.

Những nét tương đồng về hai Tham mưu trưởng Mặt trận 4

.

Hai Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà là Đinh Châu (Nguyễn Hữu Đức) và Hà Văn Trí đều có nhiều nét tương đồng đặc biệt.

Anh Đinh Văn Ba (trái) cùng vợ và con trai thắp hương liệt sĩ Đinh Châu. Ảnh: H.V
Anh Đinh Văn Ba (trái) cùng vợ và con trai thắp hương liệt sĩ Đinh Châu. Ảnh: H.V

Đó là cả hai đều là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), được đặt tên ở hai con đường ở thành phố Đà Nẵng. Họ đều hy sinh năm 1968, trong tư thế tiến công và được người dân Hòa Vang giữ gìn hài cốt. Gia đình có hai thế hệ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH).

Gia đình giàu truyền thống cách mạng

Tết Mậu Thân, đồng chí Đinh Châu, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Tham mưu trưởng Mặt trận 4, Thành đội trưởng Đà Nẵng, được Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 cử làm chỉ huy trưởng cánh quân Đông Nam, dùng Tiểu đoàn 1 (R20) thọc sâu, mở bàn đạp cho Sư đoàn 2 phát triển vào nội thành và đã hy sinh quả cảm rạng sáng ngày 31-1-1968.

Người con trai duy nhất của liệt sĩ Đinh Châu là Đinh Văn Ba (hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần xe khách và dịch vụ thương mại Đà Nẵng) đã kể lại những năm tháng đau thương của gia đình mình. Sau khi ông nội anh là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến của xã Điện Nam Đông, Điện Bàn (Quảng Nam) hy sinh, bà nội mất, các chú đều đã thoát ly. Anh cùng người anh trai đi theo ba lên căn cứ. Mẹ đưa tiễn mà nước mắt vòng quanh. Rồi nghe lời ba, anh vượt Trường Sơn ra miền Bắc học.

Trong 2 năm 1967, 1968, anh liên tiếp nhận được những cái tin đau đớn từ quê nhà. Mẹ đã anh dũng hy sinh; anh Đinh Lưu, chiến sĩ thông tin cũng đã ngã xuống trong một trận đánh; ba hy sinh ở mặt trận Đà Nẵng. Đầu năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thôi thúc anh dừng chân không đi học nước ngoài để trở về quê hương. Khi biết tất cả tin báo đều là sự thật, anh như gục ngã.

Vậy là gia đình anh, ngoài ông Đinh Châu là Anh hùng LLVTND, bà nội anh là Phạm Thị Huệ là Bà mẹ VNAH, mẹ anh là Nguyễn Thị Phấn cũng là Bà mẹ VNAH (có chồng, con và bản thân là liệt sĩ). Gia đình anh Ba giờ chỉ có một con trai. Noi gương truyền thống gia đình, cháu đã phấn đấu, là đảng viên khi đang học đại học hàng hải ở Ucraina và bây giờ ra trường công tác ở  thành phố Đà Nẵng.

Anh hùng LLVTND Hà Văn Trí, nguyên Đặc Khu ủy viên Quảng Đà, Tham mưu trưởng Mặt trận 4, kiêm Quận đội trưởng quận Nhất (Đà Nẵng) là người kế nhiệm cương vị của liệt sĩ Đinh Châu. Tháng 8-1968, Đặc Khu ủy Quảng Đà phát động chiến dịch tiến công và nổi dậy toàn Đặc khu mang tên X2. Chỉ huy trưởng cơ quan tiền phương Mặt trận 4, Quận đội trưởng quận Nhất Hà Văn Trí trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 89 Đặc công, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 cùng các cánh quân đồng loạt nổ súng tấn công, giáng những đòn sấm sét vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy. Đây là trận tiến công quân sự lớn đầu tiên của quân ta vào quận lỵ Hòa Vang.  

Ngày 25-8-1968, quân Mỹ, ngụy sử dụng lực lượng tương đương 1 trung đoàn, tấn công Giáng Đông. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày. Quân ta đã tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ ngay trên công sự. Chúng điên cuồng phản công, Tham mưu trưởng Hà Văn Trí hy sinh ở hầm bí mật, tay còn cầm đèn pin trong tư thế đi kiểm tra chiến trường.

Chị Hà Tô Lệ, hiện làm ở Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi  xúc động kể: “Quê nội tôi ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Ngoài ba tôi là Anh hùng LLVTND, bà nội, cô ruột tôi cũng là Bà mẹ VNAH. Ba tôi vào Nam khi tôi mới 18 tháng tuổi. Ba thường gửi thư cho mẹ trong đó gửi riêng cho tôi hai lá, dặn dò tôi rất nhiều. Ba tâm sự: “Ba đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trả thù cho gia đình mình ở trong Nam bị Mỹ- ngụy sát hại. Cuộc chiến tranh còn dài, chưa biết bao giờ ba mới ra thăm con. Con gái ở nhà ngoan ngoãn, nghe lời mẹ, học giỏi…”. Những lá thư ấy đã là niềm hạnh phúc suốt thời thơ ấu của tôi. Tôi luôn tự hào về ba của mình. Đồng đội của ba tôi ở Trung đoàn 1 hay Đà Nẵng, Quảng Nam có dịp lại vào thắp hương cho ba tôi”.

Anh hùng LLVTND Hà Văn Trí cùng vợ con ở miền Bắc trước khi vào Nam chiến đấu.
Anh hùng LLVTND Hà Văn Trí cùng vợ con ở miền Bắc trước khi vào Nam chiến đấu.

Hành trình tìm hài cốt hai người anh hùng

Chuyện tìm hài cốt của Anh hùng Đinh Châu quả là sự may mắn. Ông Võ Thanh Ba, người đánh Trung Lương, Cồn Dầu Tết Mậu Thân 1968, nguyên trợ lý tham mưu của Mặt trận 4, hiện ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn) vẫn nhớ rất rõ ký ức bi hùng vào đêm 30-1, tức 29 Tết… Do kế hoạch hợp đồng bị trục trặc, địch biết trước và phản kích quyết liệt. Thường vụ Đặc khu ủy quyết định chuyển phương án chiến đấu, tiến công tiêu diệt địch ở Cồn Dầu, làm chủ Trung Lương, đánh địch phản kích. Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức căng thẳng. Gần sáng, ngụy điều động dày đặc, có cả xe tăng, máy bay kéo đến bao vây, phản kích. Đồng chí Đinh Châu và nhiều đồng chí khác hy sinh.

Suốt 45 năm, anh Đinh Văn Ba tìm cha trong vô vọng. Anh kể: “Vùng này trước là cỏ rậm rạp, bây giờ san ủi, đất đai bạt ngàn nên gia đình không biết đâu mà lần. Tháng 11-2012, nhờ người thân cung cấp những chứng cứ quan trọng, chúng tôi quyết tâm bám địa bàn tìm cho bằng được, tập trung ở Cồn Dưa chứ không phải Cồn Dầu như trước”.

Anh Ba cũng không ngờ rằng, Đại đức Thích Quảng Pháp ở Hòa Xuân chính là người góp phần giữ hài cốt liệt sĩ Đinh Châu. Từ 3 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy sau giải phóng, gia đình ông biết nơi đây nhiều cán bộ hy sinh trong trận Mậu Thân nên đã chôn cất lại chu đáo đưa vào chung khu vực và hằng ngày khói hương. Nhiều lần ban quản lý khu đô thị mới có ý khuyên gia đình ông giải tỏa để vào làng, nhưng ông xin giữ lại khu mộ. Nhờ vậy, ngày 25-11-2012, hài cốt liệt sĩ Đinh Châu đã được tìm thấy trong niềm vui khôn xiết của gia đình và đồng đội.

Bảo vệ hài cốt Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Hà Văn Trí suốt những năm chiến tranh là gia đình anh Nguyễn Văn Miễn ở thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu, Hòa Vang.

Anh Hai Miễn từng làm thầy giáo, ký ức về những ngày chiến tranh còn in sâu ở tuổi thơ cùng lời kể của mẹ là bà Trần Thị Hè và chú là Nguyễn Bột (Tường). Phía sau nhà anh bây giờ từng là căn hầm nơi đồng chí Hà Văn Trí chiến đấu. Chiều sẫm tối 25-8-1968, ông Nguyễn Bột thấy ngơi tiếng súng ở làng mình mới tìm về thì chứng kiến tổn thất lớn. Ông Bột cùng cơ sở đã rửa bằng dầu hỏa thi hài người cán bộ lớn tuổi nhất, cẩn trọng quấn vào vải dù, đặt vào hòm, đưa ra vườn Dung, khu vườn hoang chôn cất, làm dấu cho dễ nhớ.

Sau này ông bị bắt vào tù, người thường xuyên hương khói cho Tham mưu trưởng Hà Văn Trí cho đến ngày giải phóng là bà Trần Thị Hè. Mặc cho kẻ thù dòm ngó, ngôi mộ của đồng chí Hà Văn Trí vẫn được giữ cho đến ngày giải phóng. Bà trao lại chính quyền xã để đưa vào nghĩa trang. Sau nhiều năm kiên trì tìm kiếm, thông qua đồng đội của cha, năm 2000, chị Hà Tô Lệ, đã tìm được nhà anh Nguyễn Văn Miễn. Khi biết tình cảm của người dân Giáng Đông suốt bao nhiêu năm đã luôn hương khói cho người cha yêu quý của mình, chị đã ôm lấy bà con mà khóc.

Hai Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Quảng Đà đã hy sinh, nhưng trong tâm thức của người dân Đà Nẵng, chiến công và lòng quả cảm của hai ông còn sống mãi.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.