.

Đừng bao giờ dừng lại…

.

Có biết bao nhiêu người ở thành phố này âm thầm làm việc tốt, âm thầm suy tư những điều thiết thực, có ích, sống an nhiên, mạnh mẽ, chịu thiệt thòi vì cái chung, hành động tích cực cho đời sống này. Họ là  những viên gạch bền bỉ, trĩu nặng giấc mơ cho ngôi nhà lớn vững vàng theo tháng năm.

Cầu quay Sông Hàn - một trong những đổi thay lớn của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ
Cầu quay Sông Hàn - một trong những đổi thay lớn của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: MINH TRÍ

“Tau  định viết cuốn tiểu thuyết Nụ hôn trước giờ nổ súng”. Nói đến đây, ông dừng. Hai mươi năm rồi, không biết đến giờ ý định đó đã thành chưa? Nhà nát, tường đổ, của nả là chiếc xe đạp bộ đội không sơn sửa, vườn rau muống, mấy thùng gỗ nuôi ong, heo gà phất phơ phập phù. Nhưng sáng nào ông cũng chạy xuống biển Mỹ Khê tắm, rồi quay về bám vườn. Ở dáng vóc cao gầy ấy, chưa bao giờ tôi nghe một tiếng thở dài, dẫu kín đáo. Năm 1989, về hưu với hàm trung tá, cởi áo lính, là ông vác cuốc. Lên Phú Túc trồng rừng. Lên Hòa Cầm làm vườn.

Lộn về Phước Mỹ trồng cúc. Học nuôi ong. “Nhớ lại lúc ở  gần trường đó, khổ ghê gớm! Ba cha con đi vớt rong nuôi heo, kéo lưới thuê tận trên biển Phú Lộc, còn con gái và mẹ nó thì đi bán vé số, chế độ sĩ quan cấp tá một tháng được ít sữa, thuốc lá, đường, mang hết lên ngã tư bán để kiếm sống, nhưng chưa bao giờ cậu tắt hy vọng”, ông nói. Rồi nhà cửa dịch chuyển đến… 6 lần. Để rồi bây giờ đã qua tuổi 80, ông về lại tổ 35 phường Phước Mỹ.

“Con gái nói ba là con người của đổi mới, nghĩ cũng đúng, cậu không bao giờ chấp nhận cái
cũ - ông cười - trong nhiều thứ phải thay đổi thì lần bán nhà ở gần trường là quyết định khó khăn nhất nhưng vô cùng đúng đắn, bởi 3 đứa con đi học, không bán nhà, lấy đâu ra tiền. Lúc đó, người ta nói làm quan là làm quan, làm lính là làm lính, đảng viên, đại học làm chi, miễn là có tiền. Nhưng cậu nghĩ khác, quyết phải cho con học, chính vì thế mà 3 đứa bây giờ công việc đàng hoàng hết”.

Tôi nhìn ông, như cột thu lôi thu vào hết những nhọc nhằn. Mười lăm tuổi còn đi ở đợ cho ba người. Vào bộ đội năm 1950, đánh nhau ở Quảng Nam, Tây Nguyên, khu 4, Lào.

Giải phóng, về quê thì vẫn nhọc nhằn đời lính. Cái khổ đeo đuổi, nhưng xem ra nó táp vào ông lại chẳng thấm tháp gì. “Cả đời cậu nuôi dưỡng một niềm vui là học, học không ngừng để không lạc hậu. Đừng đứng yên, hãy suy nghĩ, nhìn mọi việc trong sự vận động đi tới, luôn làm mới chính mình. Chừng này tuổi đây mà sáng nào cậu cũng vào Internet xem thời sự, các vấn đề kinh tế, văn hóa, sức khỏe, đọc nhiều và chắc lọc, suy ngẫm.

Hãy thay đổi, giống như chuyện đổi thay của Đà Nẵng gần 20  năm qua. Nếu không có quyết sách đền bù giải tỏa, thì mấy trăm ngàn nhà cửa ở thành phố này, từ Thuận Phước, Sơn Trà đến Liên Chiểu, Thanh Khê, Hòa Vang mãi mãi là nhà cấp 4, mãi  mãi là những con đường lầy lội. Đó là một sự giải phóng, muốn hay không, có thể có những cái sai, nhưng buộc phải ghi nhận đó là thắng lợi to lớn của Đà Nẵng. Chưa chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng, thì Đà Nẵng chỉ ngang cấp huyện, bó chân tay không làm chi được.

Lên thành phố thuộc Trung ương, là khác ngay. Đà Nẵng phải ghi công ông Bá Thanh, ví dụ sau này có ai muốn đổi tên cầu Rồng thì nên đổi thành cầu Nguyễn Bá Thanh. Cậu ra đi từ quân đội, kinh nghiệm xương máu cho thấy câu “cán bộ nào, phong trào đó” là không bao giờ sai”. Về hưu, ông đâu nghỉ, lại xắn  tay làm tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, Chủ tịch Mặt trận phường, báo cáo viên của Quận ủy. Ông tên là Hoàng Kiếm.

“Làm cán bộ mà không có thông tin là hỏng. Hãy lắng nghe, chắt lọc và dám quyết”. Tôi biết ông không nói theo kiểu của những người đã về hưu, nói cho… đẹp đội hình, hoặc kiểu như “thái thượng hoàng” dạy bảo, hoặc không có thông tin, không đi lại, nghiền ngẫm. “Cậu có dịp đi một số tỉnh, một số nước, đối chiếu lại quy hoạch du lịch Đà Nẵng, xem ra còn lắm vấn đề phải làm, bởi Đà Nẵng đã xác định thế mạnh của mình là du lịch và CNTT.

Ví dụ đường Võ Nguyên Giáp, nên quy hoạch làm phố du lịch như đường Trần Phú ở Nha Trang, đường ven biển ở Quy Nhơn, không thể có kiểu chia lô nhỏ mà làm nhà, hỏng hết. Còn rất nhiều tuyến phố, khu dân cư, không thể tái diễn tình trạng mở đường 3,5m, nhà 4-5m ngang là không được, bởi sẽ dẫn đến manh mún. Rồi quá ít cây xanh, làm du lịch bây giờ là sinh thái chứ không phải là quán nhậu. Hành xử văn hóa còn lắm thứ lo. Hãy nhìn thẳng vào thực trạng là tư duy phong kiến, tiểu nông, nhỏ lẻ trong lãnh đạo vẫn còn ở rất nhiều người.

Đà Nẵng sẽ phát triển nữa, mạnh mẽ và hoàn thiện hơn, nhưng ngoài việc toàn dân đồng lòng dốc sức, thì cậu nghĩ rằng, cán bộ phải  lắng nghe dân, nghe thực chất, rồi làm theo điều đúng, phải học không ngừng, nâng mình lên, theo kịp và vượt lên đời sống, mới có thể vận hành chính sách không bị đi lạc, để sau này nhìn lại, bớt đi những ân hận, khiếm  khuyết”.

Giọng ông đầy ưu tư. Tôi hay nghĩ về những suy tư đường phố, những chia sẻ âm thầm, những lời gan ruột đi ra từ những trái tim chứa chan nhiệt huyết với đời. Họ sống sạch, suy nghĩ sạch. Tiếng nói của họ chân thành, hướng thiện và giàu giá trị thực tiễn. Mấy mươi năm phát triển của một vùng đất, bao nhiêu giấc mơ đã sinh sôi và bay lên từ những căn nhà hẹp đến những cao ốc chọc trời.

Dưới những chân cột đèn, những mái hiên già nua hay tươi mới, có những đôi mắt âm thầm dõi theo nhịp sống và họ cố gắng gắp hết những dăm, bụi vướng trong mắt, để nhìn về phía cuối con đường với một niềm tin, rằng ở đó, có thể chưa là đóa hoa rực rỡ chào đón, nhưng ở đó là quầng sáng bình yên. Những điều ông nói, có thể có điều không mới, nhưng ở một người quá nhiều cơ cực như ông, đã tuổi xế chiều, chẳng phải quyền cao chức trọng, chẳng ăn lộc nước, dù ông đã 50 năm tuổi Đảng, mà đau đáu âu lo không phải cho chính mình, há chẳng phải là đáng ghi nhận sao?

Có biết bao nhiêu người ở thành phố này âm thầm làm việc tốt, âm thầm  suy tư những điều thiết thực, có ích, sống an nhiên, mạnh mẽ, chịu thiệt thòi vì cái chung, hành động tích cực cho đời sống này. Họ là  những viên gạch bền bỉ, trĩu nặng giấc mơ cho ngôi nhà lớn vững vàng theo tháng năm.  

NAM KHANG

;
.
.
.
.
.