.

Chợ quê ngày Tết

.

Những ngày cuối đông, đầu xuân, khi trời còn âm u tối, chợ quê đã tấp nập người mua, kẻ bán. Không bóng loáng, sạch sẽ nhưng vô cảm như siêu thị; không đầy ăm ắp, mướt mát nhưng luôn thường trực nỗi lo thuốc tăng trưởng như chợ thành phố.

Những chồi cây giống xanh ngọc, non mướt đang rũ đất non đứng dậy của bà Nguyễn Thị Dư (bìa trái).
Những chồi cây giống xanh ngọc, non mướt đang rũ đất non đứng dậy của bà Nguyễn Thị Dư (bìa trái).

Chợ quê vẫn giữ được nét dân dã, mộc mạc, gợi cảm giác nao nao trước bước thời gian và gói trọn vẹn không khí Tết.

Ai đó đã từng khẳng định rằng, để cảm nhận rõ không khí Tết đang tràn về mọi ngả đường, để thấy “mùi” Tết gần kề phảng phất trong không gian thì phải trở về chợ quê. Từ tờ mờ sáng, người bán đã bày biện hàng, người đi chợ cũng đến từ sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon hoặc đôi khi chỉ để ngắm, để cảm nhận cái không khí xuân đang về. Chợ quê ngày giáp Tết luôn đông vui, nhộn nhịp, không chỉ người mua phấn chấn mà người bán cũng rộn ràng chắt chiu từng khoản tiền nhỏ cho một cái Tết ấm áp hơn bên gia đình.

Ngắm nhìn phiên chợ, dường như những mảng màu sặc sỡ của cuộc sống đều tụ lại nơi đây. Những nải chuối xanh đậm màu núi rừng, cong đều đặn nằm phơi mình trên sạp, những chồi cây giống xanh ngọc, non mướt đang rũ đất non đứng dậy, “Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết/ Con gà trống mào thâm như cục tiết”… Không khí rộn ràng, màu sắc tươi sáng của chợ như thắp sáng cả miền quê và xua tan cái rét sắc ngọt đầu ngày.

Bỗ bã mà thanh bình

Chợ Túy Loan được đánh giá sầm uất, nhộn nhịp nhất của huyện Hòa Vang. Nơi đây vẫn còn những cụ bà “nước thời gian gội tóc trắng phau phau” bán mặt hàng ít tìm được ở nơi khác: rổ rá, lồng nhốt gà vịt bằng tre, ấm sắc thuốc, bếp nấu làm bằng đất. “Con mua chi? Để ngoại lấy cho”, bà Đỗ Thị Lượm, năm nay 85 tuổi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa mời khách. Đôi tay gầy đét, nhăn nheo của bà không ngừng sắp đi sắp lại những chiếc niêu đất, rổ tre như đang cố xua đi cái lạnh ngoài trời.

Bà khoe tất cả những rổ rá, nong nia đều do một tay “Ông ngoại làm”: “Mắt ông kèm nhèm nên phải lâu lắm mới đan xong một hàng nan. Vất vả nhưng ngoại bán không được nhiều bởi rổ nhựa, rổ inox giá rẻ ê hề cả chợ. Thôi kệ, gần đến Tết rồi…”. Bà Lượm thả lửng câu nói trong lúc mân mê chiếc rổ thô mộc, chắc ne, vàng dịu dàng như mật ong rừng với những nan xếp đều đặn, chắc chắn vì được làm từ cật tre già.

Chếch về phía tay phải từ hàng bà Lượm là hàng bán giống cây non của bà Nguyễn Thị Dư (65 tuổi). Sự xuất hiện của những khoanh đất nâu xốp, xếp đều đặn những cây cà chua, cà dái dê (cà tím dài), bí đỏ, bầu, dưa leo, khổ qua… là dấu hiệu cho thấy Tết đã lấp ló tràn về. Trước nỗi sợ rau xanh luôn được tắm táp kỹ bằng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng trước khi nằm trên sạp hàng chợ thành phố. Cứ qua mùa bão hằng năm, người thành thị lại tìm về các chợ quê để vừa mua rau sạch, vừa mua các giống cây để về tự gieo trồng, tự cung tự cấp cho mình. Chỉ 1 ngàn đồng cho một cây con xanh mơn mởn, hàng chị Dư luôn đắt khách.

Chợ Túy Loan ngày cận Tết luôn rộn ràng, xen lẫn tiếng trò chuyện của người bán, người mua, tiếng cười nói của người vãn cảnh chợ là tiếng kêu quang quác giữa những cái đập cánh vô tận của các chị gà mái, tiếng cạc cạc luôn mồm của những bà vịt bầu chen nhau bì bạch, tiếng gáy oai vệ của những anh gà trống… Tất cả chứng minh cho sự đúng đắn của câu tục ngữ: “Ồn như cái chợ”. Tuy nhiên, cái ồn đó dường như cũng làm bật ra sự bỗ bã mà thanh bình, mộc mạc của thôn quê, người quê.

Chợ quê bán những mặt hàng quen thuộc, hầu hết đều là cây nhà lá vườn, người trồng là người bán, người bán và người mua quen mặt nhau, thân thuộc nhau. Có lẽ vì thế mà mớ rau không mơn mởn, củ su hào, cà rốt chỉ nho nhỏ, còi cọc. Thế nhưng, linh hồn của chợ quê lại chính là những đôi quang gánh với dăm ba mớ hành ngò, cải con, su hào, quả bưởi còn lấm lem đất, là trái mướp, khổ qua còi cọc đó.

Việc mua bán vui vẻ xởi lởi, vừa bán vừa cho thêm, không ai phải trả giá, không có tiếng kỳ kèo mặc cả, càng không có cái chao chát thường thấy nơi cửa chợ. Họ tấm tắc khen nhau bó rau tươi, củ khoai ngọt hay cái bánh ít dẻo ngon như một cách hỏi thăm nhau. Giản đơn toát ra từ cách trò chuyện, mua bán, sẻ chia của những người dân quê chân chất.

Bà Đỗ Thị Lượm (85 tuổi) bán rổ rá, lồng nhốt gà vịt bằng tre, ấm sắc thuốc, bếp nấu làm bằng đất tại chợ Túy Loan. Ảnh:M.T
Bà Đỗ Thị Lượm (85 tuổi) bán rổ rá, lồng nhốt gà vịt bằng tre, ấm sắc thuốc, bếp nấu làm bằng đất tại chợ Túy Loan. Ảnh:M.T

Tình cảm mộc mạc chân quê

80 tuổi, lưng còng tạo thành một đường song song với mặt đất nhưng ngày ngày bà Lê Thị Sinh vẫn quang gánh ra chợ Hòa Liên. Tất cả hàng hóa của bà là những bó rau đủ loại trong vườn nhà, là dăm ba quả mít còn dính nhựa bà “bán giúp nhà hàng xóm”.

Không bọc trong giấy kính bóng loáng như ở thành phố, quả mít quê sần sùi, khi tách đôi để lộ lớp cơm vàng tươi, thơm ngào ngạt. Mít quê nhiều xơ, trên nền vàng rực rỡ múi mít có đôi chỗ lấm tấm vết đen tựa kim châm nhưng mềm và ngọt thanh thật thà chứ không vàng lờ nhờ, giòn sựt và ngọt sắc như những hàng mít Thái đang bán trên nhiều cung đường của thành phố.

Nhìn vào quang gánh với những trái mít nần nẫn tựa heo con với bộ lông màu xám xanh đang co mình ngủ ngoan; những bọc dâu tằm quả tím rịm, quả đỏ tươi đang sẵn sàng cho món nước dầm thanh nhiệt giải khát cho mùa hè sắp đến; những quả mãng cầu có rầy bu trắng quanh đường viền mắt đang bung nở; những quả ổi núi nhỏ xíu xanh màu ngọc thạch ngoài vỏ và hồng hào thơm dìu dịu, êm êm bên trong… có thể giúp người mua hình dung được mảnh vườn quê nhiều loại cây trái, không rào dậu, trải rộng mênh mông, xanh ngăn ngắt như màu lúa đang thì con gái.

Nơi nhiều màu sắc nhất chợ Hòa Liên có lẽ là sạp bán quần áo của cô Lê Thị Thu Hà. Chợ nhỏ, sạp hàng của cô cũng nhỏ xíu nhưng có đầy đủ quần áo cho mọi lứa tuổi. Tự nhận mặt hàng mình bán nằm trong danh sách “xa xỉ”, cô Hà khẳng định muốn buôn quần áo tại vùng thôn quê buộc phải có vốn lớn vì thường xuyên bán nợ cho khách, đặc biệt trong những dịp năm hết, Tết đến. “Mặc dù xã Hòa Liên không còn rặt nông thôn, người trẻ giờ đây đa phần làm việc ở các khu công nghiệp, tuy nhiên, cuộc sống vẫn thiếu thốn mọi bề, người thôn quê vẫn phải dựa dẫm, đỡ đần nhau thì mới sống được”, cô Hà lý giải cho việc bán hàng trước, nhận tiền sau… nhiều tháng của mình.

Kinh tế ngày càng phát triển, chợ quê đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, người bán - những người nhà quê còn nghèo khó - vẫn rất thật thà, chân thành; sản vật vẫn mộc mạc, chân quê; không khí của phiên chợ giáp Tết vẫn cứ đầy ắp màu sắc, âm thanh và ngào ngạt thơm mùi của ký ức xưa cũ, của tháng năm trôi. Cứ như thế, chợ quê, bằng những thức quà riêng có, bằng tình cảm sâu thẳm của đồng quê cứ thúc giục người đi xa trở về…

MAI TRANG


Những câu thơ in nghiêng trong bài trích từ bài thơ “Chợ Tết” của thi sĩ đồng quê Đoàn Văn Cừ.

;
.
.
.
.
.