.

Yêu lắm biển đảo quê hương

.

Nhận được thông tin là đại biểu chính thức tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013”, cảm xúc trong tôi như vỡ òa và hãnh diện. Ngày lên đường rồi cũng đến, cờ Tổ quốc tung bay trên tháp chỉ huy tàu HQ 996. Ngồi ở mũi tàu nhìn từng đàn cá chuồn bay trên mặt nước, tôi chợt hát một mình “Không xa đâu Trường Sa ơi…”.

Mọi người không thể giấu niềm hạnh phúc được thăm đảo.
Mọi người không thể giấu niềm hạnh phúc được thăm đảo.

Buổi tối đầu tiên trên tàu thật thú vị, các đội và mỗi thành viên thể hiện tài lẻ để giới thiệu về bản thân mình. Giữa mênh mông sóng nước, các ca sĩ Hoàng Bách, Hoàng Hiệp, Hoài Phương…, những người bạn ở Học viện Âm nhạc Huế và nghệ sĩ Xuân Bắc trổ tài nghe thật “đã”. Chương trình kết thúc khi tàu đi ngang qua các giàn khoan trên biển. Ngọn lửa cháy sáng một vùng biển lớn khiến ai cũng đứng dậy xem. Tàu cá, tàu hàng thưa dần, chỉ còn HQ 996 vẫn kiên trì rẽ sóng. Ngồi trước mũi tàu, có ly cà-phê và điếu thuốc cùng các anh phóng viên mới làm quen, một cảm giác khó tả như không thể được nếm trải lần thứ hai…

Buổi chiều ngày thứ 3, đảo Song Tử Tây như một vệt mờ hiện dần trước biển. Cả đoàn lên boong trông ngóng, háo hức. Máy hình, điện thoại liên tục hoạt động dù cách đảo cả 10 hải lý. Ai cũng biết khi tàu tới gần đảo hơn, hình chụp sẽ đẹp và rõ hơn, nhưng mọi người đều muốn cố ghi lại những hình ảnh đầu tiên nơi mình sắp đặt chân đến.

Tàu thả neo. Tất cả nghe thông báo tối nay chỉ có văn nghệ sĩ lên đảo, còn lại phải  ở trên tàu. Nhiều người ao ước giá như mình là… ca sĩ, trong đó có tôi. Vượt qua hành trình dài, bây giờ lại chỉ có thể ngước nhìn đảo ở cách đó hơn 200m… Để nguôi quên cảm giác tiếc nuối, mọi người rủ nhau câu cá giữa biển khơi. Đèn trên tàu bật sáng, từng đàn cá ào tới đến nỗi chỉ cần đưa vợt ra là vớt ngay được.

Ngày tất cả được bắt đầu vào đảo, ai cũng háo hức. Mọi người cầm tay thật chặt, cười thật tươi với các anh lính đảo. Nhìn ba thau nước ngọt, khăn tay được lính đảo dành ưu tiên cho các đại biểu rửa mặt, tất cả lặng đi vì xúc động. Ngay tại cột mốc chủ quyền, lễ chào cờ và diễu binh diễn ra. Chưa bao giờ chúng tôi hát Quốc ca trong tâm thế hào sảng, hào hùng đến thế. Và chúng tôi lại “say sưa” ngắm nhìn Tổ quốc dưới ngọn cờ đang phấp phới tung bay trước trùng trùng biển lớn.

Chỉ trong buổi sáng hôm ấy, tôi đi hết những nơi trên đảo. Ngay trên đỉnh của ngọn hải đăng, những giai điệu, lời ca đầu tiên của ca khúc “Khúc quân ca Trường Sa” chợt lóe lên và chúng tôi cùng hát thật to: “Biển này là của ta, đảo này là của ta… giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”. Có ai đã từng biết cảm giác vừa hát vừa xúc động ngắm nhìn biển đảo, tự hào và hạnh phúc làm sao!

Lính đảo thật vui, thật nhiệt tình. Buổi trưa, các anh nhường giường cho đoàn công tác ngả lưng. Riêng tôi, dù mệt nhưng cương quyết không ngủ, bởi muốn dành thời gian tận hưởng cảm giác được ở trên một hòn đảo, nơi rất nhiều bạn bè tôi ước mong được đặt chân đến dù chỉ một lần.

Lá cờ Tổ quốc từng tung bay giữa nắng gió Trường Sa là món quà ý nghĩa nhất với mọi người trong Đoàn.
Lá cờ Tổ quốc từng tung bay giữa nắng gió Trường Sa là món quà ý nghĩa nhất với mọi người trong Đoàn.

Tối đến, chúng tôi một lần nữa được hát Quốc ca trong lễ kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập lực lượng Hải quân. Lá cờ đỏ sao vàng dường như càng rực rỡ và đẹp hơn. Tôi hát và hiểu được trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay, thấm thía giá trị của hai chữ “hòa bình”… Chắc chắn sẽ còn nhiều lễ chào cờ, nhiều lần tôi được hát Quốc ca, nhưng bản hùng ca giữa biển sẽ là một kỷ niệm không thể nào quên…

Lá cờ trên đảo là đề tài bình luận sôi nổi của chúng tôi. Ai cũng muốn có một vật kỷ niệm khi trở về, trong đó, món quà nhiều ý nghĩa nhất là lá cờ Tổ quốc từng được tung bay giữa Trường Sa. Cờ Tổ quốc tuy không thể nguyên vẹn bởi phải “đắm” trong nắng, gió giữa đảo thiêng, nhưng vẫn luôn đẹp nhất trong cảm nhận của mọi người. Không phải vô lý khi những tấm hình dự thi ảnh đẹp trên tàu đều có cờ Tổ quốc nằm ở một góc nào đó. Tấm ảnh tôi thích nhất trong cả chuyến đi (và sau này đoạt giải khuyến khích cuộc thi ảnh đẹp Trường Sa) cũng là bức chân dung người lính đảo trực chiến dưới Quốc kỳ đang tung bay trong gió (chụp tại đảo chìm Đá Thị).

Chương trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2013 do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. 196 đại biểu thanh niên đã được tàu HQ 996 đưa ra thăm 10 đảo và hai nhà giàn DK1 trong hành trình kéo dài từ ngày 3 đến 14-5. Tác giả bài viết, Trà Thanh Quang là đại diện duy nhất của Đà Nẵng tham gia chương trình.

Ngoài Quốc kỳ, bàng vuông cũng là món quà nhiều người ra đảo muốn được mang về đất liền. Tuy được dặn dò từ trước, nhưng nhiều bạn trẻ không ngăn được ý thích của mình khi vẫn cố sở hữu một “dấu tích” nào đó của loại cây đặc trưng này. Thế nên, chẳng mấy chốc, cây bàng vuông ở đảo Sơn Ca bị hái sạch quả xanh sau khi chương trình văn nghệ của Đoàn kết thúc. Nhìn anh sĩ quan Hải quân đứng dưới bất lực hò hét: “Mỗi bạn chỉ hái một quả thôi”, và sau đó là lời buồn bã: “Như vậy đoàn sau ra họ sẽ không thấy được quả bàng vuông”. Về phần mình, bàng vuông cũng theo tôi về, nhưng chỉ là những gì đọng lại trong các bức ảnh.

Ngày thứ 6 của cuộc hành trình, từng đàn cá heo nhảy theo nhịp vỗ tay của anh em trên tàu. Mọi người reo hò phấn khích, chưa ai từng thấy cá heo gần đến vậy. Tàu neo gần đảo Colin, phía xa là đảo Gạc Ma (với sự kiện vòng tròn bất tử), lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Trường Sa diễn ra nghiêm trang và xúc động. Không ai cầm được nước mắt khi nghe Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Bùi Sĩ Chinh đọc lời tri ân. Vòng hoa và cả bát hương được thả xuống biển, mọi người nán lại trên boong tàu một lúc lâu để nhìn theo mà suy nghĩ trong sự im lặng tuyệt đối. Tất cả như đang tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng trong điều kiện của mình để xứng đáng với sự hy sinh của các anh, góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, và làm sao hạn chế đến thấp nhất sự hy sinh xương máu của các chiến sĩ. Bát nhang đang trôi lững lờ trên biển bỗng bùng cháy.

Chỉ còn một điểm nữa để đi, đó là nhà giàn DK1. Tin vui đến với mọi người là tất cả đều được lên nhà giàn (chia làm hai đoàn lên hai nhà giàn khác nhau ở khu vực Tư Chính). Trong đêm đó, tàu gặp một cơn giông sóng to gió lớn (cột sóng cao đến 7m với giải thích của thuyền trưởng là sóng cấp 6, cấp 7). Sóng gió thế này làm sao lên nhà giàn, đó là suy nghĩ xâm chiếm tâm trí của mọi người… Gần 2 giờ sáng, cơn giông dịu lại, lúc đó một số người mới bớt lo và đi ngủ. Khi lên nhà giàn DK1 - 11, chúng tôi được nghe báo cáo tình hình và tham gia giao lưu văn nghệ sôi nổi. Thời gian ở nhà giàn vì thế cũng trôi qua thật mau, để nước mắt cứ tự thế tuôn ra tiếc nuối.

TRÀ THANH QUANG

(Bí thư Đoàn Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng)
 

;
.
.
.
.
.