.

Tự hào tuổi trẻ Đà Nẵng

.

Bằng cách này hay cách khác, tuổi trẻ phố biển luôn sẵn sàng tiếp bước cha anh, miệt mài cống hiến, lặng thầm tô sắc để mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên ngày càng rạng rỡ…

Lê Hạ Uyên trong một lần đi tour cùng Đại sứ Anh Giles Lever.Ảnh: T.A
Lê Hạ Uyên trong một lần đi tour cùng Đại sứ Anh Giles Lever. Ảnh: T.A

Không ngừng học hỏi

Sinh năm 1975, chỉ vài ngày sau mốc son hào hùng của dân tộc - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - anh Lê Cảnh Dương không trực tiếp chứng kiến cảnh quê hương bị dày xéo. Vậy nhưng, hình ảnh khó khăn sau chiến tranh, sự tất bật của cha mẹ trong những ngày đầu vào tiếp quản thành phố Đà Nẵng và bắt tay dựng xây quê hương đã hun đúc lòng nhiệt huyết nơi chàng trai trẻ.

Là thế hệ đầu tiên sau ngày giải phóng được học chương trình cải cách giáo dục, anh đã thể hiện niềm say mê, hiếu học của mình. Cố gắng của anh được đền đáp bằng sự vinh danh trong cuốn Kỷ yếu nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Khi ấy, anh cũng vừa tròn 10 tuổi, là một trong những học sinh xuất sắc, tiêu biểu của ngôi trường trọng điểm PTCS Trưng Vương (nay là Trường THCS Trưng Vương).

Gương mặt rạng ngời niềm hạnh phúc, anh chia sẻ: “Sinh ra ngay thời điểm bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc, tuổi đời của tôi cũng gắn liền với ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước. Tôi tự hào về điều này và luôn lấy đó làm động lực, tự nhắc nhở bản thân phải không ngừng cố gắng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để có thể góp phần nhỏ bé dựng xây thành phố quê hương ngày càng phát triển…”.

Với quyết tâm ấy, anh thi đậu vào Trường PTTH chuyên Lê Quý Đôn, rồi tốt nghiệp thủ khoa Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Thành tích học tập xuất sắc đã mang đến cho anh cơ hội được đầu quân về Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng vừa mới thành lập. Không tự mãn với những gì mình đạt được, anh mày mò săn tìm các suất học bổng nước ngoài để trau dồi thêm kiến thức.

Đến năm 2003, anh được nhận học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế tại ĐH Queensland (Úc). Trở về nước, anh tiếp tục công tác tại Sở Ngoại vụ thành phố, góp phần thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các địa phương và tổ chức nước ngoài. Anh cũng vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Cán bộ trẻ, là sân chơi sáng tạo và hun đúc nhiều ý tưởng về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng.

Hoạt động trong môi trường kinh tế đối ngoại đầy sôi động, các công ty và tổ chức nước ngoài nhiều lần ngỏ lời mời làm việc với hứa hẹn hấp dẫn nhưng anh luôn từ chối vì “mình “nặng nợ” với quê hương Đà Nẵng, đồng thời phải có trách nhiệm với sự tin tưởng của lãnh đạo thành phố…”. Từ năm 2006, trên cương vị Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thành phố, anh đã góp phần tích cực trong công tác quảng bá hình ảnh về môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án FDI vào Đà Nẵng.

Bận rộn với công tác chuyên môn, anh Lê Cảnh Dương vẫn thu xếp thời gian để làm nghiên cứu sinh, đồng thời “đóng vai” giảng viên thỉnh giảng môn Kinh tế quốc tế tại khoa Quốc tế học, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng) như một cách mà anh tri ân ngôi trường đã nuôi dưỡng hoài bão tuổi trẻ của mình, đồng thời chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho các bạn sinh viên.

Ngắm nhìn dòng sông Hàn hiền hòa từ nơi làm việc, anh nói một cách chân tình: “Là một người con của thành phố Đà Nẵng, tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc. Tôi tự hào với bạn bè trong nước và quốc tế về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cống hiến hết mình cho sự phát triển của thành phố này…”.

Quảng bá “thương hiệu” quê hương

Niềm say mê đặc biệt với các món ăn quê hương cùng sự nhiệt tình, sáng tạo của tuổi trẻ, cô gái Lê Hạ Uyên (SN 1988, hiện đang làm việc tại một công ty du lịch ở Đà Nẵng) đã góp phần giúp
ẩm thực Đà Nẵng vang danh trên thế giới. Ngày 20-3-2012, tạp chí Weekend Weekly nổi tiếng của Hồng Kông đã dành hẳn 20 trang viết về Hạ Uyên và giới thiệu một số món ăn vỉa hè của Đà thành.

Năm 2013, ẩm thực Đà Nẵng cùng Hạ Uyên tiếp tục xuất hiện trên một tờ báo uy tín của Mỹ là New York Times. Thành quả này là cả hành trình dài cô gái trẻ lang thang khắp các con phố, ngõ hẻm tìm những quán bán đồ ăn truyền thống nổi tiếng để chụp ảnh, viết bài trên trang blog cá nhân mang tên: danangcuisine.com.

 Năm 2010, Hạ Uyên đi du học ở Nhật, tại một ngôi trường có rất đông sinh viên quốc tế. Trong những lần cùng bạn bè khám phá ẩm thực Nhật, bạn thường hay hỏi Uyên: “Việt Nam có món gì ngon?”, “Mình đến Đà Nẵng có thể ăn gì, ở đâu?”… Lúc đó, dù Uyên rất hào hứng, giới thiệu vô số món ngon quê hương cho các bạn, nhưng dù kể chi tiết thế nào mà không có hình ảnh cũng rất khó để hình dung được.

Mang trong lòng sự ấm ức ấy, Hạ Uyên quyết tâm thực hiện điều gì đó cho ẩm thực Đà Nẵng. Từ đó, tranh thủ mỗi lần về thăm nhà, Hạ Uyên lại miệt mài tìm hiểu tỉ mẩn về các món ăn. “Không chỉ tìm hiểu cách làm, cách ăn mà còn nghiên cứu vì sao món ăn này Đà Nẵng có mà nơi khác không có, ý nghĩa của món ăn này là gì. Không chỉ đi, mình còn đọc sách và gặp gỡ những người am hiểu về văn hóa ẩm thực…”, Hạ Uyên chia sẻ.

Câu chuyện món ăn quê hương được Hạ Uyên chăm chút từ blog rồi chuyển sang website, từ những bài viết gần gũi, chân thật đến các video clip công phu, sinh động. Bạn bè trong nước lẫn quốc tế dần dần biết đến cái tên Lê Hạ Uyên và ẩm thực Đà Nẵng, ẩm thực miền Trung nhiều hơn. Đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài trước khi đến Đà Nẵng đã chủ động liên lạc với Uyên để mời đi ăn cùng. Nhiều lần như thế, Uyên nảy sinh ý tưởng mở tour du lịch ẩm thực.

Tour không dài, chỉ độ tầm 2-3 tiếng vào buổi trưa hoặc buổi tối nhưng khiến những ai từng trải nghiệm đều vô cùng thích thú. Bởi lẽ, không chỉ được thưởng thức món ngon Đà Nẵng, họ còn được cô gái trẻ “thuyết minh” cặn kẽ, kể những câu chuyện thú vị đằng sau mỗi món ăn.

Trong nhiều vị khách tìm đến Hạ Uyên, có những vị khách vô cùng đặc biệt. Như vị Đại sứ Anh Giles Lever chỉ trải nghiệm 1/3 thời gian tour nhưng thích thú thưởng thức đến 3 món: mì Quảng, bánh bèo và cà-phê. Tất cả đều là những quán vỉa hè với dăm chiếc ghế nhựa giản dị nhưng lại gây ấn tượng đặc biệt với ông. Như cặp vợ chồng người Úc đã nhiều lần ghé đến Hội An nhưng lần đầu tiên quyết định du lịch Đà Nẵng lại xuất phát từ niềm hứng thú với các món ăn được giới thiệu trên trang web của Hạ Uyên…

Hạ Uyên bảo: “Đà Nẵng là nơi mình sinh ra và lớn lên, cũng như nhiều người con khác của quê hương, mình luôn mong muốn được cống hiến và cống hiến cho thành phố nhiều hơn nữa…”. Cứ như thế, ngày qua ngày, cô gái nhỏ thầm lặng góp phần quảng bá “thương hiệu” quê hương bằng một cách rất riêng.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.