.

Thương nhau cốt ở tấm lòng

.

Nơi này, là những đứa trẻ sinh ra phải chịu cảnh mồ côi. Nơi khác là những cụ già đơn thân, không nơi nương tựa. Nơi kia, là những con người, dù đã cố gắng hết sức vẫn không lo dựng nổi một căn nhà. Mọi sự giúp đỡ từ cộng đồng, dù nhỏ, cũng mang đến nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn giúp họ tin rằng cuộc đời này vẫn còn mỉm cười với họ, giúp họ được sống quây quần trong mái ấm chứa chan tình người.

Bà Lê Thị Tám thay mặt Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng trao quà cho một trường hợp cần giúp đỡ.
Bà Lê Thị Tám thay mặt Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng trao quà cho một trường hợp cần giúp đỡ.

Những người bạn đồng hành

Năm 2007, về hưu, bà Lê Thị Tám trở thành Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng. Ngày đầu đặt chân về văn phòng Hội, bà mang theo cả ghim giấy, bàn làm việc, ấm trà tiếp khách lẫn quyết tâm xây dựng các chương trình, dự án thiết thực dành cho người nghèo, người bất hạnh, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mọi sự bắt đầu bao giờ cũng khó khăn. Hoàn cảnh cần giúp đỡ có hàng trăm, hàng ngàn, trong khi hầu hết hoạt động của Hội hoàn toàn dựa vào nguồn tài trợ từ bên ngoài.

Công việc đầu tiên của bà Tám ở cương vị mới là nắm bắt những hoàn cảnh cụ thể rồi lặn lội đến từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đặt vấn đề xin kinh phí. Người đầu tiên “mở hàng” tài trợ 30 triệu đồng khi bà Tám ướm lời là người bạn đang làm lãnh đạo tại Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình tại thành phố Hồ Chí Minh. Số tiền này, bà nhanh chóng hỗ trợ cho 2 gia đình xóa nhà tạm ngay trước mùa mưa năm đó. Bà chia sẻ, khi đứng nhìn ngôi nhà mới và cảm nhận niềm vui lấp lánh trong đôi mắt người nghèo, bà càng có thêm quyết tâm trong vai trò người đi vận động.

Hiện nay, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng đang nuôi dưỡng tập trung 35 em nhỏ tại 2 mái ấm nằm trên đường Dương Thị Xuân Quý (quận Ngũ Hành Sơn) và Thanh Quy (quận Thanh Khê). Những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa được đưa về đây chăm sóc, yêu thương và tạo điều kiện tiếp tục con đường học vấn.

Bên cạnh đó, Hội và Tu viện Phaolo thành phố Đà Nẵng phối hợp nuôi dưỡng 28 cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Nhiều cụ bà không có thân nhân, tuổi cao sức yếu được các Sơ chăm sóc tận tình, chu đáo. Các cụ sống quây quần bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, tâm sự chuyện đời để không thấy mình lẻ loi trong cuộc sống vốn dĩ đã rất thiệt thòi. Có một điều thật sự cảm động là mỗi khi có cụ qua đời, mái ấm đứng ra lo toan mọi thứ như người thân trong gia đình, chu đáo và đong đầy tình cảm.

Bà Lê Thị Tám khẳng định, các Trung tâm Bảo trợ xã hội khó có thể tồn tại nếu thiếu những người bạn đồng hành là nhà tài trợ, người có tấm lòng hảo tâm. Bởi ngoài nguồn kinh phí từ chính sách xã hội của thành phố, Hội thường xuyên kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội để cái ăn, cái mặc của mọi người được đủ đầy hơn.

Trên con đường gom góp những phần quà cùng xã hội xoa dịu nỗi thiệt thòi cho bao phận đời, bà Lê Thị Tám may mắn có những người bạn đồng hành. Họ cần mẫn theo bà, đến những nơi khó khăn cần tiếp sức. Họ thăm hỏi, động viên, sẵn sàng hỗ trợ tận tình. Họ là những mạnh thường quân lặng lẽ như ông Ngô Lành, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng hay như bà Trần Thị Chính – nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Bà “Ba Một” là tên thân mật mọi người đặt cho bà Trần Thị Chính. Tên cũng như người. Trở về sau cuộc chiến, bà chỉ còn một mắt - một tay - một chân, sống trong ngôi nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thái Học ngay cạnh chợ Hàn. Cuộc sống thời bình dẫu còn nhiều khó khăn nhưng bà đến với con đường từ thiện từ sự cảm thông và đau đáu nỗi niềm.

Những chuyến đi về nguồn, ở đâu bà cũng bắt gặp hình ảnh nghèo khổ, túng thiếu, trẻ em ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Sau nhiều đêm trăn trở, bà quyết định trở thành cầu nối giữa nhà hảo tâm và địa chỉ cần giúp đỡ. Dù thân thể thường xuyên đau nhức, nhưng bà Chính luôn thực hiện những chuyến đi tiền trạm lấy thông tin, hình ảnh làm cơ sở kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng.

Món quà bà mang tới miền núi đôi khi chỉ là chăn gối, mền mùng, sách vở, quần áo, gạo mắm, các nhu yếu phẩm cần thiết nhưng gửi gắm tình cảm của biết bao nhiêu con người. Với mong muốn giúp được nhiều người hơn, bà không nề hà chuyện thức khuya dậy sớm, lọ mọ mang từng hộp cơm hay phần cháo đến khắp các bệnh viện Đà Nẵng, Quảng Nam hay các địa chỉ bảo trợ xã hội trên địa bàn.  

Sống một mình trong căn nhà nhỏ, bà “Ba Một” chi tiêu tiết kiệm, mỗi tuần cùng anh em Hội Cựu chiến binh thành phố nấu 500 suất cơm, cháo tình thương phát cho bệnh nhân nghèo, nhằm san sẻ một phần khó khăn với họ. Thỉnh thoảng, bà cùng mọi người đứng ra quyên góp, gõ cửa từng nhà để vận động nguồn kinh phí tổ chức chuyến trao quà cho các địa chỉ vùng sâu vùng xa. Không chỉ vậy, mỗi tháng bà còn tình nguyện đóng góp 2 triệu đồng cho Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố với niềm mong mỏi sẽ giúp được ai đó đang trong cơn túng thiếu.  

 Với tấm lòng thiện nguyện, bà Chính (hàng trên, bên trái) thường xuyên được Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen.
Với tấm lòng thiện nguyện, bà Chính (hàng trên, bên trái) thường xuyên được Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen.

Xin bao nhiêu trao hết bấy nhiêu

Giữa những ngày mưa bay lất phất, ngồi trên bậc thềm xi-măng nhìn ra khoảng sân rộng trước mặt, ông Nguyễn Bá Thương (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) không khỏi ấm lòng bởi cách đây 2 năm thôi, ông còn không dám mơ mình sẽ có căn nhà mới. Vợ mất sớm, ông một mình nuôi 3 người con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Tất cả cuộc sống trông chờ vào mấy sào đất lúa. Hết phụ hồ đến kéo xe, ai kêu chi làm nấy nhưng gia cảnh nghèo vẫn hoàn nghèo. Ngoài hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau, còn lại ông chưa bao giờ tự tin dẫn ai về nhà. Bởi nhà có gì đâu. Bàn ghế không. Giường chiếu nhếch nhác. Vách hỏng tường xiêu. Chái bếp phía sau nhà chỏng chơ đôi ba soong, chảo đen đúa, cũ kỹ. Gia vị nấu ăn chỉ có đúng 3 loại: muối, nước mắm và mì chính.

Rồi tất cả sự giúp đỡ của cộng đồng đến với ông Thương như một giấc mơ đẹp. Ông được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà và mua 1 con bò trị giá 12 triệu đồng phát triển kinh tế. Con gái đầu của ông được Công ty cổ phần Thép Dana - Ý tài trợ 20 triệu đồng trong khuôn khổ chương trình “Viết tiếp ước mơ”, tiếp tục theo học tại phân hiệu Trường ĐH Nội vụ; cơ sở Quảng Nam... Sự giúp đỡ bất ngờ và đầy sự quan tâm ấy khiến cuộc sống của ông Thương và các con bước sang trang mới.

Từ nhiều năm nay, trẻ em khó khăn, thiệt thòi luôn là đối tượng được xã hội quan tâm, tiếp sức. Mọi người không chỉ chú ý đến những em bé được nuôi dưỡng tập trung tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, mà còn mở rộng vòng tay đến những em bé sinh ra và lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, có nguy cơ bỏ học giữa chừng.

Ba năm nay, đều đặn mỗi tháng, anh Lê Công Khương, tổ 22, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu mang đến cho em Võ Văn Kỷ, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trưng Nữ Vương 300.000 đồng. Số tiền tuy không lớn, nhưng lại là chiếc phao cứu sinh của Kỷ.

Không may mắn như chúng bạn, Kỷ sinh ra trong một gia đình nghèo có mẹ mù lòa, chật vật trên con đường tìm kế sinh nhai. Chuỗi ngày bé thơ sống trong cảnh đói sữa, lạt cơm, không biết đến những món ăn tưởng chừng như rất bình thường của bất kỳ đứa trẻ nào. Từ khi học mẫu giáo, Kỷ thường xuyên đến trường với bộ quần áo cũ kỹ được mẹ xin về. Bây giờ, nhờ sự giúp đỡ của mọi người, Kỷ có áo quần mới đầu năm học, thỉnh thoảng được người lớn cho tiền đi ăn kem. Như thế, với một đứa trẻ như Kỷ đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Bà Nguyễn Thị A, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em quận Liên Chiểu chia sẻ, để tạo niềm tin và uy tín đối với nhà hảo tâm, các nhóm từ thiện hiện nay hoạt động dưới hình thức: xin bao nhiêu trao hết bấy nhiêu. Do vậy, các hoạt động xã hội này chưa thật sự ổn định, số tiền tài trợ phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chưa kể, nhiều trường hợp đặc biệt khó khăn cần hỗ trợ đột xuất hay bệnh hiểm nghèo cần nhập viện ngay, các nhóm, hội đành lực bất tòng tâm do không có nguồn quỹ dự trữ. Đây cũng là một trong những khó khăn mà những người làm công tác từ thiện xã hội như bà đang đối mặt.

Tính riêng từ năm 2010 đến 2014, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Đà Nẵng đã vận động hơn 109 tỷ đồng, tiếp sức cho hàng ngàn người già, trẻ em và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Từ số tiền này, có rất nhiều chương trình thiết thực ra đời như “Mái ấm tình người”, “Viết tiếp ước mơ”, “Vòng tay nhân ái”, dự án “Xây dựng mạng lưới bảo vệ, ngăn ngừa trẻ em bỏ học dựa vào gia đình và cộng đồng”. Trong đó có khoảng 70% tổng số tiền tài trợ đến từ các tổ chức phi chính phủ như Siloam (Anh), La Goutte d’Eau (Pháp), Giving It Back To Kids (Hoa Kỳ), Tổ chức Nhân đạo quốc tế Samaritan’s Purse hay Hội Thánh Tin Lành trưởng lão Việt Nam...

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.