyễn Hoàng Long mong muốn là tất cả những em được Hội dạy nghề sẽ tìm được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo, phù hợp với sức khỏe và nhu cầu mỗi em. Nên trước mỗi khóa học các em đều được tư vấn cặn kẽ giữa sở thích và thực tế công việc đòi hỏi cũng như yếu tố các em có thể theo được nghề lâu dài, tự tìm thu nhập cho mình được hay không.

Từ năm 2008 đến 2014, đã có 324 em là đối tượng khuyết tật và trẻ mồ côi ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi được đào tạo nghề và tìm được việc làm phù hợp với năng lực. Trong đó từ năm 2008-2012, có 436 em được dạy nghề, nhưng chỉ có 281 em tìm được việc làm, có thu nhập khá ổn định. Những năm sau này, mỗi năm Trung tâm Dạy nghề chỉ đào tạo khoảng trên dưới 30 em, với mỗi lớp có 7-10 em, để bảo đảm việc dạy nghề không uổng phí, và các em đều có việc làm sau khi học nghề.

Thay đổi các ngành nghề đào tạo, đi theo hướng xã hội có nhu cầu về nghề gì, thì các trung tâm sẽ đào tạo việc làm cho học viên theo nghề đó, là một trong những thay đổi cơ bản nhất ở nhiều trung tâm dạy nghề. Như ở Hội Bảo trợ NKT&TMC, trước đây các nghề được tổ chức đào tạo chủ yếu là làm hương, in – thêu thủ công, may dân dụng-công nghiệp, chế biến thực phẩm, thì nay những ngành nghề cơ bản được đào tạo là pha chế đồ uống, chăm sóc da cơ bản, chế biến thực phẩm và may công nghiệp. Đi theo hướng đào tạo này, trong 6 tháng đầu năm nay, có 18/22 học viên của Hội được dạy nghề và tìm được việc làm ổn định.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hiền, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng, cho biết dự án dạy nghề do nhiều tổ chức phi chính phủ tài trợ bắt đầu từ năm 1997, sau đó, Trung tâm thành lập trường nghề năm 2000, tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp, thêu cho người khuyết tật và điện-nước dân dụng, mỗi năm từ 60-100 em được học nghề.

Hiện nay, việc đào tạo nghề chỉ hiệu quả nhất đối với những em khuyết tật (phù hợp với sức khỏe, thu nhập ít nhưng ổn định-PV), còn những em ở các cơ sở bảo trợ cũng như có hoàn cảnh khó khăn ngoài cộng đồng đều không thiết tha với các nghề trên. Như nghề may có đào tạo trước cũng uổng phí vì các công ty may mặc khi nhận công nhân đều tổ chức đào tạo lại; nhiều em không làm công nhân, khi học xong cũng không thể nhận may đồ thủ công, nên dự án dạy nghề may đã dừng lại từ năm 2012.

Với nghề thêu thì do thu nhập thấp, các em không sống được với nghề nên không theo học. Nên hiện nay Trung tâm chỉ duy trì đào tạo chứng chỉ tin học B và ngành đồ họa cho sinh viên nghèo và chuyển hướng đào tạo những ngành nghề xã hội có nhu cầu, hợp sở thích các em, gồm các nghề phục vụ trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Thực ra, Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố đã tổ chức đào tạo các nghề như nấu ăn, phục vụ nhà hàng từ 15 năm trước, nhưng chưa được nhiều và các nghề này chưa trở thành một nhu cầu bức thiết như hiện nay. Trung tâm đã gửi đi đào tạo khoảng 25 em học nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ bếp tại Streets International Hội An và hàng chục em học tại Trường Hoa Sữa ở Hà Nội.

Trước nhu cầu được học nghề của những em ở 4 gia đình do Trung tâm bảo trợ và hàng chục em thuộc các gia đình nghèo đang sống ngoài cộng đồng, bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng, trước mắt chỉ có thể gửi các em đi học nghề. Trung tâm mong muốn mở các lớp dạy chương trình phục vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhưng kinh phí để tổ chức đào tạo quá lớn, nên ước mơ này đành “để dành” cho tương lai.

Hiện nay, những em đang sống dưới các mái nhà của trung tâm bảo trợ, khi đậu đại học, vẫn được giúp đỡ học phí, nuôi ăn cho đến khi tốt nghiệp; những em không muốn học đại học được cha mẹ các gia đình định hướng nghề nghiệp theo sở thích, và để các con tự quyết định tương lai. Theo bà Hiền, đây chính là lúc Trung tâm cần thay đổi quyết liệt nhất trong hướng đào tạo nghề, để các em chọn được nghề học phù hợp, dễ dàng kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định.

Để nâng cao năng suất lao động, nên “nghề nghiệp hóa” các lĩnh vực dịch vụ, dẫn đến những người làm trong lĩnh vực dịch vụ cần được đào tạo nghề. Điều này sẽ tạo ra môi trường rộng lớn cho nhiều lĩnh vực dạy nghề. Và xác định những lĩnh vực mà xã hội có nhu cầu, để tiến hành dạy nghề cho người khuyết tật cũng như những người được xã hội bảo trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Hội Bảo trợ NKT&TMC Đà Nẵng

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.