.

Brazil thành công với nhiên liệu sinh học

.

Nhiên liệu sinh học (NLSH) được ca ngợi là một trong những câu trả lời đáng giá nhất cho vấn đề biến đổi khí hậu. Còn nhiều vấn đề tranh cãi xung quanh đề tài môi trường nhưng phần lớn các nước muốn sử dụng nó như nỗ lực giảm nghèo ở vùng nông thôn.

Nông dân Brazil đang thu hoạch cây thầu dầu cho Petrobras.
Nông dân Brazil đang thu hoạch cây thầu dầu cho Petrobras.

Brazil tỏ ra là một nước phát triển mạnh NLSH cả quy mô công nghiệp lẫn gia đình nhưng quốc gia Nam Mỹ này có nhiều ưu đãi cho mô hình gia đình ở nông thôn nhằm giải quyết khó khăn. Nhiều gia đình nông dân nhận thấy rõ thu nhập tăng cao nhờ giới thiệu những tiêu chuẩn tiến bộ hơn và có những quy định mới có lợi hơn trong quá trình đàm phán hợp đồng. Tiến sĩ Bastos Lima thuộc Đại học Amsterdam tiến hành cuộc khảo sát về tác động xã hội của ngành công nghiệp NLSH ở Brazil, Ấn Độ và Indonesia đã đưa ra nhận xét: “Brazil là một ví dụ tốt nhất mà ông nhìn thấy”.

Sự khác biệt của Brazil với các nước khác là sự đổi mới mạnh dạn của công ty xăng dầu quốc doanh Petrobras. Họ chỉ yêu cầu nông dân dành không quá 20% diện tích đất để trồng nguyên liệu cho NLSH, phần còn lại nông dân tiếp tục trồng cây theo kế hoạch của riêng họ. Chính sách hợp lý này giúp cho công ty xăng dầu chủ động được nguồn nguyên liệu và nông dân duy trì được nguồn cung cấp lương thực ổn định.

Số lượng gia đình tham gia vào chương trình trồng cây nguyên liệu cho NLSH ở Brazil tăng gấp bốn lần từ năm 2008 tới năm 2010 với hơn 100.000 hộ gia đình. Năm 2010, chính phủ Brazil mua khoảng 635 triệu USD nguyên liệu từ nông dân, tăng gấp năm lần so với hai năm trước đó.

Trong lúc Brazil thành công thì nhiều nước lại không đạt được. Chẳng hạn như Ấn Độ là một thảm họa. Chính phủ Ấn Độ đặt cược quá lớn vào cây dầu mè được ca ngợi là một bước đột phá lớn trong NLSH năm 2007 và 2008. Lấy cảm hứng nghiên cứu khoa học, Ấn Độ trồng hơn 11 triệu ha nhưng cuối cùng sản lượng thu được đáng thất vọng, cuộc sống nông dân gặp khó khăn. Điều đó chứng tỏ Ấn Độ không nghiên cứu tác động xã hội một cách kỹ càng. Hơn nữa, chuyển đổi cây trồng đột ngột như vậy cũng làm cho nguồn cung cấp lương thực bỗng dưng thiếu hụt dẫn tới rối loạn xã hội. Chính vì thế, tiến sĩ Bastos Lima cho rằng các nước cần phải học tập cách thức tổ chức hiệu quả của Brazil trong việc giải quyết khó khăn cho nông dân cũng như góp phần vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.

ANH THƯ (Theo Guardian)

;
.
.
.
.
.