.
Phương hay Thuốc quý

Ngâm thơ... chữa bệnh

.

Đọc tựa bài này, xin bạn đừng nghĩ là chuyện hoang đường. Nhiều công trình nghiên cứu trong y khoa ngày nay đã chứng minh việc ngâm thơ giống như tập thở với động tác hít vào thật nhanh, giữ hơi rồi thở ra thật chậm có tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim.

Trong bài “Ngâm thơ phòng bệnh” của bác sĩ Lương Lễ Hoàng (trong tập sách “Thuốc đắng đã tật”, tập 11), có cho biết một công trình nghiên cứu ở Đức cho thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt ở người hằng ngày đọc tập sử thi Odyssey của Homer, đặc biệt là chức năng hô hấp và tuần hoàn. Do âm vận và cú pháp độc đáo của tập thơ nên người đọc buộc phải ngâm nga với giọng trầm và kéo dài, vì thế không thở nhanh. Mặt khác, người đọc cũng buộc phải hít nhanh và sâu mỗi khi đến chỗ xuống hàng để tự tiếp hơi. Tập thơ lại rất dài (thuộc thể loại trường ca với 12.110 câu thơ) cho nên buổi đọc thơ vô tình trở thành giờ luyện tập kỹ thuật dưỡng sinh hô hấp.

Theo người viết bài này, không đợi đến kiểu “hít nhanh, thở chậm” khi đọc những tập thơ trường thiên như Odyssey, Iliad của Homer hay Truyện Kiều của Nguyễn Du, có khi chỉ cần đôi ba câu thơ của một bài ca dao dí dỏm như “Con kiến mà leo cành đa…” hay thi kệ  nghiêm trang như “Thở vào tâm tĩnh lặng/ Thở ra mỉm miệng cười…” của thiền sư Nhất Hạnh, nếu khéo sử dụng nhẩm đọc kết hợp theo dõi hơi thở vào ra chậm đều, cũng đem lại hiệu quả trị liệu không thua kém.

Ngoài tác dụng “cơ học” luyện thở nói trên, việc ngâm/đọc thơ, nhất là thơ hay còn tạo cảm giác sảng khoái, thư thái tâm hồn, lắng dịu suy tư, cởi mở tấm lòng, xoa dịu nỗi đau, mở mang trí tuệ, tăng cường ý chí, tiếp thêm nghị lực sống cho người bệnh, dù là tâm bệnh hay thân bệnh.

Nhà thơ Phùng Quán từng viết: “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Nếu như bạn đang ngã bệnh, dù là bệnh xoàng hay bệnh nan y, bên cạnh thuốc thang, thầy thuốc có thể “kê đơn” cho bạn bằng một bài thơ. Đó là bài Nhớ rừng của Thế Lữ, một kiệt tác thơ mới, nếu chịu khó đọc đi đọc lại một cách không chán, đọc cho thuộc lòng, cho nhập tâm, thì tôi tin chắc “lời con hổ ở vườn bách thú” sẽ giúp bạn có những phút giây vượt qua được nghịch cảnh bệnh tật một cách thần hiệu không thua kém bất kỳ một “thần dược” nào. Đây là đơn thuốc kinh nghiệm mà tôi đã áp dụng cho mình đã vài ba thập kỷ, nếu không tin, xin bạn thử một lần tự kiểm chứng.

Ngâm/đọc cho thuộc lòng, thuộc nhuyễn các bài thơ yêu thích cũng là một cách luyện trí nhớ dai. Tôi đã từng nhiều lần hầu chuyện lương y Thái Đờn, nguyên Chủ nhiệm CLB Đông y thành phố Đà Nẵng, dù tuổi ngoài cửu thập nhưng vẫn đọc vanh vách “không sót một từ” nhiều bài thơ kim cổ, có bài khá dài và trúc trắc như bài Phá đường của Tố Hữu mà lương y đã thuộc lòng từ thời kháng Pháp.

Người viết tuy không có trí nhớ tốt như bậc tiền bối nói trên, nhưng ngay từ thời trung học cơ sở, nhờ một thầy giáo bồi dưỡng môn Văn (nay là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố) thường khuyến khích nên tận dụng “mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi vào nhà vệ sinh” để đọc/học thuộc lòng một số kha khá các bài thơ. Mong có dịp rỗi rãnh sẽ tuyển chọn và phân loại các bài thơ theo “ngũ hành” hay “thất tình” để từ đó có thể vận dụng theo lý chế hóa tương sinh, tương khắc để kê đơn chữa bệnh theo liệu pháp Thư giãn, Thưởng thức nghệ thuật mà chúng tôi từng đề cập bài “Liệu pháp 5T” trước đây.  

PHAN LANG

;
.
.
.
.
.