.

Màu Tết

.

Nếu hình ảnh “những thằng cu áo đỏ chạy lon xon” đã từng làm cho bức tranh Chợ Tết sáng bừng lên trong câu thơ xưa của Đoàn Văn Cừ thì những cửa hàng quần áo thời trang rực rỡ xếp dài trên con phố Lê Duẩn, Lê Lợi ngày nay đã góp thêm sắc màu cho bức tranh xuân của Đà Nẵng.

Tết không thể thiếu những chiếc bóng bay nhiều kiểu dáng, sắc màu. Ảnh: KHẢ TRÍ
Tết không thể thiếu những chiếc bóng bay nhiều kiểu dáng, sắc màu. Ảnh: KHẢ TRÍ

Những ngày cuối tháng Chạp, hơi hướng ngày Tết bắt đầu trong cái nắng vàng ươm chảy tràn trên khắp nẻo đường thành phố. Nắng xôn xao trên ngọn cây bàng lá đỏ, thắp lên hai hàng lộc biếc chạy dài theo các khu dân cư, trường học. Cái nắng cuối đông hiếm hoi trong tiết trời se se lạnh ấy đã làm cho cảnh vật thành phố như tươi vui hẳn lên. Dường như, ai cũng nhận ra rằng, Đà Nẵng những ngày vào xuân như khoác lên chiếc áo mới sắc màu rực rỡ...

Dễ nhận thấy, phố xá Đà Nẵng những ngày giáp Tết nhộn nhịp và đông vui hơn bao giờ hết. Từ những cửa hàng ở các trục đường phố chính như Lê Duẩn, Lê Lợi, Hùng Vương, Trần Phú… đến các đường ngoại ô đều ngập tràn hàng Tết. Việc mua sắm những bộ cánh mới mà điều được ưu tiên hàng đầu không chỉ đối với trẻ con mà ngay cả người lớn cũng háo hức không kém. Nếu hình ảnh “những thằng cu áo đỏ chạy lon xon” đã từng làm cho bức tranh Chợ Tết sáng bừng lên trong câu thơ xưa của Đoàn Văn Cừ thì những cửa hàng quần áo thời trang rực rỡ xếp dài trên con phố Lê Duẩn, Lê Lợi ngày nay đã góp thêm sắc màu cho bức tranh xuân của Đà Nẵng.

Dường như cái tâm lý năm mới, cái gì cũng phải mới mẻ nên tuy không hẹn nhưng nhà nào cũng tập trung trang trí mới nhà cửa cho thật đẹp. Chính vì vậy nhu cầu về đèn trang trí, hoa, khẩu hiệu chúc mừng năm mới… tăng cao một cách đáng kể trong những ngày cận Tết.

Đi dọc các đường Điện Biên Phủ, Ông Ích Khiêm… những nơi được xem là “thủ phủ của đồ điện gia dụng”, người ta dễ có cảm giác như đang trôi trong một thế giới của màu vàng, sắc đỏ. Những bông mai vàng đủ kích cỡ được cắt sẵn, những dây đèn điện nhấp nháy giá vài ba chục ngàn đến hơn trăm ngàn, những phong pháo điện ngời sắc đỏ kiêu hãnh treo trên cao với giá ngất ngưởng… Theo lời một nhân viên tại cửa hàng bán đồ điện trang trí đường Điện Biên Phủ, giá một dây pháo điện cỡ đại, dài 1 mét có giá 1 triệu, loại dài 2 mét có giá đến gần 2 triệu đồng. Đắt thế nhưng vẫn có người chịu chi tiền rinh về nhà để không khí đón xuân thêm phần rôm rả.

Tết, phố phường là bức tranh nhiều màu sắc. Mọi người ai cũng mang về nhà một chút sắc màu cho thắm ngày xuân. Một xấp bao lì xì bắt mắt giá chỉ vài nghìn đồng được cung cấp bởi những người chuyên nghề bán cả sỉ lẫn lẻ những đồ vật liên quan đến lễ, Tết. Những chữ Phước, Lộc, Thọ, mừng xuân Ất Mùi, vạn sự như ý... được cắt dán, sơn son thiếp vàng đẹp mắt. Những-thằng-cu-áo-đỏ-thời-nay bị cuốn hút trước những hình ảnh quá mới lạ như thỏi vàng, đồng tiền vàng, hình mẫu đôi bé trai gái mặc trang phục cổ truyền hay những chiếc bóng bay nhiều kiểu dáng, sắc màu. Nếu trong Chợ Tết xưa của Đoàn Văn Cừ, những “cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ” thì ngày nay những câu đối Tết “như phụng múa rồng bay” trên nền giấy hay được dập, khắc, chạm trổ cầu kỳ trên gỗ cũng khiến cho những người nặng lòng hoài cổ khó thể dời chân.

Ra phố những ngày cận Tết người đông như hội. Dòng người từ ngoại ô đến ở ngay khu trung tâm thành phố cứ hối hả mua sắm. Hàng Tết, nếu có những thứ có thể bỏ túi mang về như bao lì xì hay thỏi vàng cầu may mắn thì cũng có những thứ phải vận dụng đến các phương tiện cơ giới mới đưa được đến tận nhà. Người ta đổ xô vào các vườn hoa, chợ hoa để mua cho được đôi chậu cúc vàng, chậu quất trĩu quả, một cành đào đỏ… xuýt xoa, ưng ý tại nơi bán chưa là gì cả, đến khi đưa được chúng về nhà “an toàn”, bày biện ở nơi hợp lý nhất, ra vào ngắm nghía mấy lần mới cảm thấy yên tâm với sắc màu mùa xuân mình vừa “tậu” được.

Như một cái lệ ngàn đời nay, Tết không thể thiếu hoa, bởi trong nhà ngày xuân mà thiếu đi màu vàng của hoa mai, hoa cúc, màu hồng tươi của hoa đào... thì còn gì là Tết. Nó giống như một cô gái mà thiếu gương lược, phấn son.

Những ngày này cả thành phố chừng như đâu cũng thấy sắc hoa. Hoa ly từ Đà Lạt về. Hoa hồng, hoa cúc Hà Nội vô. Hoa lay-ơn từ Phú Yên tràn ra. Hoa mai, vạn thọ Hội An ghé lại… Đặc biệt, những nghệ nhân trồng hoa ở các vườn hoa Hòa Cường, công nhân Công ty Công viên cây xanh tại các vườn ươm ở dưới chân cầu vượt Hòa Cầm, phường Hòa Thọ Tây, phường Hòa Xuân và bên cầu Tiên Sơn đang chạy đua với thời gian để có thể đưa lượng hoa lớn nhất kịp thời phục vụ nhu cầu hoa Tết của người dân thành phố trong khuôn khổ Hội hoa xuân.

Ai một lần đi qua khu vực những vườn hoa các đường 30 Tháng 4, Nguyễn Tri Phương… vào ban đêm mà không ngẩn ngơ trước hàng ngàn bóng đèn thắp sáng như những vì sao giăng mắc để sưởi ấm cho những nụ hoa sẽ làm cho mùa xuân thành phố lung linh sắc màu.

Về đêm, thành phố bên sông Hàn càng lộng lẫy hơn với những con đường đầy ánh sáng. Những người làm nghề thắp sáng đô thị đã vận dụng tất cả các kỹ thuật hiện đại nhất để khoác lên phố đêm chiếc áo sắc màu để khi Tết đến xuân về Đà Nẵng hiện ra với nét quyến rũ, lãng mạn nhất. Đặc biệt năm nay, trong khuôn khổ lễ hội hoa trên đường Bạch Đằng, khu vực ánh sáng được bố trí cạnh sân khấu với chủ đề “Khu vườn ánh sáng” sẽ được trang trí bằng đèn LED hứa hẹn những màn trình diễn hiệu ứng ánh sáng ngoạn mục, kết hợp với âm thanh của DJ sẽ mang đến cho lễ hội hoa và ánh sáng những nét độc đáo trong ngày Tết Ất Mùi.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.