.

Họa sĩ Tâm Hảo: người đàn bà nghịch màu

.
1- Nghệ thuật, nói chung xuất phát từ bên trong nhưng nhiều khi cũng “lộ” ra ngoài. Và thường, nam vẫn có lợi thế hơn nữ. Trong giới mỹ thuật Đà Nẵng, tôi lại thấy ông nào ông nấy râu ria xồm xoàm, dữ và ngang như... tướng cướp. Tìm ra được một “người đẹp cầm cọ” lại là Hội viên hội Mỹ thuật thành phố phải nói là khó như mò kim đáy biển. Đó là chưa kể nếu nữ họa sĩ đó  lại xinh đẹp, quý phái, yểu điệu thục nữ,  thì khác gì bắt được vàng.

Mô tả ảnh.
Họa sĩ Tâm Hảo trong triển lãm Mỹ thuật Đà Nẵng. (Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG)
Có dịp,  tôi về phố biển Đà Nẵng gặp đúng thời điểm Hội Mỹ thuật  mời chiêu đãi tổng kết, bên những tên tuổi râu tóc lãng tử, Tôn Nữ Tâm Hảo nổi bật lên với chiếc áo vàng rực rỡ. Dấu nối của màu vàng trẻ trung bên cạnh những gam màu phong sương làm “giảm đô” cái khắc nghiệt, phiêu lưu vốn như một đặc tính của nghệ thuật. Sau này, tôi mới biết Tôn Nữ Tâm Hảo đặc biệt yêu thích và hay sử dụng màu vàng trong thế giới tranh của mình. Cái màu quý phái nhưng khó nhất trong bảng màu nếu không biết tiết chế liều lượng cao tay.
 
Cái màu nếu sa đà cũng dễ hóa thành màu “vụng tu” nếu chưa đủ mười phần công lực. “Cầm vàng muốn đổ vàng đi / Đừng đong trên lửa mà đau lòng vàng”, một câu hát xưa không rõ bắt nguồn từ đâu mà suốt tuổi thơ tôi vẫn hát u ơ như vậy. Rồi theo cái bàng bạc phiêu phỏng của nó cho đến giờ. Tôi còn nghĩ, Tôn Nữ Tâm Hảo chưa bao giờ dám nhận mình là một họa sĩ như chị vẫn nói, mặc dù chị sinh hoạt trong Hội Mỹ thuật Đà Nẵng và có tranh được tuyển chọn trong nhiều đợt triển lãm tầm vóc và quan trọng. Như lần gần đây nhất triển lãm 35 năm, một chặng đường hội họa Đà Nẵng. Cuộc tuyển chọn có giám sát khắt khe này đủ để chị vui và phần nào cũng thấy tác phẩm mình “tự tin” khi cùng xuất hiện trong một dàn “hợp xướng” gồm nhiều tên tuổi, “cao thủ võ lâm” trong làng.

Nhưng tôi thì luôn thấy chị đẹp không chỉ vẽ thuần túy bởi cái màu vàng mà còn ở tấm lòng vàng, tình yêu vàng sâu bền với nghệ thuật hội họa. Đặc biệt là những chân dung phái đẹp mà chị tình cờ hay cố ý bắt gặp, miệt mài phả vào tranh ở vào độ tuổi vàng như chị. Những nét đẹp kiêu sa quý phái của trường phái hội họa biểu hiện sang trọng một thời trong tranh của các họa sĩ miền Nam, Sài Gòn cũ bãng lãng, đầy chất thơ như Đinh Cường, Nguyễn Trung, Trịnh Cung, Tôn Thất Văn... Sau gần bốn mươi năm ngỡ đã biến mất vì không còn “truyền nhân” nữa...

2- Mà không hiểu sao tôi thấy Hội Mỹ thuật Đà Nẵng có vẻ “vui là chính”. Chợt nhớ, trong nhiều triển lãm ít người đến xem. Tâm Hảo gọi điện cho tôi: - “Em xem viết bài thông tin giúp bọn chị. Anh Nguyễn Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật  tâm huyết thế mà báo chí không biết. Gần như chưa thấy kênh truyền thông nào đưa tin. Thành ra qua lại chỉ thấy bóng các họa sĩ xem tranh nhau…”. Gọi Tôn Nữ Tâm Hảo là “người đàn bà vàng” còn chính là điểm ấy. Chị luôn quan tâm đến bạn bè, người thân, những công việc chung. Trong sâu thẳm tính cách Huế cháy đượm một tình yêu “tâm tốt”, “tâm lành” như chính tên chị Tâm Hảo đã vận vào mình. Tôi nói đùa chị qua điện thoại: - “Hội họa tự thân nó nói lên hay dở mọi điều. Vì nó là mặt tiền, phơi lộ, khai phóng hết…”. Nhưng chị cứ nằng nặc bảo “Thôi thì em cố giúp. Biết đâu vẫn còn có người yêu tranh mà không biết tin. Qua báo chí phản ánh họ mới hay ra thì sao!...”. Và những dòng tin của tôi như chị nói chỉ thật sự có ích cho khoảng một phần trăm độc giả giữa bề bộn đời sống này còn tình yêu, còn thủy chung với hội họa. Thế cũng là đáng quý lắm rồi...
 
Mô tả ảnh.
Một tác phẩm của họa sĩ Tâm Hảo. (ẢNH: ĐÔNG DƯƠNG)
3- Tâm Hảo luôn tự cho mình là họa sĩ nghiệp dư. Vì yêu màu sắc hội họa mà tự học, tự “tầm sư học đạo” tìm tới nghệ thuật chứ nào phải “tài cao đức trọng” gì đâu. Thầy của chị, như chị vẫn gọi là các họa sĩ Hoàng Đặng, Vũ Dương..., tên tuổi các ông nổi như cồn, nhắc tới dân Đà Nẵng gần như ai cũng biết. Chị xem các ông là những người dám xả thân, tận hiến hết mình cho cái đẹp. Mà những người bình thường như chị chỉ “kính nhi viễn chi”, đứng xa trông tới. Còn chị không là gì. Một mình đơn độc với cuộc chơi thầm lặng. Vẽ như cuộc vượt thoát tìm ý nghĩa trong cái bề bộn tầm thường của ngày thường.

Trong cái xưởng vẽ trên lầu ba ở gần biển Thọ Quang đó mỗi lần về Đà Nẵng chúng tôi vẫn hay đến ngồi thưởng thức, chia sẻ những tác phẩm mới của chị. Mà cũng gần như là những khán giả thưởng ngoạn duy nhất vì chị kín đáo, ít khi chia sẻ với ai. Vì thế xem tranh như đang chiêm ngưỡng một cảm giác khác lạ của cái mới. Như cái ẩn nhẫn, khuất lấp của một người phụ nữ ngày thường lo toan đã tạm gác qua một bên để lộ những khoảnh khắc bùng cháy vì đam mê của màu sắc trên toan vải. Và cái màu vàng mà tôi đã từng để ý sáng rực trên từng dải tranh.
 
Đó là buổi chiều làng quê, một góc Đà Nẵng đổi thay, cánh đồng vàng sóng lúa lan xa đến tận chân trời, chân dung những thiếu nữ hồng như ở vào tuổi cực tím của độ viên mãn. Và bao giờ cũng thế. Sắc dịu trong tranh là những quãng độ yên bình, thanh thản. Cái khoảnh khắc mơ ước giữa đời không dễ kiếm nếu không biết kiềm chế, chắt lọc gạn đục khơi trong, gìn giữ trong mong manh. Đó là vẻ mềm mại không dễ khuất phục như cây liễu và những sắc lá diệp lục trong bão táp phong tố. Đó cũng là chữ nhẫn, biết cầm vàng hay giữ vàng của người đàn bà “nghịch sắc màu” giữa cái lớn lao bề bộn của cuộc sống. Và cái bình lặng, bình dị thường ngày lao xao. Đó là vàng của hạnh phúc...

Nguyễn Hữu Hồng Minh
;
.
.
.
.
.