.
Truyện ngắn

Xuân này em lấy chồng

Sau mấy ngày mưa lê thê, tầm tã, thành phố như được thay áo mới, cây lá xanh mượt mà và con kênh trước nhà trở nên đầy đặn, nước trong xanh in rõ cả con trăng cuối tháng nhàn nhạt trên bầu trời màu xanh lơ.
 
Chiều nào đi làm về Diệp cũng dừng lại đây một lúc hưởng thụ khoảng không gian trong veo không có tiếng ồn của xe cộ, chờ đợi đàn chim sau một ngày kiếm ăn trở về bay ngang qua. Tất cả đã quá quen thuộc mà không tránh khỏi có lúc cũng chạnh lòng khi so sánh mình với bầy chim nhỏ. Bọn chúng trở về tổ lúc nào cũng đi cả  bầy còn mình thì chỉ một mình trong căn phòng nhỏ chỉ chừng hai mươi mét vuông mà không ai đón chào. Diệp tự mắng mình, ba mẹ mà nghe được nỗi lòng này của Diệp chắc là buồn lắm khi con gái mình thà chịu buồn bã chứ không chịu về nhà. Diệp vào thành phố đã bảy năm rồi, tốt nghiệp xong cô ở lại thành phố với lời hẹn bao giờ hoàn thành những dự định của mình sẽ trở về. Và cứ thế công việc đã giữ Diệp ở lại thành phố và cái thành phố hơn tám triệu dân này đã thay đổi Diệp, giúp cô lớn lên với nhiều thành công, hoàn thành những ước mơ của ngày xưa.

Gặp lại Diệp, bạn bè đều khen dạo này cô đẹp ra, ăn mặc rất thời trang, nói cười duyên dáng hơn và xã giao rất chuyên nghiệp. Diệp cũng thấy mình lớn lên nhiều lắm, cô yêu công việc của mình, yêu những gì mình đang có, Diệp làm việc say mê nhưng những ngày cuối tuần cô đều biết tự thưởng cho mình những khoảng thư giãn để tập trung năng lượng cho những ngày làm việc sau. Diệp có những người bạn rất đáng yêu, những đứa bạn của thời sinh viên lúc nào cũng ở bên cạnh Diệp. Họ cùng đi ăn sáng, uống cà-phê với Diệp vào sáng chủ nhật, rủ Diệp đi shopping vào chiều thứ bảy. Có khi họ cùng Diệp đi Spa thư giãn mà cũng có thể ngồi yên lặng để nghe Diệp trút hết nỗi niềm nếu có lúc nào cô buồn. Nhưng cũng có khi Diệp trốn bạn bè vào những ngày chủ nhật để đến một nơi mà cô không hề đi chung với ai. Đó là một quán ăn nằm cuối một con hẻm nhỏ, mỗi khi đến đó, Diệp thường chọn cái bàn ở trong góc sát bên cái thác nước nhỏ, nước chảy róc rách phía sau những sợi dây leo thân mỏng manh mà lá xanh ngắt. Ở đó, có một cây sa kê cao lớn vươn những cành khỏe mạnh với những chiếc lá to chẻ góc thật đẹp. Diệp thích ngồi ở đó trong không gian tĩnh lặng, lắng nghe tiếng nhạc không lời nhẹ như thoảng qua. Những lúc ấy thật tuyệt vời, trong lúc chờ người mang thức ăn ra, Diệp thường dõi mắt theo những cô cậu phục vụ còn trẻ bê thức ăn trên những cái mâm nhỏ, nhẹ nhàng len lỏi qua những dãy bàn ghế. Diệp nhìn họ và thấy cả khoảng đời sinh viên của mình cũng đầy nhiệt tình và năng nổ như thế. Nhưng điều mà Diệp không nhìn thấy được là ở chính cái quán dễ thương ấy Diệp đã quen một người. Buổi sáng hôm ấy trời xanh và nắng vàng, thành phố vừa qua mùa mưa nên khô ráo và mát mẻ, Diệp vẫn ngồi ở cái bàn quen thuộc nhìn ngắm những chiếc nón lá nhỏ mới được treo tòn ten trên mấy nhánh cây sa kê. Sau khi bữa ăn sáng được dọn đi, chú nhỏ phục vụ quen mặt mang đến một ly sữa cam tươi cười chúc Diệp một buổi sáng vui vẻ. Diệp mở chiếc laptop mang theo nhưng máy chưa kịp khởi động thì đã bị làm phiền. Người mới đến đặt chiếc máy của anh ta xuống bàn và lịch sự xin phép được dùng cái ổ cắm điện để sạc pin. Diệp hơi khó chịu nhưng vẫn nhẹ gật đầu, người mới đến cố tỏ ra biết lỗi:

- Có làm phiền cô lắm không? Tôi xin lỗi nhưng tôi không tìm ra chỗ nào khác.

Diệp liếc anh ta một cái vì cô không tin cái cớ anh vịn để làm quen. Và cô biết mình bị hớ khi suốt thời gian còn lại phải trả lời những câu hỏi của anh ta, nhưng dần dần thì Diệp cũng nhận ra đó là một người dễ thương. Diệp còn gặp lại con người ấy nhiều lần ở chỗ nhà hàng ấy vào những ngày chủ nhật trốn bạn bè, đơn giản là mỉm cười chào xã giao rồi quên. Một hôm, Diệp vừa ngồi xuống ghế đã thấy anh ta bước đến:
- Xin lỗi tôi có thể ngồi cùng bàn với cô không?

Diệp nhìn những chiếc bàn trống chung quanh nhưng cô chưa kịp nói gì thì người con trai đã chặn lời:

- Không phải hết bàn mà là vì tôi thích được ngồi cùng cô.
- Nhưng tôi không ăn được khi ngồi cùng người lạ.
- Mình quen nhau lâu rồi mà.
- Tôi đâu có quen anh mà anh cũng đâu biết tôi là ai sao gọi là quen được,
- Em tên là Diệp Anh, Giám đốc sale của công ty…

Diệp mở to mắt nhìn anh và bật cười thú vị. Họ trở thành bạn từ sau buổi sáng chủ nhật ấy. Lâm là phóng viên một tờ báo kinh tế của thành phố, không biết anh có sử dụng nghiệp vụ không mà hiểu Diệp rất kỹ trước khi tiếp cận với cô. Tỷ dụ như Diệp chỉ dùng tên đệm khi xưng hô với bạn bè, chỉ đến quán hai chủ nhật một lần trong tháng và luôn gọi hai món là hủ tíu khô và nước cam sữa. Diệp chưa bao giờ đánh giá về Lâm hay cân nhắc về mối quan hệ của hai người, Lâm chưa phải là bạn cũng không phải là đối tác nhưng công bằng mà nói Lâm là một người thú vị. Nói chuyện với Lâm rất vui, những câu chuyện lan man về đủ thứ chuyện trên đời làm cho những buổi sáng chủ nhật trở nên rộn ràng mà khi từ đó trở về Diệp luôn cảm thấy vui vẻ và yêu đời hơn. Bạn bè lại gọi điện hỏi dạo này không thấy Diệp tới chỗ quán quen ăn sáng vào những ngày hẹn trước. Diệp lại cười thích thú là bởi vì dạo này Diệp nghe lời rủ rê của Lâm để khám phá những cái quán mới. Diệp nhận ra là thành phố còn nhiều điều thú vị mà mình chưa từng biết. Thành phố còn có những con hẻm tĩnh lặng để không cảm thấy bức bối vì tiếng còi xe khi ngồi trong những cái quán đơn sơ với ly cà-phê đầy cảm xúc. Rồi Diệp phát hiện mình đã nhận lời hẹn hò với Lâm từ hồi nào mà không biết, nhận ra là không cần đánh giá hay cân nhắc mà Lâm đã trở thành một người thân quen để thấy thiếu vắng khi không gặp anh. Và Lâm lại là người lên tiếng trước về chuyện hai người. Đó là hôm Diệp một mình trở lại chỗ cái quán có cây sa kê mà không hẹn với Lâm nhưng ngay khi cô vừa ăn sáng xong đã thấy anh bước vào quán, trên vai không có chiếc laptop quen thuộc.

- Sao hôm nay Lâm biết em đến đây?
- Vậy mà cũng hỏi, không có anh thì em chỉ biết đến đây.
- Xạo nghe. Lâm ăn gì, gọi đi.
- Anh ăn sáng ở nhà rồi. Lâu lâu cũng cần lấy điểm với mẹ.
- Anh cũng ngoan nhỉ?
- Ngoan ghê lắm luôn là đằng khác nên có một điều muốn hỏi em lâu rồi mà chưa dám.
- Anh sắp trêu em phải không? Làm gì có điều nào mà anh sợ đến như thế.

Lâm gọi một ly cà-phê và nói nhanh như đã chuẩn bị sẵn:

- Có đấy, anh thấy em chỉ có một mình sao tay em đã đeo nhẫn? Chiếc nhẫn có ý nghĩa gì không?

Diệp nhìn Lâm rồi nhìn chiếc nhẫn có mặt đá màu trắng lấp lánh trên ngón tay áp út của mình. Chuyện qua cũng lâu rồi và đó là chuyện mà Diệp không muốn nhớ lại nhưng cũng không thể quên đi. Bạn bè từng bảo Diệp là đứa khờ khi đeo mãi chiếc nhẫn trên tay và không chịu mở lòng mình với ai. Thật ra Diệp không đến nỗi ngu ngơ, cô không lụy vì ai nhưng cô rất yêu mối tình đầu của mình. Mối tình thơ dại và trong sáng ấy đã khiến cho Diệp khi trưởng thành không thấy rung động trở lại vì nhìn đâu cũng thấy người thực dụng. Diệp và Đăng cùng học với nhau từ thời phổ thông, đó là người con trai đầu tiên làm cho con tim trẻ trung của Diệp biết xôn xao. Đăng là người con trai dễ thương nhất mà Diệp từng gặp để khó quên. Nhớ Đăng là nhớ những năm tháng học trò với những bài toán khó mà hai đứa tranh nhau giải thế nào cho nhanh nhất. Nhớ Đăng cũng là nhớ nhưng đêm văn nghệ vui nổ trời, nhớ cái sân khấu nhỏ trong hội trường, Đăng đàn cho Diệp hát. Lên Đại học dù không còn học chung lớp nhưng vẫn là Đăng ở bên cạnh Diệp những lúc vui buồn, đưa đón Diệp đi học ngày hai buổi. Cứ tưởng một Đăng nhân hậu, đầy nhiệt tình như thế sẽ là người bạn đồng hành suốt đời của Diệp để lòng Diệp ngập tràn hạnh phúc khi Đăng lồng vào tay cô chiếc nhẫn như một lời hứa linh thiêng nhất. Đó là ngày Diệp tiễn Đăng ra sân bay để ra nước ngoài với một học bổng bốn năm.

Diệp kể cho Lâm nghe về Đăng, thật tin cậy, lòng cô cũng nhẹ nhàng khi nói rằng chỉ một thời gian ngắn sau khi đi Đăng không còn liên lạc với cô và nghe đâu Đăng có trở về mà không gặp Diệp vì đã có người khác. Lâm hỏi:

- Vậy sao em còn đeo chiếc nhẫn ấy?
- Em yêu mối tình của mình, khó quên quá, nó đẹp phải không Lâm.
- Nhưng nó làm cho những người khác, như anh không dám đến với em.

Lâm nói như một lời tỏ tình mà Diệp không để ý cho đến khi Lâm viết cho Diệp lá thư. Nét chữ rắn rỏi và phóng khoáng, Lâm làm cho Diệp ngỡ ngàng vì ở thời buổi này vẫn còn có người viết thư tình trên giấy. Một người luôn khôi hài như Lâm mà cũng có thể lãng mạn như thế là một điều lạ. Đọc thư của Lâm, Diệp cười hoài vì những lời hiền lành khác hẳn anh mọi ngày nhưng anh lại làm cho Diệp phải suy nghĩ khi bê nguyên lời hát vào cuối thư “anh ước mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ”. Gặp nhau Lâm không nói gì về lá thư, Diệp cũng làm như mình chưa từng đọc thư. Nhưng bây giờ không chỉ gặp nhau vào những sáng chủ nhật mà có những buổi trưa Lâm đến chỗ làm đón Diệp đi ăn trưa, mỗi ngày Lâm càng tỏ ra săn sóc Diệp ân cần hơn. Lâm không hối thúc Diệp trả lời nhưng cách của anh làm cho Diệp thấy mình nghĩ về anh nhiều hơn.

Diệp không ngờ là tình yêu lại đến với mình nhẹ nhàng như thế. Khi Lâm phải đi công tác xa hai tuần, Diệp mới thấy anh ảnh hưởng nhiều với mình đến vậy. Ngày nào cũng đợi điện thoại, chủ nhật không có Lâm, Diệp chẳng buồn ra quán như thói quen. Diệp nôn nao đếm từng ngày Lâm trở về, nghĩ đến lúc gặp lại Lâm mà nghe lòng mình ấm áp. Diệp nghĩ mình sẽ nói gì với Lâm nhỉ. Chắc là không cần nói gì, chỉ cần xòe đôi bàn tay với những ngón tay thon thon mà Lâm khen đẹp, ngón áp út trống trơn. Chiếc nhẫn đã được tháo ra từ nhiều ngày nay.

Chưa bao giờ Diệp thấy mùa xuân vui như thế.

Lưu Cẩm Vân
;
.
.
.
.
.