.

Vẫn mãi nhớ ơn

.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người ở lại, được sống, được hưởng tự do, hòa bình trên quê hương mình sẽ không bao giờ quên ơn máu xương của cha anh đã đổ.

Các em học sinh dâng hương tại Tượng đài Anh hùng Nguyễn Phú Hường. Ảnh: Q.T
Các em học sinh dâng hương tại Tượng đài Anh hùng Nguyễn Phú Hường. Ảnh: Q.T

Như một cách để tri ân, chỉ tính từ thời điểm 1975 đến nay, ở Đà Nẵng đã có hơn 75 tuyến đường và 11 ngôi trường mang tên những Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) thời chống Mỹ.

Ngôi trường mang tên anh hùng

Đất mẹ Hòa Tiến hiền hòa là nơi đã sinh ra rất nhiều người con ưu tú cho vùng đất anh hùng. Trong đó, không thể không kể đến Anh hùng Nguyễn Phú Hường. Năm 2007, UBND huyện Hòa Vang đã quyết định lấy tên anh để đặt cho Trường THCS Hòa Tiến.

Tìm về nhà thầy Nguyễn Đình Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phú Hường, đồng thời là người bạn học, đồng chí, đồng đội của anh Nguyễn Phú Hường, cuộc trò chuyện như nhắc nhở thầy về một thời khói lửa đã xa, về những tháng năm miệt mài nhả tơ dệt mơ ước cho bao thế hệ học trò. “Đối với tôi, dù trường chưa đổi tên hay đã đổi tên, trong tôi vẫn nguyên vẹn một mối tình bởi đó là ngôi trường trên quê hương mình, nơi cha anh mình đã hy sinh máu xương mới có được.

Biết bao thế hệ thầy trò Hòa Tiến đã thầm lặng phấn đấu vun đắp mà nên. Khi trường được vinh dự mang tên Nguyễn Phú Hường, vừa là người bạn, người đồng chí của tôi thì đó là động lực mới, nhắc nhở mình phải sống sao cho xứng đáng, làm gì để xây dựng phát triển nhà trường ngày càng tốt hơn để người đã khuất ấm lòng nơi chín suối”, thầy Hùng xúc động nói. Nguyễn Phú Hường khi tham gia cách mạng chỉ mới 13 tuổi và hy sinh năm 22 tuổi - tuổi đời còn rất trẻ nên bây giờ, các thế hệ học sinh của Trường Nguyễn Phú Hường đều trìu mến gọi anh bằng “Anh”.

Ngay tại sân trường rộng lớn của Trường THCS Nguyễn Phú Hường là tượng đài anh Nguyễn Phú Hường - nơi hằng tuần, học sinh làm lễ chào cờ, nơi mà mỗi khi đi thi học sinh giỏi, các em đều ra kính cẩn dâng hương. Cô Nguyễn Thị Sương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phú Hường cho biết: “Hằng năm, nhà trường đều tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Anh hùng Nguyễn Phú Hường. Hằng tuần, hằng tháng trong các buổi học ngoại khóa, giáo viên chủ nhiệm cũng cùng các em ôn lại lịch sử người anh hùng mà trường mang tên. Đặc biệt, nhà trường cũng in tiểu sử anh Nguyễn Phú Hường vào cuốn vở khen thưởng để các em học sinh khi cầm cuốn vở trên tay đều tự nhắc nhở mình sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của cha ông”.

Những con đường trong lòng dân

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng trên 75 tuyến đường được đặt theo tên các vị Anh hùng LLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đây là một việc làm có ý nghĩa đã được thực hiện từ rất lâu với mục đích tôn vinh, tri ân những công lao, đóng góp của những anh hùng, người có công với dân tộc nói chung, quê hương Đà Nẵng nói riêng.

Những con đường mang tên anh hùng LLVTND thời chống Mỹ hầu hết là đường mới, được đặt, đổi tên từ năm 2000 trở đi. Tại quận Ngũ Hành Sơn, tên gọi của những con đường ở đây ngoài chức năng thông tin chỉ dẫn còn là một sản phẩm văn hóa và lịch sử. Nhiều anh hùng địa phương được đặt tên cho các tuyến đường như Mai Đăng Chơn, Phan Hành Sơn, Phạm Nổi… rất gần gũi với người dân. Tuy nhiên, trên những tuyến đường này, thử tìm hiểu một số hộ dân về lai lịch tên đường, thì rất nhiều người còn lúng túng.

Một hộ may rèm cửa trên đường Mai Đăng Chơn cho biết, khi về đây mở tiệm thì con đường đã có tên, nhưng chỉ biết đó là tên một anh hùng, chứ không biết cụ thể. Một số hộ dân khác thì cho biết, rất mong muốn có một bảng vắn tắt ghi tiểu sử người anh hùng để những người trong gia đình được biết, nhất là lớp trẻ. Càng ý nghĩa hơn, khi người dân được biết người anh hùng đã sinh ra và chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này.

Để giúp người dân hiểu về ý nghĩa của mỗi tên đường, trên website của UBND quận Ngũ Hành Sơn có chuyên mục “Thông tin các tuyến đường”. Ông Đoàn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, chuyên mục này giúp nhân dân địa phương và du khách gần xa khi đến Ngũ Hành Sơn biết được địa chỉ của những con đường, thuận tiện cho việc thông tin, đi lại và cũng là dịp để giới thiệu cho du khách về Đất và Người của Ngũ Hành Sơn, giáo dục cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước của cha ông.

Sắp tới, theo mô hình của Ngũ Hành Sơn, Phòng Văn hóa-Thông tin các quận, huyện trên địa bàn thành phố sẽ nghiên cứu để có các hình thức tuyên truyền hiệu quả, phổ biến cho người dân về tiểu sử, lịch sử các con đường trên địa bàn thành phố.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.