.
Cửa sổ tri thức

Lễ Tịch điền

* Tôi đọc báo thấy ngày mồng 7 tháng Giêng Tân Mão vừa rồi, tại cánh đồng dưới chân núi Đọi (xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có diễn ra Lễ Tịch điền. Xin cho biết lễ này có nguồn gốc như thế nào? Vì sao không gọi Hạ điền mà là Tịch điền? (Trương Văn Hoàng, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Hạ điền hoặc Tịch điền đều chỉ lễ cày ruộng đầu năm nói chung, nhưng tùy cách tiến hành lễ mà có tên gọi khác nhau.

Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Hạ điền là “lễ cúng Thần Nông ngày đầu năm để bắt đầu làm công việc nhà nông” - dân gian thường gọi là lễ Xuống đồng, lễ Ra đồng [do chữ Hạ điền (下 田) nghĩa là xuống ruộng]; Tịch điền là “ruộng của vua tự mình ra cày” [cho chữ tịch (籍) nghĩa là giẫm, xéo].

Như thế, nếu lễ cày-đường-đầu-tiên diễn ra đại trà ở nhiều nơi thì gọi là Hạ điền; nếu diễn ra ở ruộng do chính nhà vua đích thân xuống cày để làm gương và “lấy hên” đầu năm cho dân chúng thì được gọi (một cách trân trọng) là Tịch điền. Cánh đồng dưới chân núi Đọi (xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) thuộc trường hợp thứ hai. Đây là nơi, tương truyền vào năm 987, vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày và khai sinh Lễ Tịch điền đầu tiên ở nước ta.

Lễ cày Tịch điền là lễ hội trước đây tại một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc, do nhà vua đích thân khai mạc.

Vua ngự trên một cỗ xe, đem theo cày, bừa đi thẳng tới sở Tịch điền. Vua đích thân xuống ruộng cày ba đường, các vương tôn cày 7 đường, công khanh cày 7 đường, sĩ phu cày 9 luống, cuối cùng những lão nông sẽ tiếp tục cày tại thửa ruộng đó, đó là thửa ruộng dành riêng lấy hoa màu dùng trong việc cúng lễ.
Đến thời Lý - Trần, lễ này được tổ chức long trọng hơn, trở thành một trong những lễ hội mùa xuân của đất nước. Vua Lý Thái Tông là người rất chăm lo nông nghiệp nước nhà, nhiều lần tự mình xuống cày. Tuy vậy, có một số quan lại không ưa việc vua đi làm ruộng như chuyện chép ở sách Việt sử lược, trang 259 ghi: “Mùa xuân tháng 2 năm Mậu Dần 1038, vua ngự ra Bố Hải cày ruộng Tịch điền. Vua sai Hữu ty dọn cỏ đắp đàn rồi thân tế Thần Nông, tế xong, vua tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: Đó là việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế? Vua nói: Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo? Nói xong vua đẩy cày ba lần rồi thôi”.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng Tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay”.

Đến đời Trần, do bận việc giữ nước, chống ngoại bang nên lễ cày Tịch điền không hưng thịnh như trước. Đến các thời nhà Hồ, thì hầu như phong tục này không còn được giữ.

Đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền được quy định cụ thể, tổ chức quy mô, do Bộ Lễ chủ trì. Ý nghĩa của lễ Tịch điền được vua Thiệu Trị thể hiện trong bài “Thường Mậu quan canh”, nhân một lần lên đài quan canh xem các quan cày ruộng: “Chót vót lầu cao giữa khoảng không/ Nhìn xa quang cảnh chốn nương đồng/ Ba đường dẫn lối khuyên cày cấy/ Năm tháng thương người trọng việc nông”.

Đến thời vua Khải Định thì lễ này chấm dứt. Mãi đến năm 2009, lần đầu tiên Lễ Tịch điền được khôi phục tại xã Đọi Tam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.