.
Tản văn

Vàng chói Forsytchia

Bức tường Berlin vừa đổ, bao nhiêu đội lao động Việt Nam lần lượt tan rã. Chúng tôi, đám thợ khách bắt buộc ra hè phố, chợ phiên và chợ trời, kiếm một chỗ đứng bán hàng kiếm sống qua ngày và mộng trên tuyết trắng có ít tiền DM. gửi về cho gia đình. Cứ như thế ngày lại ngày trôi đi.

Mùa đông năm ấy thật khắc nghiệt. Nước Đức sắp thống nhất. Tuyết rơi dày nửa mét cả tuần rồi băng trắng toát, trong veo từng chuỗi như thạch nhũ rũ lúc lỉu trên cây cối, trên mái nhà. Tới cuối tháng Ba trời bỗng bớt lạnh và một ngày những tia nắng đầu tiên chọc thủng mây. Đất ấm dần. Đúng ra mặt đất vẫn còn lạnh lắm. Một sớm trên đường bán hàng về, chân tay còn lạnh cóng. Vừa tới cửa vườn nhà nơi ở, tôi bất ngờ đứng trước một bụi cây lạ. Cây gì mà suốt mùa đông tôi qua không hề để ý nó, toàn cành khẳng khiu, mọc ở ven đường, mới hai ba hôm không nhìn, nay đã bật ra những mắt hoa li ti, vàng ơi là vàng. Không có một cái lá. Từ cành mốc thếch mọc ứa ra như có phép màu, thứ hoa nom nhỏ, giống tựa như hoa mai, nhưng chỉ có bốn cánh.

Mấy hôm nữa, cứ mỗi khi bán hàng lại dừng chân chút ít bên cánh cổng có bụi hoa ấy. Như Thánh Gióng, bây giờ cây hoa rộ khoe đầy ngăn ngắt hoa vàng. Thực ra trời vẫn còn rất lạnh. Những rừng cây vẫn xám đen một màu. Không có một loài hoa nào dám dũng cảm khoe sắc. Cỏ còn táp úa rũ xuống từng vạt đen đủi tràn trạt ngoài cánh đồng. Chỉ có duy nhất loài hoa ấy, bất chấp thời khắc còn nghiệt ngã, gan góc nở tung, tràn trạt một màu vàng.

Chủ nhật ấy tôi nghỉ chợ đánh xe quanh trong thị xã, trên những con đường làng. Như cùng hẹn, đâu đâu cũng chỉ thấy loài hoa ấy khoe sắc. Không như hoa hồng, có thứ màu vàng nhàn nhạt; không giống màu vàng của những đóa tuy líp mỏng mảnh, mềm mại. Thứ hoa khởi đầu của mùa xuân này thản nhiên khoe rực cháy một màu vàng dữ dội, nổi bật lên giữa trời đất, trong màu xám u ám tàn nhẫn của mùa đông còn cố níu lại.

Hỏi ra, đó là loài hoa mang tên: Forsytchia.

 Ở nước Đức hơn hai mươi năm, năm nào thấy hoa Forsytchia bắt đầu chín, tôi biết mùa xuân sắp về.  Mùa xuân sắp về. Thợ khách chúng tôi bớt lạnh. Chúng tôi chịu đựng hàng chục giờ mỗi ngày đứng giữa trời khi gió tuyết ù ù thổi. Thợ khách bây giờ là những kẻ bán hàng lang thang trên các nẻo đường và phải bật máy sưởi suốt đêm mới qua được vài chục đêm ngủ lại giữa trời ở chợ phiên. Chúng tôi lắc chảo trên các Imbiss ngoài trời mà cửa rộng luôn thông thống. Chúng tôi bán thuê cho  các quán ăn Tàu, rửa bát để nước phít băm mòn tay, đứng catse chồn chân và chạy bàn ngày 12 giờ đồng hồ và, chỉ  rời cửa hàng lúc đã một giờ sáng, lần mò về nhà khi đường vừa hứng đợt mưa, lập tức biến thành băng đá trơn hơn cả đổ mỡ… Và bây giờ, bao nhiêu năm đã qua đi để mỗi khi thấy Forsytchia xuất hiện, đám thợ khách chúng tôi biết lại một  mùa xuân đã về và chúng tôi vẫn sống bền bỉ ở đây.

 Forsytchia xuất hiện. Mùa xuân sắp trở về. Xuân trở về để nhường lại cho mặt đất khi mưa bắt đầu rơi, các cánh rừng bật ứa chan chứa, ức vạn chồi xanh và, vài ngày nữa là một màu xanh ngút ngát trải dài khắp trên mặt đất. Trên cánh đồng, cỏ cây dại cũng rũ sương tuyết vươn lên, đón những giọt ban mai lấp lánh và, trên những luống hoa năm trước, hàng ngàn củ hoa tuy líp âm thầm chọc đất từ đêm nào nay nhú ra và vươn lên mãi những mầm tơ để chờ sớm nay nở ra những đóa hoa mảnh mai diễm lệ, nom tựa những ngọn lửa đỏ, vàng kiên trì thắp lung linh trên mặt đất, trước cửa sổ nhà.
 
Cứ như thế, khởi đầu từ sự xuất hiện những bụi hoa Forsytchia, mùa xuân ngào ngạt trên khắp nẻo vườn, trên thành phố, cho cơ man các loài hoa đào, mận, lê, táo, anh đào đua khoe đủ sắc màu làm thành một mùa xuân kỳ diệu ở châu Âu. Khi mùa xuân như vây quanh chúng tôi, những người thợ khách  lòng cũng ấm lại như mùa về và chúng tôi tự biết chúng tôi đã lại vượt qua một mùa đông băng giá...

Forsytchia ít khi được người Đức trồng trân trọng giữa các vườn cây. Đại đa số được người ta trồng bên hàng rào hay làm hàng rào quanh nhà. Đám thợ khách năm nào đã già, một số người kém may mắn bị nhiễm những bệnh chứng trên tuyết lạnh đã mất. Song đại bộ phận đã thoát khỏi cảnh ê chề ban đầu phải làm quen với xứ lạ mà kiếm sống  có những người trong chúng tôi trở thành những doanh nhân lớn, và nhiều người dù chưa phải doanh nhân giàu có trong đám thợ khách xưa, ai ai cũng đầy hy vọng, trông chờ ở đám con cháu thoát khỏi cảnh như cha mẹ chúng ngày nào, khi hôm nay thế hệ thứ hai, thứ ba ra đời để xã hội Đức công nhận trẻ con Việt có tỷ lệ vào các trường Gimnasium nhiều hơn trẻ con Đức...

Và với tôi, Forsytchia - nó trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Bởi vì Forsytchia không chỉ đơn giản là một loài hoa, với tâm khảm của một người Việt Nam là tôi, nó mang tới cho tôi tinh thần bất diệt của tâm hồn, một khí phách... Tự nhiên loài hoa lạ ấy, theo năm tháng giờ thấy thân thương thế, không chỉ với tôi, một người Việt còn xa xứ lạc loài.

Nước Đức, tháng 2-2011

Nguyễn Văn Thọ
;
.
.
.
.
.