.

Thơ Lê Anh Phong

Tháng Giêng

Tháng Giêng
Trời đất giao mùa
Gió thóc mách
Nắng se sua yếm đào
Trời xanh vời vợi dâng cao
Tiếng chim mách lẻo lao xao lắm lời
Mai vừa chúm nụ non tươi
Đào còn e ấp mím cười ngậm sương
Mưa Xuân dăng mắc vấn vương
Không gian đằm một lời thương ngọt lành.

Nôn nao
Nhựa chuyển lên cành
Âm âm đất vỡ
Cựa mình sinh sôi
Dạt dào sóng vỗ dặm khơi
Còi tàu rời bến hẹn lời viễn phương
Cho người say giữa yêu thương
Xốn xang bao cuộc lên đường, tiễn đưa
Gió chanh chao, nắng day dưa
Hây hây má ửng, Xuân chưa kén chồng...

Díu dan câu “đúm”

Hội làng
Mở giữa vườn rừng
Díu dan câu “đúm”
Chập chùng bước chân
Quê nghèo
Thắm lại màu Xuân
Níu tay em dặn
Bâng khuâng bến chờ...

Hẹn hò
Dang dở câu thơ
Lời mềm mà buộc đến giờ
Lạ chưa?
Dùng dằng giã bạn
Ngẩn ngơ
Để chiều ướt tím bãi bờ sông quê.

Nghiêng nghiêng vành nón trăng thề
Giếng làng
Em múc chiều về nắng buông
Vọng nghe
Điệu nhớ
Vần thương
Nao nao sóng nước
Vương vương nỗi niềm.

Díu dan câu “đúm” nên duyên
Neo tình lơ lửng vào miền sơn khê...

Chợ Rằm

Chợ Rằm
Năm chỉ một phiên
Đa mang
Hội cả trăm miền về theo
Thương nhau mấy núi cũng trèo
Câu đúm-ví *
Cứ leo đèo, lượn cua.

Chợ Rằm
Không lụy bán mua
Nôn nao về chợ
Vướng bùa tình yêu
Chờn vờn
Mây trắng lắng chiều
Bềnh bồng huyền thoại
Phiêu diêu bụi trần.

Câu thương
Ai hát tần ngần
Lửng lơ lời nhớ...
Trăng Rằm ngẩn ngơ...!

(*) Đúm-ví: Một thể loại dân ca vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Một nét Tết nơi rốn lũ đi qua

Những tán cây
Chưa gột sạch dấu bùn
Nơi rốn lũ đi qua
Mùa Xuân về
Cứ Tết
Mai cổ thụ đã cuốn theo dòng nước
Hoa cải vườn nhà cứ vàng thắm sắc mai.

Bước thời gian
Ngày rộng tháng dài
Nhịp phù sinh
“Còn da lông mọc…”
Làng rốn lũ
Rũ bùn đón Tết
Những bãi bồi xanh lại sắc ngô non…

Thật vô tư
Rồng rắn lũ trẻ con
Đứa nào cũng thùng thình áo rộng
Sắc áo phố phường hòa vào sắc quê
không lẫn
(Đợi Tết về, áo “cứu trợ” đem chưng).

Chỉ có người già nhiều suy cảm
Miên man…
Nhìn đám trẻ con áo quê chen áo phố
Sau lũ quét, còn bao điều gian khó
Mà màu quê - sắc phố chợt thêm gần.

Lũ trẻ hồn nhiên
Người già rưng rưng…!
                L.A.P

;
.
.
.
.
.