.
SINH VIÊN LÀO TẠI ĐÀ NẴNG

Ngôi nhà thứ hai

.
Lần đầu tiên tại Đà Nẵng, chương trình Homestay (cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân bản địa) được áp dụng cho sinh viên Lào đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn. Đây là cơ hội để các bạn trau dồi vốn tiếng Việt; đồng thời thắt chặt mối quan hệ giao lưu hữu nghị Việt-Lào.

Mô tả ảnh.
Cô Tạ Thị Toàn đang giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt tại nhà bếp cho hai “người con” mới về sinh hoạt với gia đình.
 
Ngôi  nhà thứ hai

Từ ngày 4-5, 10 sinh viên Lào bắt đầu tham gia mô hình Homestay do Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Hội Hữu nghị Việt - Lào, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và UBND phường Hòa Khánh Nam phối hợp tổ chức.

Ở Đà Nẵng đã được 3 năm, nên vốn tiếng Việt của Phouthaphone khá lưu loát. Hiện Phouthaphone ở với gia đình cô giáo Tạ Thị Toàn, giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Đà Nẵng (tổ 24 Chơn Tâm, phường Hòa Khánh Nam) cùng một sinh viên nữ tên Olany Khotovong. Phouthaphone chia sẻ: “Được ở nhà dân, chúng em sẽ có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày cũng như các phong tục, tập quán, các văn hóa tại Đà Nẵng. Điều quan trọng là chúng em như có thêm một gia đình, một ngôi nhà thứ hai ở ngay tại nơi mình học tập”.

Vui và háo hức chờ đợi là tâm trạng chung của các sinh viên Lào khi được chọn để tham gia chương trình ở nhà dân này. Nam sinh viên Xaysavath Oupalavanh đang ở tại nhà cô Phạm Thị Minh Tâm (số 8 Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam) vui vẻ nói: “Mới ở được vài ngày nhưng mình cũng đã học được nhiều điều từ gia đình cô. Cô luôn coi tụi mình như con cái trong nhà nên cảm động lắm”.

 Nói về mô hình Homestay, cô giáo Tạ Thị Toàn tâm sự: “Buổi đầu các em còn lạ lẫm với phong cách sinh hoạt tại gia đình, chưa quen khẩu vị của một số món ăn. Nhưng chỉ qua ngày sau là mọi chuyện đều rất ổn. Ngoài giờ học, các em luôn dành thời gian để trò chuyện cùng gia đình. Các em xưng hô ba - con, mẹ - con… khiến chúng tôi cảm thấy như mình có thêm một người con mới trong gia đình”.

Nối thêm nhịp cầu hữu nghị

Bên cạnh việc tham gia sinh hoạt tại gia đình các hộ dân, các bạn sinh viên Lào tham gia chương trình còn lên kế hoạch tổ chức hoạt động công tác xã hội tại Trường phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu; Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố…

 Nam sinh viên Souvanvong Sounthala đang ở cùng gia đình ông Nguyễn Nhi (kiệt 119 Phạm Như Xương), cho biết: “Mỗi khi chúng em tham gia hoạt động của Đoàn, Hội Sinh viên, các bạn Việt Nam đều rất tò mò, hứng thú tìm hiểu về văn hóa dân tộc Lào. Vì thế, chúng em luôn tìm cơ hội để giới thiệu văn hóa Lào ngay tại Đà Nẵng. Ngày Tết Bunpimay của dân tộc Lào thường diễn ra vào giữa tháng tư (dương lịch), do bận học nên Tết Bunpimay được chúng em tổ chức ngay tại trường và mời các bạn Việt Nam cùng tới dự, nhân tiện giới thiệu một vài nét văn hóa Lào như phong tục té nước, thắt chỉ cổ tay, múa Lamvong...”.

Ông Phạm Văn Trường, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam chia sẻ, phía địa phương cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên Lào tham gia hoạt động xã hội trên địa bàn. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ thường xuyên liên lạc với các đơn vị liên quan như nhà trường, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… tham gia giám sát và hỗ trợ các hộ dân nhằm tạo điều kiện tốt nhất về vật chất lẫn tinh thần để du học sinh Lào yên tâm học tập”.

Có  thể nói, các du học sinh Lào học tập tại các trường thuộc ĐH Đà Nẵng chính là nhịp cầu nối lớp trẻ của hai dân tộc Việt - Lào nói chung, của nhân dân Đà Nẵng với nhân dân Lào nói riêng. Dự  kiến năm 2012, chương trình sẽ tiếp tục triển khai ở các trường ĐH khác với khoảng 60 sinh viên Lào tham gia. Kinh phí  thực hiện vận động từ sự ủng hộ  của một số tổ chức, cá nhân tình nguyện. Bà Lê Thị Như Hồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng sự thành công của chương trình lần này sẽ là nhân tố để triển khai các đợt sau với quy mô rộng, tăng cường và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc”.  

Đắc Mạnh
;
.
.
.
.
.